Nguy cơ sương giá ở Brazil sẽ duy trì đà tăng cho thị trường Cà phê trong hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/6, giá Cà phê hai sàn bật tăng mạnh mẽ. Giá Arabica kỳ hạn tháng 9 trên sàn ICE US tăng 3.11% lên 162.7 cents/pound, còn giá Robusta cùng kỳ hạn trên sàn ICE EU tăng 1.91% lên 1711 USD/tấn.
Đà tăng hôm qua được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ vào những lo ngại thời tiết sương giá khắc nghiệt ở Brazil có thể làm ảnh hưởng tới các khu vực sản xuất Cà phê. Hiện nay, dự báo cho thấy, sương giá sẽ xuất hiện kể từ thứ tư tuần này và gây ảnh hưởng mạnh tới các bang Parana và Sao Paulo. Tuy không phải bang trồng Cà phê chủ lực của Brazil, nhưng có nguy cơ đợt không khí lạnh này sẽ lan rộng tới các bang khác, bao gồm cả bang Minas Geraiss, nơi mà phần lớn sản lượng Cà phê được thu hoạch.
Bên cạnh đó, Cà phê ở các cảng tại Việt Nam và Indonesia vẫn trong tình trạng kẹt cứng, chưa thể rời đi do thiếu hụt các containers và cước tàu biển cao cũng sẽ là yếu tố duy trì đà tăng của cả hai loại Cà phê trong phiên hôm nay. Biến chủng virus Delta lây lan ngày càng nhanh khiến nhiều quốc gia phải áp dụng các biện pháp thắt chặt trở lại có thể khiến cho giá Cà phê Robusta bứt phá mạnh hơn.
Từ góc nhìn kỹ thuật, giá Arabica sẽ test mức cản 165 cents/pound trong hôm nay. Lực mua mạnh có khả năng sẽ đưa giá vượt qua mức này và hướng tới mức 168 cents/pound. Nếu giá đóng cửa trên 165 cents/pound trong phiên hôm nay, giá Arabica có thể khôi phục lại xu thế tăng như cũ. Mục tiêu chốt lời cho các nhà đầu tư sẽ là mức 180 cents/pound (Fibonacci mở rộng 1.618).

Tong hop cac ban tin ngay

Đối với giá Robusta, giá có phiên tăng thứ 4 liên tiếp và đóng cửa trên mức 1700 USD/tấn. Trong hôm nay, giá có thể test mốc 1750 USD, tuy nhiên chỉ số RSI cho thấy giá đang hướng tới vùng quá bán, và sau nhiều phiên liên tiếp tăng, có thể trong phiên hôm nay giá sẽ có nguy cơ gặp áp lực chốt lời và đóng cửa dưới mức này.
 
Thị trường kim loại quý liệu có thất thế trong vai trò tài sản trú ẩn an toàn?
Trước tình hình đầy biến động của nền kinh tế thế giới khi các Ngân hàng Trung ương có tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ, cộng với nỗi lo đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại do biến thể Delta mới xuất hiện ở Ấn Độ, các nhà đầu tư rất quan ngại về triển vọng của các thị trường tài chính trong thời gian sắp tới, đặc biệt là thị trường kim loại quý. Bên cạnh đó, thị trường tiền điện tử với đại diện tiêu biểu là đồng Bitcoin nổi lên như một phương thức mới cho các nhà đầu tư để chống lại sự trượt giá của các đồng tiền giấy. Vậy Bạc và Bạch kim liệu có còn đảm bảo được vai trò trú ẩn an toàn của mình trong mắt của các nhà đầu tư?
Sự cạnh tranh giữa thị trường tiền điện tử và thị trường kim loại quý
Từ đầu năm 2021 đến nay, giá các mặt hàng kim loại quý chịu rất nhiều áp lực từ đà tăng của thị trường tiền điện tử và thị trường chứng khoán. Chỉ số S&P 500 tăng 18% kể từ đầu năm tới nay và liên tục lập đỉnh mới. Trong khi đó, đồng Bitcoin bứt phá liên tục và đạt đỉnh 64,000 USD vào tháng 4 năm nay trước khi giảm trở lại 33,000. Do đó, từ các Ngân hàng lớn của Mỹ như JP Morgan, Goldman Sachs, đến quỹ đầu cơ và cả các nhà đầu tư nhỏ lẻ đều không ngần ngại rót dòng vốn vào các thị trường đầu tư mạo hiểm.

