Theo thống kê của Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Campuchia, nước này đã xuất khẩu 19.916 tấn dầu cọ thô trong năm tháng đầu năm 2021, tăng 5.246 tấn (tương đương 35,76%) so với cùng kỳ năm ngoái.
Giới thạo tin trong ngành dầu cọ Campuchia cho rằng thời tiết thuận lợi đã giúp sản lượng dầu cọ trong nước tăng. Trong khi đó, những nước sản xuất và xuất khẩu dầu cọ hàng đầu thế giới tiếp tục báo cáo sản lượng giảm do các vấn đề liên quan đến thời tiết và thiếu hụt lao động.
Trả lời báo Phnom Penh Post, Bộ trưởng Nông, Lâm và Ngư nghiệp Campuchia Veng Sakhon nói rằng Ấn Độ và Malaysia là hai thị trường tiêu thụ dầu cọ thô của Campuchia nhiều nhất trong năm tháng qua, mặc dù Malaysia là nước sản xuất và xuất khẩu dầu cọ nhiều thứ hai thế giới, chỉ sau Indonesia.
Sản lượng dầu cọ của một số nước đang giảm do chi phí lao động tăng khiến nhà sản xuất không có lợi nhuận và chuyển sang nhập khẩu sản phẩm này.
Ông Mong Reththy, Chủ tịch Tập đoàn chế biến nông sản Mong Reththy Group Co Ltd, nhà xuất khẩu dầu cọ thô lớn nhất Campuchia, cho biết tập đoàn đã xuất khẩu 20.000 tấn dầu cọ thô trong các tháng 1-5/2021, so với mức chỉ 566 tấn cả năm 2020.
Mong Reththy Group Co Ltd có được kết quả này là nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, có mưa lớn ngay từ khi bắt đầu mùa mưa, giúp cây cọ dầu cho sản lượng cao hơn năm 2020. Bên cạnh đó, mặt hàng này cũng được giá hơn, đạt trung bình 919 USD/tấn, tăng 28% so với năm ngoái.
Cây cọ dầu là cây trồng nhiệt đới có nguồn gốc từ các khu rừng rậm nhiệt đới ở Tây Phi. Hiện nay, Indonesia, Malaysia và Thái Lan là những nước vượt lên dẫn dầu thế giới về sản xuất dầu cọ - một sản phẩm được sử dụng rộng rãi làm thực phẩm, thức ăn gia súc, nguyên liệu đầu vào để tạo ra năng lượng cũng như sản xuất mỹ phẩm và dược phẩm./.

Nguồn: Trang Nhung/TTXVN