Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm trước. Trong năm 2023 có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%).
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát tương đối thấp sẽ tạo vị thế cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 này.

Dựa trên mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2024 ở mức 6 - 6,5%, Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%, tương ứng 377 tỷ USD, cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư khoảng 15 tỷ USD.

Đơn hàng xuất khẩu đang dần phục hồi kể từ quý IV/2023 là một trong những yếu tố để các doanh nghiệp xuất khẩu tin tưởng bức tranh thị trường 2024 sẽ khởi sắc hơn trong năm 2023.
Ông Trần Như Tùng- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may đầu tư thương mại Thành Công – cho biết, hiện doanh nghiệp đã đủ đơn hàng cho quý I/2024, song vẫn ít hơn so với những năm trước. Tuy nhiên, tình hình có thể cải thiện vào quý II/2024, sớm là tháng 4 và muộn là tháng 6, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Nếu mọi thứ xảy ra như dự báo, 2024 vẫn là một năm đáng để hy vọng cho doanh nghiệp dệt may.
Thị trường EU chiếm 75% lượng hàng xuất khẩu của Công ty LNK. Theo bà Vũ Thị Nhung - Giám đốc Công ty LNK, đến giữa tháng 12, doanh nghiệp đã nhận đủ đơn hàng đến quý I/2024. Mặc dù, tốc độ nhận đơn có chậm hơn so với cùng kỳ những năm trước. Tuy nhiên, hiện đối tác đã có ý định chuyển dịch đơn hàng từ những nhà cung cấp khác về Việt Nam. Nếu làn sóng chuyển dịch này có thể thực hiện trong năm 2024, đây sẽ là động lực tăng trưởng lớn cho doanh nghiệp.
Và những nhận định ngược chiều
VinaCapital vừa đưa ra báo cáo phân tích cho biết, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ phục hồi từ mức giảm 4% năm 2023 lên mức tăng 7% năm 2024. VinaCapital cho biết, sau một năm 2023 đầy thử thách, các dấu hiệu đều cho thấy năm 2024 sẽ là một năm mạnh mẽ hơn của nền kinh tế Việt Nam, được thúc đẩy bởi sự hồi phục của ngành sản xuất và cải thiện tâm lý người tiêu dùng.
Mặt bằng lãi suất đã giảm trong năm 2023 cũng sẽ hỗ trợ cho thị trường bất động sản phục hồi, giống như đã hỗ trợ cho thị trường chứng khoán trong năm ngoái.
Rủi ro lớn nhất trong dự báo khá tích cực của VinaCapital là viễn cảnh nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng – sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm “Made in Vietnam” suy giảm. Giá trị của USD sẽ tăng trong tình huống này do xu hướng nắm giữ USD và điều này sẽ hạn chế khả năng Việt Nam cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.
Tuy nhiên, Việt Nam hoàn toàn có thể ứng phó với tình huống nêu trên bằng các giải pháp kích thích tài khóa - bao gồm gia tăng đầu tư công. Đầu năm 2023, Chính phủ đã đưa ra định hướng gia tăng đầu tư công 50% lên mức 30 tỷ USD, tương ứng 7% GDP năm 2023 (từ mức 4% GDP năm 2022). Nhiều khả năng đây là bước đi để hỗ trợ cho nền kinh tế trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ sản phẩm “Made in Vietnam” đã bị ảnh hưởng bởi nhu cầu tiêu dùng suy giảm trên toàn cầu.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, vẫn còn quá nhiều yếu tố không chắc chắn, do vậy xuất khẩu hàng hóa khó tạo ra đột phá trong năm 2024. Theo ông Trần Lê Minh - Tổng Giám Đốc và Giám đốc cao cấp phát triển kinh doanh VIS Rating, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Hoa Kỳ và EU, tuy nhiên kinh tế của hai thị trường lớn này được dự báo chưa thực sự khả quan.
“Vẫn thiếu vắng những tín hiệu phục hồi rõ ràng cho lực cầu của các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, còn quá nhiều yếu tố không chắc chắn, do vậy xuất khẩu hàng hóa khó tạo ra đột phá trong năm 2024”, ông Trần Lê Minh chia sẻ.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Trần Ngọc Báu - Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành WiGroup – đánh giá, tiêu dùng của một số thị trường trọng điểm vẫn còn yếu, tổng thể năm 2024 có thể thấp hơn so với năm 2023. Do vậy, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam khó có thể sẽ phục hồi tốt trong năm 2024.
Theo Bộ Công Thương, nhìn chung, áp lực bên ngoài đối với sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024 đến từ cả 3 kênh.
Thứ nhất, kênh thương mại quốc tế khi nhiều nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam tăng trưởng chậm, dẫn đến tổng cầu khó phục hồi mạnh, từ đó tác động đến kết quả xuất khẩu.
Thứ hai, kênh đầu tư quốc tế khi mặt bằng lãi suất thế giới nhìn chung còn neo ở mức cao, khó thu hút vốn cho đầu tư nói chung và trực tiếp tạo áp lực không nhỏ trong việc giữ vốn đã đầu tư ở lại Việt Nam cũng như thu hút thêm vốn đầu tư mới.
Thứ ba, kênh tài chính tiền tệ với áp lực mất giá đồng nội tệ so với đồng USD, tuy thuận lợi phần nào cho xuất khẩu nhưng sẽ khiến chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao và làm tăng quy mô thanh toán của các khoản nợ nước ngoài.
Để đạt được mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 tăng khoảng 6% so với năm 2023, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các Hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại.
Năm 2024, bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam không thể tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của những biến động từ bên ngoài trong bối cảnh rủi ro, thách thức còn rất lớn đối với triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2024.
Bộ Công Thương cũng khuyến nghị các doanh nghiệp không được lơ là, chủ quan, mà phải theo dõi chặt chẽ tình hình biến động sản xuất, cung cầu, giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước để kịp thời có các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra trong năm 2024 cũng như giai đoạn 2021 - 2025.

Nguồn: Nguyễn Hạnh/congthuong.vn