Nỗi lo “nghẽn đường”
Ông Lê Thanh Hòa - Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)) - cho biết, tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) sau khi phía Trung Quốc dừng thông quan một ngày để làm công tác khử khuẩn, việc thông quan thanh long diễn ra chậm, mỗi ngày chỉ khoảng 20 - 30 xe.
Trước đó, Ban Chỉ đạo phòng dịch Covid-19 huyện Hà Khẩu (Trung Quốc) đã thông báo về việc cửa khẩu này tạm dừng nhập khẩu thanh long Việt Nam từ ngày 18/7 đến hết 17/8/2021. Thời gian cho phép nhập khẩu trở lại tùy thuộc tình hình khống chế dịch bệnh tại Việt Nam và kết quả đánh giá rủi ro của các cơ quan liên quan.
Xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc: Nắm chắc thông tin để tránh rủi ro
Các biện pháp phòng, chống dịch làm giảm lưu lượng phương tiện chở hàng xuất khẩu qua các cửa khẩu
Còn tại Cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng- Lạng Sơn), các cơ quan chức năng quản lý cửa khẩu này cho biết, để thực hiện khử khuẩn phòng, chống dịch Covid-19, phía Trung Quốc hiện nay đã tạm thời ngừng tiếp nhận các xe hàng XK của Việt Nam vào 1 bãi trong Trung tâm hoa quả ASEAN (Pò Chài, Trung Quốc) từ ngày 30/7/2021. Việc tạm ngừng tiếp nhận xe vào bãi này từ phía Trung Quốc, cũng chưa biết thời gian nào sẽ mở trở lại; vì vậy sẽ làm giảm lưu lượng phương tiện và hàng hóa nông sản, hoa quả XK của Việt Nam trong thời gian tới.
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, ngày 2/8, tại cửa khẩu Tân Thanh chỉ thông quan được 97 xe, giảm 60-70% so với cùng kỳ, xe tồn ở bãi lên vài trăm xe chủ yếu thanh long.
Thống nhất quy trình kiểm dịch
Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu hàng rau, quả lớn nhất của Việt Nam, cũng là thị trường nhập khẩu hàng rau, quả lớn thứ 3 trên thế giới. 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường này đạt gần 5,5 tỷ USD, trong đó nhóm rau, quả chiếm tới 26,9%.
Để tháo gỡ cho trái cây XK, hiện Cục Bảo vệ thực vật vẫn trao đổi với cơ quan chức năng của Trung Quốc về kiểm dịch thực vật, để kiểm soát tình hình tốt hơn. Tuy nhiên, việc kiểm soát xe hàng chậm do khâu y tế. Do vậy, các địa phương, cơ quan quản lý Việt Nam cũng cần làm việc với cơ quan chức năng Trung Quốc để thống nhất quy trình kiểm dịch trên hàng hóa để tiến độ thông quan hàng nhanh hơn.
Ông Liễu Anh Minh- Phó Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn - khuyến cáo tới các hiệp hội, DN… có nhiều nông sản XK qua Lạng Sơn cần thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu và các quy định về phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh; chủ động điều tiết kế hoạch XK hàng hóa phù hợp với bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp để tránh ùn ứ hàng hóa, phương tiện, tránh thiệt hại về kinh tế.
Liên quan đến tình hình xuất khẩu hàng hóa, tại cuộc làm việc với các cục, vụ chức năng của Bộ Công Thương diễn ra ngày 3/8, ông Đỗ Thắng Hải- Thứ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ…, tăng cường phối hợp, bám sát các thị trường xuất khẩu để có thông tin về thị trường, từ đó có các giải pháp phù hợp để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng nông sản.
Tại Hội nghị trực tuyến xúc tiến xuất khẩu hàng trái cây Việt Nam-Trung Quốc diễn ra mới đây, Hiệp hội Rau, quả Việt Nam và Hội Xúc tiến thương mại Quảng Tây-ASEAN đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và tiêu thụ hàng trái cây.

Nguồn: Nguyễn Hạnh/Congthuong.vn