Thị trường tiền điện tử cũng cung cấp thêm một công cụ đa dạng hóa danh mục cho các nhà đầu tư, vì thế, thị trường kim loại quý cũng phải chia sẻ dòng vốn với các đồng tiền điện tử. Có rất nhiều nhận định tin tưởng vào tiềm năng thay thế thị trường kim loại quý của đồng Bitcoin, thậm chí El Salvador đã chấp nhận Bitcoin thành một loại tiền tệ hợp pháp của nước này. Tuy nhiên, diễn biến giá gần đây cho thấy kịch bản ngược lại, và tiếp tục nâng cao vai trò trú ẩn an toàn của các mặt hàng kim loại quý.
Vị thế khó có thể bị thách thức của Bạc và Bạch kim
Mặc dù gặp nhiều áp lực, khiến cho giá Bạc và Bạch kim hiện đang giảm nhẹ so với giá hồi đầu năm. Giá Bạc hiện ở mức 26 USD/ounce, còn giá Bạch kim đang giao dịch ở mức 1186 USD/ounce. Giá Vàng thế giới cũng giảm về còn 1774 USD/ounce. Đây đều là mức giảm nhẹ khi so sánh với sự mất giá của đồng Bitcoin trong thời gian gần đây. Kể từ tháng 4 đến nay, giá trị giao dịch của Bitcoin đã giảm hơn 40% từ đỉnh 64,000 USD về còn khoảng 33,000 USD. Các tín hiệu cho thấy yếu tố đầu cơ trong thị trường tiền điện tử vô cùng lớn khi giá có thể biến độc vài chục phần trăm trong một ngày. Trong khi đó, giá của một tài sản trú ẩn an toàn cần được giữ ở mức ổn định, và không nên chịu ảnh hưởng quá nhiều bới các yếu tố đầu cơ. Chưa kể đến tính thanh khoản và minh bạch của thị trường tiền điện tử cũng là yếu tố khiến các nhà đầu tư e ngại.

Rất nhiều chuyên gia và các nhà đầu tư lớn như Warren Buffet bày tỏ nỗi lo đối với thị trường tiền điện tử, khi mà giá trị của các đồng tiền quá dễ dàng bị thao túng bởi các tin tức. Thậm chí, chỉ một vài dòng trên Twitter của tỉ phú Elon Musk cũng khiến cho cả thị trường chao đảo. Trái lại, thị trường kim loại quý không thể quá dễ dàng bị thao túng khi các tổ chức nắm giữ lớn đều là các Ngân hàng nhà nước, kho bạc và các Quỹ đầu tư danh tiếng. Tính thanh khoản của thị trường luôn cao, kèm theo tính minh bạch, vẫn là yếu tố giúp cho Bạc và Bạch kim giữ được vị thế trú ẩn an toàn của mình.
Kịch bản cho thị trường kim loại quý: Áp lực trong ngắn hạn và triển vọng
Trong ngắn hạn, tiền điện tử có thể sẽ gây áp lực lên giá của các mặt hàng kim loại quý, do các nhà đầu tư vẫn muốn tìm ra một giải pháp để phòng ngừa rủi ro đối với tiền giấy nhưng chúng không làm giảm đi sức hấp dẫn của Bạc và Bạch kim.
Tuy nhiên, một khi các chính phủ mạnh tay siết chặt hoạt động của thị trường tiền điện tử do thiếu tính minh bạch, rất có khả năng các đồng tiền như Bitcoin hay Ethereum sẽ không còn cơ hội được giao dịch. Ngay cả khi Chính phủ các nước phát hành đồng tiền số của nước mình, các nhà đầu tư sẽ vẫn luôn để một phần tài sản vào các kim loại quý như Bạc và Bạch kim, nhằm trống lại sự trượt giá do chính sách của các Ngân hàng Trung Ương.
Trong thời gian sắp tới, thị trường có thể vẫn duy trì trạng thái ảm đạm và đi ngang, do thiếu thông tin và động lực bứt phá. Giá Bạc có được dự báo sẽ dao động trong biên độ 25.5 – 27 USD/ounce, còn giá Bạch kim sẽ tích lũy từ 1050 – 1140 USD/ounce. Các nhà đầu tư có thể giao dịch theo các mốc hỗ trợ và kháng cự, để chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn khi thị trường bắt đầu hình thành xu hướng. Trong dài hạn, sự biến động của nền kinh tế, nguy cơ đến từ mức nợ công cao đến chóng mặt của Mỹ, vẫn là những yếu tố củng cố cho triển vọng của thị trường kim loai quý.
 
Giá dầu có thể sẽ tiếp tục giảm trong hôm nay do tác động của dịch COVID-19
Giá 2 mặt hàng dầu thô giảm trong ngày hôm qua do lo ngại dịch COVID-19 bùng phát trở lại. Kết thúc phiên giao dịch, dầu WTI giảm 1.54% xuống 72.91 USD/thùng, dầu Brent giảm 1.64% xuống 74.14 USD/thùng.
Chủng vi-rút mới Delta đang gây lo ngại lớn trên toàn cầu, khi nó đã lan tỏa ra 85 nước trên thế giới, và là nguyên nhân chính cho số ca lây nhiễm tăng mạnh tại Nga và Indonesia. Trong khi đó, chủng Gamma hiện cũng đã lan sang hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, dẫn đầu là Canada và Mỹ. Theo Cơ quan Y tế Công cộng California, chủng Gamma hiện đang chiếm 10% trên tổng số mẫu xét nghiệm được giải trình tự gen trong tháng 6.
Bất chấp nỗ lực mở cửa trở lại của châu Âu với 16 nước hiện đã sử dung “hộ chiếu vắc-xin điện tử”, số ca nhiễm mới gia tăng tại Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha buộc các nước này áp dụng các biện thêm các biện pháp phạn chế mở cửa cho du khách. Như vậy, có khả năng nhu cầu du lịch, đi lại trong mùa hè này sẽ không tăng cao như dự kiến Điều này cho thấy thị trường dầu thô nói riêng và nhóm năng lượng nói chung vẫn đang chịu tác động rất lớn từ các diễn biến của dịch Covid-19.

Từ biểu đồ trên, có thể thấy tuần vừa rồi số ca COVID-19 đã bùng phát trở lại tại nhiều châu lục, trong đó ảnh hưởng nặng nề nhất là Úc.
Về mặt kỹ thuật, giá WTI hiện đang được hỗ trợ tại kháng cự 72.6 USD/thùng. MACD và RSI đang cho tín hiệu trái chiều, tuy nhiên với việc thiếu hụt thông tin cơ bản đủ mạnh, khả năng cao giá sẽ phá vỡ kháng cự này trong tối nay. Thị trường sẽ theo dõi các diễn biến của dịch COVID-19 cũng như các động thái mới của OPEC+. Hiện tại công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy đang dự đoán về mức tăng sản lượng của OPEC+ trong cuộc họp tiếp theo đang dao động từ 100,000–200,000 thùng/ngày, trong khi thị trường tuần trước dự đoán mức tăng 500,000-700,00 thùng/ngày. Nếu mức tăng thật sự như Rystad dự đoán, giá sẽ được hỗ trợ để đảo chiều.
 
Ngô và lúa mì có thể tiếp tục tăng nhẹ trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/06, Đậu tương kỳ hạn tháng 11 tăng mạnh 3.37% bất chấp các thông tin cơ bản đều không hỗ trợ giá. Tiến độ giao hàng của Mỹ ở thời điểm hiện tại chỉ ở mức thấp làm gia tăng khả năng số liệu tồn kho cuối niên vụ thực tế sẽ cao hơn so với dự báo hiện tại.
Trong sáng nay, giá đậu tương đã giảm mạnh khoảng 25 cents càng giúp khẳng định rằng đà tăng trong phiên hôm qua là thái quá và không bền. Hiện tại, đà bán chốt lời trong phiên sáng đang gặp phải lực mua kỹ thuật tại vùng hỗ trợ tâm lý 1300 và khiến giá đậu tương tiếp tục giằng co xung quanh vùng giá này. Giá đậu tương có thể sẽ giằng co với biên độ 20 cent quanh vùng giá quan trọng 1300.

