Dữ liệu của Bộ Tài chính (MOF) công bố hôm thứ Năm (17/08) cho thấy xuất khẩu của Nhật Bản đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 07/2023, nhưng tốt hơn so với mức giảm 0,8% mà các nhà kinh tế dự đoán trong một cuộc thăm dò của Reuters. Tháng trước đó, xuất khẩu Nhật Bản đã tăng 1,5% so với cùng kỳ.
Dữ liệu của Văn phòng Nội các cho thấy chi tiêu vốn đã tăng trong tháng 06/2023. Tuy nhiên, các nhà sản xuất đang chuẩn bị cho các đơn đặt hàng cốt lõi giảm trong quý hiện tại, một phần do tác động từ nhu cầu yếu ở nước ngoài.
Nhìn chung, loạt dữ liệu nhấn mạnh sự “mong manh” trong hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản, vốn giúp củng cố tăng trưởng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II, trong đó các lô hàng ô tô xuất khẩu và du lịch nội địa là những động lực lớn nhất.
Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đang trông cậy vào xuất khẩu để vực dậy nền kinh tế số 3 thế giới và khắc phục tình trạng tiêu dùng tư nhân sụt giảm do giá cả tăng cao.
Tuy nhiên, bóng ma về suy thoái toàn cầu rõ nét hơn và tăng trưởng chững lại ở thị trường chính là Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại về triển vọng.
Những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu đã được nhấn mạnh bởi dữ liệu riêng biệt trước đó cho thấy sự sụt giảm liên tục trong xuất khẩu của Singapore, được coi là thước đo nhu cầu ở nước ngoài khi dòng chảy thương mại lấn át nền kinh tế của thành phố.
"Trung Quốc vẫn còn yếu và tôi không thấy nhu cầu từ Châu Âu và Mỹ tăng tốc", Takeshi Minami, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Norinchukin, cho biết thêm rằng nền kinh tế Nhật Bản có thể bị suy thoái trong quý hiện tại.
Xuất khẩu sang Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, đã giảm 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 07/2023, do các lô hàng ô tô, thép không gỉ và chip IC giảm, sau khi giảm 10,9% trong tháng 06/2023.
Xuất khẩu sang Mỹ - đồng minh quan trọng của Nhật Bản, đã tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng trước, đạt mức giá trị lớn nhất được ghi nhận, với dẫn đầu là các lô hàng xe điện và phụ tùng xe hơi, sau mức tăng 11,7% trong tháng trước.
"Ngân hàng Nhật Bản phải nhận thức được những rủi ro suy giảm từ nền kinh tế toàn cầu. Do đó, họ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tránh mọi nỗ lực bình thường hóa chính sách tiền tệ trong thời điểm hiện tại trước rủi ro từ sự suy giảm bên ngoài", Minami nói.
Tại cuộc họp vào tháng 07/2023, BOJ đã giữ nguyên các mục tiêu kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) nhưng thực hiện các bước để cho phép lãi suất dài hạn tăng tự do hơn phù hợp với lạm phát và tăng trưởng ngày càng tăng.
Dữ liệu hôm thứ Năm (17/08) cũng cho thấy nhập khẩu giảm 13,5% trong năm tính đến tháng 7/2023, so với ước tính trung bình là giảm 14,7%.
Cán cân thương mại chuyển sang mức thâm hụt 78,7 tỷ yên (537,27 triệu đô la), so với ước tính trung bình về thặng dư 24,6 tỷ yên.
Dữ liệu cho thấy các đơn đặt hàng máy móc cốt lõi của Nhật Bản đã tăng 2,7% trong tháng 6 so với tháng trước.
So với cùng kỳ, các đơn đặt hàng cốt lõi - một chuỗi dữ liệu có tính biến động cao được coi là chỉ báo về chi tiêu vốn trong 6 đến 9 tháng tới, đã giảm 5,8%.
Các nhà sản xuất được Văn phòng Nội các khảo sát dự báo rằng các đơn đặt hàng cốt lõi sẽ giảm 2,6% trong quý từ tháng 07/2023 đến tháng 09/2023, cùng với sự yếu kém trong xuất khẩu cho thấy áp lực gia tăng đối với nền kinh tế Nhật Bản.
Marcel Thieliant, người đứng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Capital Economics, cho biết: “Riêng các số liệu thương mại tháng 07/2023 vẫn chỉ ra một sự thúc đẩy nhỏ từ xuất khẩu ròng trong quý III.”
"Nhưng ngay cả khi đúng như vậy, tăng trưởng GDP chắc chắn sẽ chậm lại," ông nói thêm.
(1 USD = 146,4800 yên)

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters