Số liệu diện tích gieo trồng được công bố tối nay sẽ tác động đến giá ngô như thế nào?
Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/06, Ngô kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng nhẹ 0.23%, lên mức 548.5 cent/giạ. Các chính sách về pha chế nhiên liệu sinh học của Mỹ sẽ không tác động quá lớn đến mức pha trộn ethanol đã giảm bớt áp lực lên giá ngô. Ở Brazil, ngô vụ 2 niên vụ 2020/21 dự báo sẽ trải qua tình trạng thời tiết băng giá đến hết tuần này và có thể thiệt hại nặng nề hơn nữa. Thông tin này sẽ hỗ trợ và giúp cho giá ngô sẽ không giảm quá sâu trong những phiên tới.
Mở cửa sáng nay, giá ngô tiếp tục giảm mạnh hơn 1% theo đà giảm từ cuối phiên tối hôm qua do áp lực từ việc thanh toán vị thế trước thềm báo cáo Diện tích gieo trồng được Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành vào 23:00 tối nay. Như hằng năm, hiện tại đang là thời điểm thời tiết bất ổn ở Mỹ, tác động của hạn hán đến năng suất vẫn khó đưa ra được con số định lượng. Chính vì thế nên, báo cáo này sẽ phần nào giúp cho bức tranh nguồn cung trở nên rõ ràng hơn và tạo ra biến động mạnh về giá. Bảng dưới là so sánh thay đổi diện tích gieo trồng trong số liệu tháng 3 và tháng 6 qua các năm, và tác động lên giá ngô.

Tong hop cac ban tin ngay

Trong báo cáo về triển vọng gieo trồng trước đó của Mỹ, USDA đã đưa ra con số 91.1 triệu mẫu cho diện tích gieo trồng ngô năm 2021. Thị trường đều kì vọng diện tích ngô sẽ được mở rộng trong báo cáo tối nay. Nếu con số này nằm trong khoảng 92,5 đến 93,5 triệu mẫu, thị trường có thể sẽ không có biến động quá lớn vì đã nằm trong dự đoán trước đó. Tuy nhiên, nếu diện tích đạt trên 94 triệu mẫu trở lên, cùng với mức năng suất hiện tại thì sẽ làm tăng lượng tồn kho cuối vụ lên gần hơn 2 tỷ giạ và khiến giá ngô sẽ giảm mạnh.
Ở góc nhìn kĩ thuật, giá ngô vẫn chưa cho thấy các tín hiệu thể hiện xu hướng rõ ràng. RSI đang đi ngang quanh vùng 50, giá đang dao động trong khoảng giữa của dải dưới chỉ báo Bollinger Bands. Trong phiên hôm nay, giá ngô có thể sẽ trải qua rung lắc mạnh và hướng về mức hỗ trợ 525.

Giá lúa mì phiên hôm qua bất ngờ giảm 0.81% mà không theo các yếu tố cơ bản. Chất lượng lúa mì tiếp tục giảm mạnh trong tuần trước cùng với các đơn hàng đấu thầu từ các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trên thế giới là thông tin “bullish” với giá. Bên cạnh đó, lúa mì cũng là mặt hàng duy nhất được thị trường dự đoán có diện tích gieo trồng giảm xuống trong báo cáo tối nay. Chính vì thế nên giá lúa mì khó có thể giảm mạnh trong tối nay.
Mở cửa phiên hôm nay, giá lúa mì đang được giao dịch ở quanh mức 645 cent/giạ. RSI đang ở mức 40, giá dao động trong khoảng đi ngang ở biên dưới dải Bollinger Bands. Có thể trong phiên hôm nay, lúa mì sẽ tiếp tục dao động trong khoảng 640-660.
 