Dự báo thời tiết trong tuần này cho thấy, mưa sẽ tiếp tục xuất hiện tại vùng Midwest của Mỹ, đặc biệt là tại các bang tại khu vực phía đông và phía nam. Tiến độ nảy mầm của đậu tương tại Mỹ hiện đã đạt 96% trong khi tiến độ ra hoa đạt 14%. Trong giai đoạn này thì nhu cầu độ ẩm của cây đậu tương sẽ thấp hơn so với giai đoạn trước và cũng sẽ cần được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhiều hơn. Điều này đồng nghĩa với việc mưa lớn kéo dài có khả năng sẽ phần nào hạn chế sự phát triển của cây trồng.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá hợp đồng ngô kỳ hạn tháng 12 tăng mạnh 5.39%, và là mức tăng mạnh nhất trong cả nhóm nông sản. Trong hôm qua, USDA chi nhánh Brazil đã giảm dự báo sản lượng ngô niên vụ 2020/21 của nước này về dưới mức 100 triệu tấn, cũng giống như các hãng tư vấn địa phương đã làm trước đó.
Dự báo trong những ngày tới, thời tiết tại các khu vực trồng ngô chính tại Mỹ vẫn sẽ khá thuận lợi cho sự phát triển của cây trồng với lượng sự xuất hiện của những cơn mưa và nhiệt độ trung bình. Tuy nhiên, tại Brazil, do gieo trồng bị trì hoãn dẫn tới hoạt động thu hoạch cũng bắt đầu muộn hơn thông thường. Nông dân sẽ bắt đầu thu hoạch ngô trồng sớm tại các khu vực gieo trồng phía bắc, trong khi ngô tại khu vực phía nam vẫn đang trong những giai đoạn phát triển cuối cùng. Bên cạnh điều kiện thời tiết khô hạn, mùa vụ ngô thứ 2 của Brazil còn phải đối mặt với các rủi ro do sương giá. Một tờ báo địa phương của Paraguay đưa tin, băng giá có thể sẽ ảnh hưởng lên tới 30% tổng sản lượng ngô của Paraguay và vùng không khí lạnh này rất có thể sẽ ảnh hưởng tới các khu vực gieo trồng phía nam của Brazil trong những ngày tới. Giá ngô có khả năng sẽ test lại kháng cự 550 trong phiên hôm nay.

Giá lúa mỳ hợp đồng tháng 9 mở đầu tuần này với mức tăng gần 2% nhờ diễn biến tích cực của giá ngô. Sau nhiều phiên giảm điểm, giá lúa mỳ hiện tại trở nên hấp dẫn hơn đối với các nước nhập khẩu và sự xuất hiện của các đơn hàng đấu thầu mới sẽ khiến giá lúa mỳ khó có thể giảm sâu trong ngắn hạn trong trường hợp không có thêm thôn tin cơ bản mới.
Số liệu trong báo cáo Crop Progress trong sang nay cho thấy, chất lượng của lúa mỳ vụ xuân tại Mỹ tiếp tục giảm mạnh. Tuy nhiên điều này đã không gây bất ngờ cho các nhà đầu tư khi bang North Dakota, nơi sản xuất chính của lúa mỳ vụ xuân, liên tục không có mưa trong thời gian gần đây. Theo nhận định của MXV News, chất lượng kém của lúa mỳ vụ xuân đã là yếu tố giúp giá lúa mỳ chưa thể giảm sâu hơn và sẽ tiếp tục giao dịch trong khoảng đi ngang kể từ giữa tháng 6. Giá lúa mì có thể sẽ tiếp tục đi ngang và giằng co quanh mức 640 – 660.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)