Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, sau khi tăng vọt 108% đạt 88 triệu USD trong tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ sang tháng 2/2022 tiếp tục đà tăng trưởng ở mức cao 57%, đạt 67 triệu USD. Con số này gần gấp đôi so với tháng 2/2019, thời điểm trước khi bùng phát đại dịch Covid-19.
Theo bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ, trong 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã đạt 155 triệu USD, tăng 82% so với cùng kỳ năm 2021. Để đạt được con số này, các doanh nghiệp đang tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại mới như EVFTA hay CPTPP.
Theo đó, trong 2 tháng đầu năm nay, ngoài thị trường Mỹ tăng mạnh tới 99% với kim ngạch 80 triệu USD thì các thị trường có FTA thế hệ mới với Việt Nam đều tăng cao. Trong đó thị trường khối CPTPP gồm Canada tăng 52%, Chile tăng 99%..., khối EVFTA như Hà Lan tăng mạnh 114%, Bỉ tăng 163%...
Đáng chú ý, xuất khẩu sang phần lớn các thị trường trong khối EU đều tăng mạnh. Tính đến hết tháng 2/2022, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU đạt gần 24 triệu USD, tăng 52% so với cùng kỳ. Hà Lan, Đức và Bỉ hiện đang là 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay. Trong đó, Hà Lan từ vị trí thứ 4 đã vươn lên là thị trường NK cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong khối EU, chiếm 3% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ.
Khác với năm ngoái, năm nay XK cá ngừ tươi, đông lạnh và khô của Việt Nam tăng mạnh. Tỷ trọng giá trị XK mặt hàng này trong tổng giá trị XK cá ngừ trong 2 tháng đầu năm 2022 lên tới gần 69%, đạt hơn 106 triệu USD. Trong số các nhóm sản phẩm cá ngừ XK, XK các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh và cá ngừ chế biến khác (trong đó chủ yếu loin cá ngừ hấp đông lạnh) tăng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2021, lần lượt 146% và 108%.
Hiện có tới hơn 110 doanh nghiệp đang tham gia vào hoạt động XK cá ngừ. Trong đó, Bidifisco, Dragon Waves, Mariso Vietnam, Tithico và Havuco là 5 doanh nghiệp có giá trị XK lớn nhất cả nước, chiếm 39% tổng giá trị XK cá ngừ của cả nước.
Nguồn: Báo Hải quan