Lực chốt lời vẫn có thể gây sức ép lên giá Cà phê trong phiên hôm nay
Phiên giao dịch ngày 29/6 kết thúc với sắc đỏ bao trùm cả hai sàn Cà phê. Giá Arabica kỳ hạn tháng 9 trên sàn ICE New York giảm 1.54% còn 160.2 cents/pound, giá Robusta kỳ hạn tháng 9 trên sàn ICE Luân Đôn giảm 2.1% còn 1675 USD/tấn.
Những lo ngại về sương giá ở Brazil dường như là không đủ để tiếp thêm động lực cho phe mua, khiến cho giá Cà phê lao dốc ngay từ đầu phiên. Bên cạnh đó, biến chủng Delta, với khả năng lây nhiễm mạnh mẽ, đã khiến cho nhiều quốc gia tái phong tỏa trở lại, cũng gây áp lực lên tâm lý của các nhà đầu tư về triển vọng phục hồi của nên kinh tế thế giới và nhu cầu tiêu thụ Cà phê.
Việc thị trường chứng khoán Mỹ liên tục lập đỉnh mới trong các phiên giao dịch gần đây, khiến cho dòng vốn vào thị trường hàng hóa và khối lượng giao dịch đều giảm, phản ánh tâm lý không còn quá mặn mà với việc tiếp tục mua vào của các nhà đầu tư. Do đó, sau nhiều phiên tăng mạnh, mức giảm của phiên hôm qua có thể xuất phát từ tâm lý chốt lời ở các khu vực kỹ thuật.
Đối với Cà phê Arabica, giá quay đầu ngay mức cản 164 cents/pound, nơi mà phe mua đã nhiều lần thất bại trước đó. Hiện giá đang được hỗ trợ ở mức 160 cents (tương đương Fibonnaci 78.6), nếu lực bán mạnh vẫn tiếp tục duy trì khi mở phiên hôm nay, giá Arabica có thể test lại đường hỗ trợ EMA 20 với mức hỗ trợ 157.5 cents và thậm chí cả mức 155 cents. Biên độ dao động trong phiên hôm nay: từ 155 – 160 cents/pound.

Ở thị trường Cà phê Robusta, tín hiệu phân kì ngày một rõ ràng, khi giá liên tục thiết lập các đỉnh mới, nhưng chỉ số RSI cho thấy các đỉnh thấp dần, phản ánh sự suy yếu của phe mua. Có thể trong phiên hôm nay, phe bán sẽ tiếp tục chốt lời và đẩy giá xuống test lại vùng hỗ trợ 1650 USD/tấn.
 
Thị trường kim loại quý vẫn ảm đạm chờ đợi các số liệu kinh tế
Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/6, sắc đỏ bao phủ thị trường kim loại quý. Giá Bạc giảm 1.34% về 25.872 USD/ounce, giá Bạch kim cũng đóng cửa với mức giảm gần 3% về 1067.5 USD/ounce.
Mức giảm của thị trường kim loại quý trong phiên hôm qua là tương đối cao khi mà chỉ một phiên giảm đã cuốn bay mức tăng của nhiều ngày trước đó. Các nhà đầu tư Bạc và Bạch kim cũng ngày một lo lắng hơn khi mà những phiên thị trường đóng cửa xanh đều không có lực mua quá mạnh, hoặc thị trường chỉ tăng điểm nhẹ nhưng vẫn ở trong trạng thái đi ngang như đối với giá Bạc.
Giá của cả hai mặt hàng kim loại quý đều chịu rất nhiều áp lực từ đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ, khi mà chỉ số S&P 500 liên tục lập các đỉnh mới. Bên cạnh đó, một thước đo nỗi sợ lạm phát quan trọng là Tỉ lệ lạm phát hòa vốn (breakeven inflation rate), đo lường mức chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính phủ chống lạm phát (TIPS) cùng thời hạn đang liên tục giảm từ đầu tháng 5 tới nay. Điều này phản ánh tâm lý tích cực của các nhà đầu tư khi đã giải tỏa được áp lực lạm phát có thể cản trở sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch.
Cả hai lý do nêu trên đều làm cho thị trường kim loại quý trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại.

Từ góc nhìn kỹ thuật, bạc đang đi ngang trong biên độ 25.7 – 26.5 USD/ounce như giai đoạn tháng 4 năm nay. Khối lượng giao dịch và lực mua đều không cao, phản ánh một thị trường ảm đạm thiếu động lực. Thước đo Fibonacci mở rộng cho thấy đà giảm bởi tin tức liên quan đến tín hiệu thắt chặt của FED khá mạnh, khi giá giảm về dưới vùng 50.0. Hiện giá đang giằng co trong vùng Fibonacci 38.2 – 50.0. Dự kiến, giá Bạc trong các phiên sắp tới vẫn đi ngang để chờ đợi số liệu Bảng lương phi nông nghiệp.

Đối với thị trường Bạch kim, từ đầu tháng 5 đến nay, giá đã liên tiếp giảm hơn 15%. Đà tăng liên tiếp của tuần trước nhiều khả năng chỉ là một nhịp điều chỉnh trước khi giá tiếp tục giảm sâu hơn khi mà phe mua chỉ đưa giá tiệm cận tới vùng Fibonnacci 61.8, và giá quay đầu giảm ở ngay vùng kháng cự 1110 USD/ounce. Chỉ số RSI cũng cho thấy thị trường không còn quá mặn mà với việc mua vào ở thời điểm này. Trong phiên hôm nay, có thể giá sẽ giảm về test lại khu vực hỗ trợ 1040 -1045 USD/ounce.
 
Tác động của dịch COVID-19 sẽ không ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu tiêu thụ năng lượng
Giá dầu tăng nhẹ ngày hôm qua, với WTI tăng 0.1% lên 72.98 USD/thùng, Brent tăng 0.19% lên 74.28 USD/thùng khi cuộc họp của OPEC cho thấy triển vọng lạc quan về nhu cầu của dầu.
Theo cuộc họp Ủy ban Kỹ thuật chung (JTC) tối hôm qua, nhu cầu dầu trong năm nay sẽ tăng so với 2020 khoảng 6 triệu thùng/ngày, trong đó phần lớn đến từ mức tăng 5 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm.
Dự trữ dầu thô của OECD giảm xuống dưới trung bình trong mức 5 năm, kết hợp với tồn kho của Mỹ đang tiến đến tuần giảm thứ 6 liên tiếp, theo khảo sát của Reuters. Điều này khiến cho nguồn cung dầu ngày càng trở nên thu hẹp, khiến cho IEA và bộ trưởng Ấn Độ lên tiếng kêu gọi OPEC gia tăng nguồn cung trong thời gian qua.
Mặc dù dịch COVID-19 bùng phát tại Úc, Anh,… tác động của dịch có thể sẽ không quá nghiêm trọng như năm ngoái. Tiêu biểu nhất là trường hợp của Ấn Độ, dù nước này đón nhận làn sóng COVID-19 bùng phát trong tháng 4 với số ca nhiễm tăng kỷ lục, nhu cầu tiêu thụ dầu thô Ấn Độ vẫn sẽ phục hồi về mức trước đại dịch trong cuối năm nay. Mặc dù gặp nhiều chỉ trích, có thể thấy biện pháp phong tỏa từng vùng thay cho việc đóng cửa cả nước của Tổng thống Ấn Độ đã góp phần giúp cho kinh tế nước này lấy lại đà tăng trưởng trong năm nay. Như vậy nhiều khả năng trong thời gian tới, kể cả trong trường hợp dịch COVID-19 bùng phát trở lại, các quốc gia sẽ áp dụng kinh nghiệm của Ấn Độ, đảm bảo các hoạt động tiêu dùng, sản xuất ngay trong lúc chống dịch. Đây có vẻ là mục tiêu mà Anh đang nhắm đến, khi các nước này thúc đẩy mở cửa nền kinh tế ngay cả khi số ca nhiễm mới chưa có dấu hiệu giảm.
Về mặt kỹ thuật, giá đang gặp kháng cự tại 73.5 USD/thùng khi thị trường chờ đợi kết quả cuộc họp Ủy ban giám sát cấp bộ trưởng chung (JMMC) của OPEC trong khi MACD và RSI đi xuống gợi ý giá sẽ chưa thể phá kháng cự này. Tuy nhiên, nếu Báo cáo dầu khí hàng tuần tối nay của EIA lúc 21h30 xác nhận tồn kho dầu thô giảm mạnh tuần thứ 6 liên tiếp, giá WTI có thể sẽ phá vỡ kháng cự này để tiến gần tới vùng 74 USD/thùng.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)