Áp lực bán có thể vẫn sẽ duy trì đối với giá đậu tương trong phiên tối nay
Cả 3 mặt hàng trong nhóm đậu tương đều chìm trong sắc đỏ khi mở cửa phiên sáng nay sau khi đà tăng bị thu hẹp hôm qua cho thấy lực mua đang dần suy yếu. Giá đậu tương đã thất bại khi nỗ lực chạm kháng cự 1300 và lực bán vẫn đang tiếp tục mạnh lên.
Trước khi những số liệu cho thấy biến động lớn trong mối quan hệ cung cầu, ít nhất là cho tới ngày 30/09 khi USDA công bố báo cáo tồn kho quý thì giá đậu tương vẫn sẽ duy trì khoảng đi ngang hiện tại ở quanh mức 1280.
Nguồn cung hiện tại đang thiên về tác động “bearish”. Mùa vụ ở Nam Mỹ đang trong giai đoạn gieo trồng và triển vọng thời tiết dự báo sẽ tích cực khi Brazil nhận được lượng mưa đáng kể trong tháng 10.
Trong khi đó, báo cáo Crop progress được Bộ nông nghiệp Mỹ công bố vào sáng nay cho thấy, thời tiết ổn định ở Midwest trong tuần vừa qua giúp chất lượng đậu tương được đánh giá tốt – tuyệt vời vẫn duy trì ở mức 58% diện tích gieo trồng. Tiến độ thu hoạch cũng nhanh hơn một chút so với dự đoán của thị trường và đạt mức 16% diện tích dự kiến.
Khánh Linh
 
Giá cả hai mặt hàng cà phê có thể diễn biến trái chiều trước các tin tức về thời tiết
Kết thúc phiên 27/9, giá cả hai mặt hàng cà phê đồng loạt giảm. Hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 11 giằng co rồi giảm mạnh 0.4% còn 193.65 cents/pound. Giá Robusta lao dốc 1.3% còn 2121 USD/tấn.
Những lo ngại về nguồn cung cà phê trên toàn cầu đã phần nào giảm đi khi thời tiết ở cả Brazil và Việt Nam đều rất thuận lợi cho niên vụ cà phê sắp tới, khiến cho áp lực bán trên cả hai thị trường đều gia tăng.
Đà giảm của mức tồn kho Arabica trên sở ICE US đã chững lại, và duy trì ổn định ở mức 2.12 triệu bao cũng khiến cho phe mua mất đi động lực. Bên cạnh đó, đồng Real Brazil tiếp tục suy yếu, bất chấp việc Ngân hàng Trung ương Brazil tiếp tục tăng lãi suất lên 1%, cũng là yếu tố khiến cho nông dân trồng cà phê đẩy mạnh bán hàng và hưởng lợi từ sự ổn định của đồng USD.
Trái lại, lực bán ở trên thị trường Robusta có phần dồn dập hơn, nhiều khả năng do các quỹ lớn tiến hành chốt lời khi họ đã nhiều tuần liên tiếp gia tăng số lượng vị thế mua. Trong bối cảnh thị trường thiếu vắng tin tức như hiện nay, giá cả hai mặt hàng cà phê chưa thể bứt phá mạnh hơn.
Về mặt kỹ thuật, giá Arabica giằng co trong suốt cả phiên hôm qua, chỉ số RSI cho thấy phe mua vẫn đang chiếm ưu thế.
 
Thị trường kim loại ảm đạm đi ngang chờ tin tức
Kết thúc ngày 27/9, giá bạch kim tăng nhẹ 0.17% lên 981.6 USD/ounce, giá đồng đóng cửa gần như không đổi so với giá tham chiếu của phiên hôm trước, duy trì ổn định ở mức 4.28 USD/pound.
So với đồng, thị trường bạch kim không có quá nhiều tin tức cơ bản tác động lên giá, mà diễn biến giá thường phụ thuộc vào các yếu tố vĩ mô như đồng USD và các mốc kỹ thuật quan trọng. Hiện giá đang có xu hướng giảm điều chỉnh sau đợt tăng mạnh 100 USD của tuần trước. Các nhà đầu tư cũng đang rất chờ đợi chỉ số niềm tin tiêu dùng và thông tin từ buổi điều trần của chủ tịch FED Jerome Powell trước Quốc hội. Đây đều là những tin tức có ảnh hưởng mạnh tới giá trị của đồng USD và qua đó gián tiếp ảnh hưởng tới giá của các mặt hàng kim loại.
Về mặt kỹ thuật, giá bạch kim vẫn được hỗ trợ bởi đường EMA 34. Nếu giá rớt khỏi khu vực này, giá bạch kim sẽ có thể giảm về 900 USD/tấn. Các nhà đầu tư vẫn nên đứng ngoài trong phiên hôm nay bởi giá bạch kim có thể sẽ đóng cửa trên đường EMA 34 và EMA89 và đây là cơ hội tốt để các nhà đầu tư canh mua.
Ở thị trường đồng, giá đồng tuy được các tin tức cơ bản về nguồn cung hỗ trợ, tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ ở phía Trung Quốc vẫn giảm mạnh do triển vọng tăng trưởng yếu kém do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và khủng hoảng nợ của tập đoàn Evergrande.
 
Giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong hôm nay nhờ đà tăng từ khí tự nhiên
Đà tăng của khí tự nhiên kéo theo dầu tiến gần đến mốc 80 USD/thùng. Giá dầu tiếp tục tăng phiên thứ 5 liên tiếp khi lo ngại về thiếu hụt năng lượng lên cao. Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá khí tự nhiên đạt đỉnh 7 năm lên 5.706 USD/MMBTu, trong khi giá WTI tăng 1.99% lên 75.45 USD/thùng, giá Brent tăng 1.93% lên 78.72 USD/thùng.
Đà tăng giá các mặt hàng năng lượng đang được thúc đẩy từ những lo ngại về thiếu hụt năng lượng trong mùa đông và hậu quả của đối với nền kinh tế, đặc biệt là khí tự nhiên. Hiện tại, tồn kho khí của khu vực châu Âu đang thấp hơn 16.7% so với trung bình 5 năm.
Vấn đề trở nên đặc biệt nghiêm trọng đối với những khu vực mà tồn kho có trữ lượng thấp. Ví dụ, dự trữ tại Anh chỉ đủ để đáp ứng 2% nhu cầu, khiến cho nước này đặc biệt dễ tổn thương trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung và thúc đẩy giá nhập khẩu tăng cao. Điều này có thể khiến các quốc gia châu Âu gia tăng sử dụng dầu thay thế nhằm hạ giá nhiên liệu cho người tiêu dùng.
Mặc dù theo mô hình dự báo của Trung tâm Dự báo Thời tiết hạn châu Âu ECMWF, nhiệt độ cuối năm nay nhiều khả năng sẽ nóng hơn so với nền nhiệt trung bình gia đoạn 1993-2006, tuy nhiên một đợt lạnh đột ngột giống đầu tháng 2 cũng sẽ đủ để khiến tình trạng khan hiếm nguồn cung trở nên trầm trọng.
Hồng Hoa 

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV