Dẫn chứng từ nghiên cứu gần đây, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch VINACAS cho biết, ngành điều Việt Nam chủ yếu mới dừng lại ở việc xuất khẩu nhân điều, chưa có nhiều sản phẩm hàm lượng giá trị gia tăng cao.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), kim ngạch xuất khẩu điều trong năm 2017 ước đạt trên 3,5 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2016.
Với con số này, ngành điều tiếp tục xác lập kỷ lục mới về giá trị xuất khẩu; đồng thời đây cũng là năm 12 liên tiếp, ngành điều Việt Nam giữ vững ngôi vị đứng đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều.
Tuy vậy, thặng dư thương mại trong ngành điều không lớn, khi giá trị nhập khẩu nguyên liệu trong năm 2017 ước trên 2,5 tỷ USD. Kèm theo đó giá trị lợi nhuận mang lại cho doanh nghiệp và người trồng điều trong nước vẫn còn thấp, chưa tương xứng.
Lợi nhuận rơi về đâu?
Theo ông Tạ Quang Huyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Hoàng Sơn 1 - một trong những doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều lớn nhất hiện nay, xuất khẩu điều năm nay tăng trưởng cao chủ yếu là do tình hình tiêu thụ nhân điều trên thế giới khá tốt, nhu cầu thế giới về nhân điều ngày càng cao.
Bên cạnh đó, sau khi vụ mùa trong nước gặp vấn đề về năng suất, các nhà chế biến điều Việt Nam đã tích cực nhập khẩu điều nguyên liệu từ Châu Phi về chế biến. Những điều này đã giúp cho xuất khẩu điều của Việt Nam trong năm 2017 tăng cả về lượng và giá trị so với năm ngoái.
Đáng chú ý, ngành chế biến điều thế giới hiện có quy mô khoảng 3,4 triệu tấn thì riêng Việt Nam đã chế biến khoảng 1,5 triệu tấn. Trong 2 năm gần đây, trung tâm điều thế giới đã được dịch chuyển từ Ấn Độ về Việt Nam, trở thành trung tâm chế biến và xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Ông Lê Quang Luyến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH sản xuất – thương mại Phúc An cũng cho biết, cùng với đà tăng trưởng chung của ngành điều, trong năm 2017, doanh thu xuất khẩu của công ty này ước tăng trên 20% so với năm ngoái.
Tuy vậy, theo ông Luyến và các doanh nghiệp, dù xuất khẩu nhân điều của các doanh nghiệp gặp nhiều thuận lợi nhưng lợi nhuận thực tế lại không được như kỳ vọng. Bởi lẽ, năm nay, giá điều thô tăng đột biến do sản xuất trong nước và Campuchia bị mất mùa.
Các vùng nguyên liệu khác ở Châu Phi cũng theo đà đó để tăng giá lên. Dù giá xuất khẩu cũng có tăng, nhưng không tăng kịp đà tăng của giá nguyên liệu nhập khẩu. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của các doanh nghiệp và cả nông dân trồng điều.
Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cho rằng, mặc dù Việt Nam là trung tâm chế biến hạt điều của thế giới, nhưng vẫn hạn chế trong việc tham gia sâu vào chuỗi giá trị hạt điều toàn cầu.
“Giá điều đến tay người tiêu dùng nước ngoài thường ở mức gần 30USD/kg, trong khi giá bình quân các doanh nghiệp Việt Nam bán ra chỉ ở mức 10USD/kg. Nghĩa là các doanh nghiệp Việt chỉ chiếm 30% lợi nhuận trong chuỗi giá trị sản xuất ngành điều, còn lại lợi nhuận rơi vào tay các nhà phân phối, siêu thị lớn của nước ngoài. Trong khi đó, nguồn lực, tiền vốn, công sức… các doanh nghiệp Việt bỏ ra rất lớn mà lợi nhuận thu được lại không tương xứng”, ông Thanh chia sẻ.
Khắc phục điểm yếu về nguyên liệu
Với thực tế trên của ngành điều, phải chăng Việt Nam chỉ là đầu mối gia công của ngành điều thế giới? Khi đề cập đến vấn đề này, các doanh nghiệp trong ngành cho rằng, điều này là không xác thực. Bởi ngành chế biến điều Việt Nam trong những năm gần đây có những bước phát triển khá mạnh mẽ, công nghệ chế biến được đánh giá là đứng đầu thế giới.
Theo ông Trần Văn Hiệp, Trưởng ban Xúc tiến thương mại của VINACAS, công suất chế biến của các nhà máy chế biến điều trong nước hiện không chỉ dừng lại ở 1,5 triệu tấn mà có thể lên đến 2 triệu tấn. Trong khi sản lượng sản xuất trong nước chỉ ở mức 250.000-350.000 tấn, phần còn lại bắt buộc phải nhập khẩu.
Chưa tính đến yếu tố hiệu quả hay không, việc nhập khẩu nguyên liệu là điều bắt buộc để phục vụ nhu cầu sản xuất của các nhà máy chế biến. Nếu không, nhiều cơ sở, nhà máy chế biến điều sẽ phải đóng cửa vì không có nguyên liệu sản xuất.
Ông Tạ Quang Huyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Hoàng Sơn 1 cũng cho rằng, với dư địa đất nông nghiệp như hiện nay, Việt Nam không còn nhiều quỹ đất để mở rộng sản xuất điều. Do vậy, việc nhập khẩu nguyên liệu để chế biến không hẳn là xấu.
“Năm nay, Việt Nam nhập khẩu 75% nguyên liệu chế biến, tương đương với khoảng 1,3 triệu tấn. Với giá trị thặng dư 20% thì ngành điều Việt Nam có phần lợi nhuận 260.000 tấn, gần tương đương với sản lượng sản xuất trong nước. Chưa kể, ngành điều góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở khu vực nông thôn…”, ông Huyên nói.
Trước thực tế sản lượng sản xuất trong nước khó có khả năng phát triển thêm, VINACAS đã phối hợp với Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia và các doanh nghiệp nước này để xây dựng vùng nguyên liệu 1 triệu tấn điều ở Campuchia trong thời gian tới. Ngoài Campuchia, các doanh nghiệp cũng nhắm đến vùng nguyên liệu ở Lào, nhằm giải quyết căn cơ vấn đề thiếu hụt nguyên liệu chế biến như hiện nay.
Theo VINACAS, trong tương lai, các doanh nghiệp ngành điều phải tiếp tục đẩy mạnh chế biến sâu, khai thác tốt thị trường trong nước.
Đồng thời, phải gắn chặt hơn nữa với vùng nguyên liệu, để hướng đến các sản phẩm sạch, như hữu cơ, sản xuất theo các chuẩn quốc tế… Từ đó, góp phần giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu thường xuyên biến động tăng giá, đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành điều Việt Nam trong thời gian tới.
Nguồn: Hứa Chung/TTXVN/Yonhap