2 tháng đầu năm, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam tăng trưởng trái chiều khi sản lượng giảm 11,2% nhưng tăng 43,8% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Nguyên do, giá xuất khẩu của hồ tiêu Việt Nam tăng tới 61,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 4.681 USD/tấn. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, giá hạt tiêu thế giới sẽ tiếp tục tăng do sản lượng giảm và chi phí vận chuyển tăng cao.
Hiện Việt Nam đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch chính hồ tiêu. Tại một số nơi ở tỉnh Đắk Nông đã cơ bản thu hoạch gần xong nên nguồn cung khá dồi dào nhưng giá bán vẫn tăng khá mạnh so với cuối tháng 1/2022, bất chấp việc các đại lý hạn chế mua vào.
Thị trường nội địa, cuối tháng 2/2022, giá hạt tiêu đen cũng tăng mạnh, từ 500 - 1.500 đồng/kg so với cùng thời điểm tháng trước. Giá hạt tiêu trắng ở mức 121.000 đồng/kg, thấp hơn 1.000 đồng/kg so với đầu tháng 2/2022 nhưng tăng mạnh so với mức giá 72.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2021.
Theo bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam sau khi đạt đỉnh 290.000 tấn trong mùa vụ năm 2019 đã giảm dần trong những mùa vụ tiếp theo. Vụ mùa năm 2022, do thời tiết không thuận lợi sản lượng hồ tiêu dự kiến tiếp tục giảm. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu trên toàn cầu tăng 3% so với năm ngoái, không chỉ Việt Nam, sản lượng của một số nước trồng hồ tiêu ngày càng đi xuống, điều này tạo nên lợi thế đặc biệt cho xuất khẩu hồ tiêu. Minh chứng là giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam những tháng đầu năm nay tăng mạnh.
Tận dụng để bứt phá
Lãnh đạo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cũng cho hay: Trong hơn một thập kỷ qua, đánh bại các nước trồng khác như Brazil, Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu thế giới, chiếm 60% thị phần xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu. Thuận lợi về thời tiết, thổ nhưỡng, giá nhân công cạnh tranh đã giúp hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam có giá cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác.
Bên cạnh đó, chất lượng hồ tiêu Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều để đáp ứng mọi phân khúc thị trường. Để đạt được những thành tựu đáng kể này, các bên liên quan của Việt Nam đã nỗ lực chung tay và tuân thủ GMP (thực hành sản xuất tốt), IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) để cung cấp sản phẩm tốt ra thị trường. Việt Nam hiện có hơn 30 doanh nghiệp đầu tư và áp dụng tiêu chuẩn công nghệ cao vào chế biến với công suất sản xuất 120.000 tấn/năm.
Đặc biệt, ý thức được lợi ích của phát triển nông nghiệp bền vững, nông dân Việt Nam đã quan tâm nhiều hơn đến việc trồng tiêu theo phương thức canh tác bền vững, diện tích hồ tiêu được chứng nhận tiêu chuẩn organic, USDA, JAS, RA, EU ... ngày càng được mở rộng.
Ở góc độ thị trường, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp ngành hồ tiêu tìm kiếm đối tác, tận dụng lợi thế nhằm bứt phá trong xuất khẩu. Mới đây, Bộ Công Thương đã phối hợp tổ chức sự kiện giao thương trực tuyến sản phẩm gia vị và hương liệu, trong đó có mặt hàng hồ tiêu của Việt Nam, Ấn Độ. Nhiều cuộc gặp gỡ riêng, tìm hiểu đối tác và cơ hội kinh doanh đã được doanh nghiệp 2 nước thực hiện.
Tham gia đoàn công tác do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức, Công ty TNHH Sybil Agri Việt Nam đã ký được hợp đồng xuất khẩu 10 tấn hồ tiêu, đồng thời đang tiếp tục thương lượng về hợp đồng cung cấp hồ tiêu nguyên năm với số lượng lên tới 500 tấn tại thị trường Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất.
Ngay từ đầu năm, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đã khá khởi sắc. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam từng lạc quan cho rằng, xuất khẩu hạt tiêu sẽ bật tăng ngay từ quý I/2022 bởi ước tính nhu cầu thu mua trên thế giới khoảng từ 130.000-160.000 tấn trong năm nay. Hơn nữa, chất lượng hồ tiêu đang được cải thiện và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đang hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến sâu, xây dựng thương hiệu cho mặt hàng mỗi năm mang về trên 3 tỷ USD này.
Ông Lê Hoàng Tài - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), hồ tiêu Việt Nam đã rất nổi tiếng, hiện có mặt tại 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm đến 60% thị phần xuất khẩu hồ tiêu trên thế giới.