Sau sự bùng nổ của đại dịch Covid 19, chuỗi cung ứng trong lĩnh vực điện tử toàn cầu có nhiều thay đổi, điều này cũng tạo cơ hội cho quan hệ thương mại giữa hai nước khởi sắc và phát triển. Theo số liệu Thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), hiện nay Việt Nam đang nguồn cung hàng hóa lớn thứ 7 tại châu Á của Đài Loan và là nguồn cung lớn thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á của thị trường này (sau Malaysia, Singapore và Indonesia).

Tốp 10 nguồn cung hàng hóa lớn nhất của  Đài Loan trong 9 tháng đầu năm 2024 (Việt Nam xếp thứ 10)
ĐVT: %

Nguồn: Tính toán từ số liệu ITC

Theo số liệu từ Trading Economics, nền kinh tế Đài Loan tăng trưởng lên mức 1,08% so với cùng kỳ năm trước trong quý III/2024. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát hàng năm tại Đài Loan đã giảm xuống còn 1,69% vào tháng 10 năm 2024, mức thấp nhất kể từ hồi tháng 3 năm 2021, giảm so với mức 1,82% vào tháng 9 và thấp hơn dự báo của thị trường là 1,8%.
Hiện nay, Đài Loan đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về nhân lực bán dẫn khi tổng tỷ suất sinh của thị trường này thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Hoạt động sản xuất và đổi mới chip sẽ rơi vào tình trạng chậm trễ và thiếu hiệu quả nếu lĩnh vực này không đáp ứng được nhu cầu về lực lượng lao động. Vì vậy, Đài Loan đang tăng cường thu hút sinh viên quốc tế - đặc biệt là sinh viên từ các nước Đông Nam Á để bù đắp số lượng sinh viên đại học đang bị thu hẹp trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm.

Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam –  Đài Loan trong giai đoạn 2019 – 2023 và tốc độ tăng trưởng so với năm liền trước

ĐVT: Triệu USD

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Đài Loan đạt 23,16 tỷ USD, giảm 16,60% so với năm 2022; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,74 tỷ USD, giảm 7,73% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 18,42 tỷ USD, giảm 18,61%.
Năm 2015 là năm ghi nhận kim ngạch xuất khẩu sang Đài Loan thấp nhất trong giai đoạn 10 năm, với trị giá 2,08 tỷ USD, trong khi đó năm 2022 là năm có kim ngạch xuất khẩu giữ vị trí cao nhất, với trị giá 5,13 tỷ USD, tăng 11,89% so với năm trước đó và tăng rất mạnh 146,40% so với năm 2015; tốc độ tăng trưởng trung bình trong giai đoạn 2013 – 2023 đạt 8,52%.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang  Đài Loan trong giai đoạn 2013 – 2023

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Đài Loan là một thị trường nhiều tiềm năng đối với các sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam, đóng vai trò trung gian cho nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu đến các thị trường thuộc khu vực Đông Á, châu Âu và châu Mỹ. Trong  những năm qua, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Đài Loan có nhiều chuyển biến tích cực hơn, được thể hiện qua tỷ trọng nhóm hàng nguyên liệu, nhiên liệu, khoáng sản tăng cao; các mặt hàng thuộc nhóm nông sản cũng được tăng cường xuất khẩu vào thị trường này.

Thị trường Đài Loan còn nhiều dư địa để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh khai thác. Nhu cầu tiêu dùng của thị trường cao, không chỉ phục vụ cho dân bản địa mà còn cho lượng lớn khách du lịch đến đây hàng tháng. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng của cộng đồng người Việt đông đảo (khoảng hơn 300.000 người) cũng sẽ góp phần thúc đẩy trao đổi hàng hóa giữa hai nước. Người Việt tại Đài Loan là cầu nối tuyên truyền về sản phẩm cũng như thói quen tiêu dùng các mặt hàng của Việt Nam tại nơi đây, tác động tích cực đến quyết định mua hàng và sự ưa chuộng của người tiêu dùng bản địa đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam.

Tỷ trọng các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường  Đài Loan trong 10 tháng đầu năm 2024

(ĐVT: %)

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Đài Loan đạt 461,29 triệu USD, tăng 16,91% so với tháng trước đó và tăng đáng kể 22,23% so với tháng cùng kỳ năm 2023; tính riêng 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này ghi nhận mức tăng so với 10 tháng năm 2023 là 17,78%, đạt 4,56 tỷ USD. Trong đó, ba mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao nhất là Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm tỷ trọng 23,55%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (chiếm tỷ trọng 11,93%) và Điện thoại các loại và linh kiện (chiếm tỷ trọng 7,47%).
Trong đó, các mặt hàng ghi nhận mức tăng trưởng rất mạnh so với 10 tháng đầu năm 2023, gồm: Sản phẩm từ sắt thép; Kim loại thường khác và sản phẩm; Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; Phân bón các loại; với mức tăng lần lượt là 66,09%; 88,78%; 65,12% và 612,21%. Ngược lại, một số mặt hàng ghi nhận mức giảm đáng kể so với 10 tháng đầu năm 2023 gồm Gạo; Sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ; Thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh; Than các loại, với mức giảm lần lượt là 46,02%; 60,35%; 20,23% và 40,68%.
Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu nhiều tiềm năng sang thị trường Đài Loan. Tháng 12/2023, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã có công văn số 1460/CCPT-ATTP gửi các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu vào Đài Loan và các Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng. Theo đó, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã nhận được các thông tin hướng dẫn liên quan đến nhập khẩu thủy sản từ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (TFDA), cụ thể như sau: Theo Quy định nhập khẩu đối với sản phẩm động vật thủy sinh của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan, các lô hàng sản phẩm thủy sản mang mã HS 03, HS 1605, HS 1604 (Mã HS được Tổ chức Hải quan Thế giới – The World Customs Organization thiết lập) dùng làm thực phẩm xuất khẩu sang Đài Loan phải được sản xuất, xuất khẩu bởi những doanh nghiệp được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan phê duyệt và được Cơ quan thẩm quyền Việt Nam cấp chứng thư theo mẫu Chứng thư đã thống nhất.

Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam sang Đài Loan trong tháng 10/2024 và 10 tháng đầu năm 2024

  (ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong tháng 10/2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ  Đài Loan đạt 2,05 tỷ USD, giảm 3,52% so với tháng trước đó nhưng tăng 20,61% so với tháng cùng kỳ năm 2023; tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này ghi nhận mức tăng là 21,62% so với 10 tháng đầu năm 2023, đạt 18,67 tỷ USD. Trong đó, ba mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch cao nhất là Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm tỷ trọng 60,82%); Vải các loại (chiếm tỷ trọng 6,76%) và Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (chiếm tỷ trọng 6,05%).

Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam từ Đài Loan trong tháng 10/2024 và 10 tháng đầu năm 2024

(ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Một số sự kiện kết nối, xúc tiến thương mại vào thị trường Đài Loan trong thời gian qua:
Tháng 4/2024: Từ ngày 08/04 - 09/04/2024, Công ty Cổ phần Xúc tiến Đầu tư và Thương mại DVL IPT phối hợp cùng Tổng Hiệp Hội Thương mại Đài Loan Thế Giới (WTCC) và Uỷ Ban Công tác Đài Loan tổ chức “Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Đài Loan (Trung Quốc)” và “Triển lãm quốc tế Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Việt Nam - Đài Loan (Trung Quốc) 2024”. Đây là hoạt động bên lề sự kiện “Hội nghị Liên ngành Hội đồng và Giám sát lần thứ 2 khoá 30” từ ngày 08 - 09/04/2024 của Tổng hội Thương mại Đài Loan thế giới được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, với 2000 đại biểu thuộc 176 Hiệp hội thành viên ở 72 quốc gia trên toàn thế giới. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kinh doanh nhà xưởng, kho bãi, logistics và các ngân hàng, tổ chức tài chính, các quỹ đầu tư, các nhà cung cấp, các cơ sở sản xuất của địa phương và các nhà phân phối giao lưu và kết nối.
Tháng 6/2024: Từ ngày 26 - 29/6/2024, tại Trung tâm Triển lãm Nam Cảng Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) diễn ra Hội chợ thực phẩm Quốc tế Đài Bắc 2024 (Food Taipei 2024). Đây là một trong những hội chợ chuyên ngành công nghiệp thực phẩm nổi tiếng hàng đầu Châu Á được tổ chức thường niên tại Đài Bắc, Đài Loan, quy tụ nhiều doanh nghiệp, người mua chuyên nghiệp nội địa và quốc tế tham gia, đem lại hiệu quả cao. Thực hiện Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2024, với mục tiêu quảng bá hình ảnh quốc gia, hình ảnh doanh nghiệp, thương hiệu Việt, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức đoàn gồm 19 doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ Food Taipei 2024.
Doanh nghiệp Việt Nam tham gia Food Taipei 2024 là những doanh nghiệp có năng lực xuất khẩu, trong đó có các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia như Công ty Cổ phần sữa Việt Nam - Vinamilk, Công ty TNHH Chế biến Dừa Lương Quới; Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi...
Tháng 8/2024: Tại thành phố Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) đã diễn ra Hội thảo xúc tiến đầu tư vào Việt Nam. Chương trình nằm trong chuỗi sự kiện Xúc tiến đầu tư vào Việt Nam diễn ra từ ngày 4/8-8/8, tại thành phố Đài Bắc và thành phố Tân Trúc thuộc Đài Loan (Trung Quốc); bên lề Diễn đàn đối tác chiến lược đầu tư Đài Loan-ASEAN, Ấn Độ 2024 để thúc đẩy đầu tư của Đài Loan ra các nước. Tại sự kiện, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cùng đại diện 5 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp Việt Nam đã giới thiệu tới các doanh nghiệp Đài Loan về các dự án khu công nghiệp đang được triển khai và những ưu đãi đặc biệt dành cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chuỗi sự kiện mở ra nhiều cơ hội hợp tác và đầu tư. Đây là một trong những bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Đài Loan, đồng thời tạo đà cho sự phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế của cả hai bên trong tương lai.
Để khai thác hiệu quả tiềm năng của thị trường Đài Loan, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần chủ động nghiên cứu tìm hiểu thị trường, nâng cao ý thức trong việc quản lý, cải thiện chất lượng sản phẩm, từng bước tăng cường năng lực cạnh tranh, góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị xuất khẩu.

Nguồn: VITIC tổng hợp