Thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng tốc năm 2022
Xuất khẩu tăng từ 6-8%
Năm 2022 bối cảnh thế giới lẫn trong nước có khá nhiều yếu tố thuận lợi với hoạt động XNK của Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, dự báo nhu cầu hàng hóa XK trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục tăng. Việc các nước đang triển khai mạnh mẽ tiêm vắc xin bổ sung và mở cửa trở lại đã làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử… của Việt Nam. Cùng với đó, một số nền kinh tế tiếp tục triển khai các gói kích cầu, thông qua hỗ trợ trực tiếp cho người dân, qua đó thúc đẩy tiêu dùng các mặt hàng, trong đó có mặt hàng NK từ Việt Nam. Cùng với quá trình hội nhập sâu rộng, các DN của Việt Nam đang khai thác hiệu quả các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, kim ngạch XNK của nước ta đã và sẽ tiếp tục gia tăng, đặt ra nhiều cơ hội.
Kim ngạch XK của Việt Nam năm 2021 ước đạt gần 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu XK, chiếm khoảng 86,24% tổng kim ngạch XK, tăng 0,6 điểm phần trăm so với năm trước.
Kim ngạch XK sang các khu vực thị trường đều đạt mức tăng trưởng dương, tăng cao ở những thị trường có FTA với Việt Nam như: Trung Quốc tăng 15%; Hoa Kỳ tăng 24,2%; EU tăng 14%; ASEAN tăng 25,8%; Hàn Quốc tăng 15,8%; Ấn Độ tăng 21%; New Zealand tăng 42,5%; Australia tăng 3,1%.
Tuy nhiên, khó khăn dễ thấy là xu hướng gia tăng chủ nghĩa dân tộc, bảo hộ thương mại, chiến tranh thương mại, chống toàn cầu hóa, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nhu cầu đối với dịch vụ logistics vẫn tăng mạnh. Giá cước vận chuyển đang ở mức cao nhất trong lịch sử.
“Là nền kinh tế có độ mở cao, kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng nhiều chiều từ những biến động của kinh tế thế giới. Nhiều mặt hàng XK của Việt Nam đang được hưởng lợi về giá. Tuy nhiên, nhiều ngành hàng dựa vào nguyên liệu NK nên sẽ chịu tác động của việc giá cả hàng hóa cơ bản, nguyên nhiên vật liệu thế giới tăng, giá cước vận tải chưa có dấu hiệu giảm, vẫn ở mức cao… khiến chi phí đầu vào sản xuất trong nước tăng, tạo áp lực lạm phát”, ông Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Theo Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các hoạt động thương mại của Việt Nam vẫn có nhiều dư địa để tăng trưởng trong năm 2022, được hỗ trợ bởi nhu cầu bên ngoài ngày càng tăng và các FTA như FTA Việt Nam-EU (EVFTA), FTA Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Tuy nhiên, VDSC dự báo tăng trưởng XK sang thị trường Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể chững lại.
Năm 2021, trong bối cảnh nhiều khó khăn song XK ước đạt gần 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 4-5%). Việt Nam duy trì xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp với mức thặng dư trên 4 tỷ USD. Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2022 tăng 6- 6,5%, năm 2022 ngành Công Thương phấn đấu đạt mục tiêu tổng kim ngạch XK tăng từ 6-8%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư.
Điện tử, dệt may, nông sản nhiều dư địa
Đánh giá cao cơ hội tăng trưởng XK của Việt Nam năm 2022, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, những ngành hàng có dư địa tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022 của Việt Nam gồm: điện tử; máy vi tính; máy móc-thiết bị; dệt may; giày dép; sắt thép; nông, thủy sản… Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã “chảy” mạnh vào các ngành sản xuất này, cộng với nguồn vốn trong nước tạo nên khả năng cung ứng lớn mạnh trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Tương tự, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích, tăng trưởng của nhóm hàng điện thoại và linh kiện, máy tính; máy móc thiết bị, phụ tùng… có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến tăng trưởng XK chung của cả nước. “Đó đều là những mặt hàng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam; tiếp tục là chủ lực trong XK năm 2022 và các năm tới”, ông Hải nói.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh thông tin thêm, năm 2022 để thúc đẩy XK, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại, tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông hàng hóa cho sản xuất, XK, giảm chi phí logistics; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các tỉnh biên giới trong việc triển khai các phương án nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa XNK tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ.
Nhấn mạnh vào góc độ tận dụng các FTA để thúc đẩy XK hàng hoá nói chung, nông sản nói riêng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cùng Bộ NN&PTNT xây dựng các đề án XK nông sản sang từng thị trường có tiềm năng. Hiện, Bộ NN&PTNT đang làm dự thảo đề án theo hướng chuẩn hoá vùng nghiên liệu theo kỹ thuật từng thị trường; lập các liên minh DN XK, DN logistics và các địa phương có vùng nguyên liệu.
“Bộ Công Thương cùng Bộ NN&PTNT cũng cần xây dựng phát triển thị trường nông sản trong nước; tiếp tục nghiên cứu chế biến đa dạng hoá sản phẩm và xúc tiến triển khai kế hoạch hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm XK tiềm năng ở nước ngoài trong 5 năm tới”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng, thời gian tới cần đặt vấn đề mạnh hơn để có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các bộ, ngành trong thực thi triển khai các cam kết trong các FTA; hỗ trợ DN quảng bá hàng hóa, tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.