Biến động giá, biến động chất lượng?
“Nhìn hạt điều, nghĩ tới Việt Nam” không còn là câu slogan của Vinacas mà dần trở thành hiện thực khi Việt Nam chiếm hơn 50% sản lượng nhân điều xuất khẩu toàn cầu. Tại hội nghị Điều quốc tế Việt Nam lần thứ 8 diễn ra cuối tuần qua tại Đà Nẵng đã quy tụ đông đảo với khoảng 300 đại biểu là doanh nghiệp ngành điều tham dự, trong đó, 55% là doanh nghiệp nước ngoài đến từ trên 30 quốc gia trên thế giới. Những nước nhập khẩu nhân điều nhiều nhất của Việt Nam như Mỹ, các nước EU, Trung Quốc, Úc… cùng với các nước châu Phi có vùng nguyên liệu điều thô lớn nhất thế giới, trong đó bao gồm Liên hiệp hội điều châu Phi (ACA), Hội đồng Bông và hạt điều Bờ Biển Ngà (CCA), Hiệp hội Điều Nigeria (NCAN) đều quy tụ về hội nghị quốc tế hàng năm này.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh giá điều thế giới biến động mạnh sau thời gian khá ổn định, từ 3,5 USD/LBS điều mã số W320 (320 hạt điều nguyên trắng) lên khoảng 5,5USD/LBS. Điều thô cuối vụ tăng mạnh, từ 1.300USD/tấn (tháng 6) lên 2.250USD/tấn (tháng 9). Lý giải nguyên nhân này, ông Nguyễn Đức Thanh cho rằng, bên cạnh biến đổi khí hậu làm cho sản lượng điều ở Việt Nam, cả châu Phi đều suy giảm, cùng với đó là nhu cầu người tiêu dùng thế giới tăng lên qua từng năm do biết được lợi ích về sức khỏe từ những loại hạt khô, trong đó có nhân điều mang lại. Nhưng tình trạng này lại dẫn đến nhiều vấn đề về tranh chấp thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam với những doanh nghiệp bán điều thô từ châu Phi.
Là quốc gia chế biến và xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới, nhưng do phần lớn nguyên liệu chế biến phải nhập khẩu từ châu Phi, một phần Indonesia và Campuchia, khoảng 1 triệu trong tổng số 1,4 triệu tấn điều thô để chế biến là nhập khẩu nên khi giá biến động đã gây ra nhiều phát sinh mà doanh nghiệp Việt Nam phải gánh chịu. Vinacas cho biết, do không chủ động được nguồn nguyên liệu nên khó kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Giám đốc Cơ quan Vinacontrol (đơn vị giám định điều thô lớn nhất Việt Nam) cho biết, năm nay, điều thô nhập khẩu từ châu Phi chất lượng giảm rõ rệt so với năm 2015. Chất lượng hạt điều nhập khẩu không ổn định, hàng hóa khi về đến Việt Nam thường bị ẩm, mốc, mọc mầm... nên tỷ lệ hàng hư hỏng cao. Dù theo nhà cung cấp đổ lỗi thời tiết xấu, mưa nhiều, độ ẩm không khí cao, nhưng chính là vấn đề về thu hoạch, xử lý, bảo quản điều thô không được tốt. Hiện tượng hàng mọc mầm, thối nhũn, ẩm, mốc xảy ra với tần suất cao. Tình trạng giao hàng thiếu khối lượng, lẫn tạp chất, bao bì rách nát vẫn còn làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của các nhà xuất khẩu hạt điều thô từ Phi Châu, đồng thời làm thiệt hại kinh tế đối với các nhà nhập khẩu. Do biến động giá lên nên theo ông Nguyễn Đức Thanh, không ít người bán không thực hiện hợp đồng đầy đủ, không giao hàng cho doanh nghiệp Việt Nam hoặc giao hàng nhưng đòi trợ giá, có khi hàng về đến cảng, bộ chứng từ về đến ngân hàng nhưng họ lại sửa bill tàu, giao hàng cho người khác giá cao hơn.
Uy tín xây dựng nhiều năm
Ông Bạch Khánh Nhựt cho biết, độ ẩm là yếu tố quyết định trong việc bảo quản và lưu trữ hạt điều thô, ảnh hưởng trực tiếp đến màu sắc, mùi vị của nhân điều sau khi chế biến. Nếu kiểm soát tốt ẩm độ sẽ nâng cao giá trị thương phẩm của nhân điều, hàm lượng dinh dưỡng ít bị biến đổi và ngược lại. Tỷ lệ nhân nám, nhân vàng giảm thiểu, nhân điều sau khi chế biến có màu sắc tự nhiên, mùi vị đặc trưng của sản phẩm, góp phần đáng kể vào chuỗi sản xuất điều sạch, an toàn của nghành điều Việt Nam. Nhưng độ ẩm hạt điều thô cao, tạo điều kiện nấm mốc phát triển. Khi thu hoạch, bảo quản hạt điều thô không đúng kỹ thuật, độ ẩm hàng hóa cao khi xuất khẩu sẽ gây tổn thất về kinh tế rất lớn. Ngoài tổn thất về khối lượng (từ 2% đến 4% thậm chí loại bỏ lô hàng), người nhập khẩu còn chịu tổn thất về chất lượng, giảm giá trị hàng hóa khoảng 0,6USD/LB đối với nhân điều xuất khẩu sau khi chế biến. Có thể còn phải loại bỏ hoàn toàn khối hàng hóa. Hậu quả, doanh nghiệp nhập khẩu bị thiếu hàng chế biến theo kế hoạch. Nhà nhập khẩu Việt Nam bị vi phạm hợp đồng giao hàng với đối tác thứ ba. Điều này ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín ngành điều Việt Nam.
Phải chăng vì điều này mà nhà nhập khẩu nhân điều cho thị trường các nước EU và Anh, ông Joseph Lang (Kenkko) đến với hội nghị với những băn khoăn về an toàn thực phẩm khi có khoảng 30% sản phẩm đến cảng đầu mối Rotterdam (Hà Lan) bị nhiễm khuẩn. Ông cho biết, chi phí khử khuẩn ở EU cao hơn 15 lần so với ban đầu. Trong khi đó, 95% người tiêu dùng khi mua hàng có nhu cầu thông tin minh bạch, rõ ràng. Muốn biết được sản xuất, chế biến như thế nào. 62% người tiêu dùng muốn biết sản phẩm mua về có chứa chất gây hại sức khỏe hay không. 51% muốn tìm hiểu thông tin về nhãn hiệu, tính dinh dưỡng ngày càng chi tiết. Danh tiếng, uy tín của doanh nghiệp hay của quốc gia phải mất nhiều năm mới có thể xây dựng nên, nhưng với truyền thông xã hội hiện nay sẽ lan truyền thông tin rất nhanh, có thể bị đổ biển trong thời gian ngắn nếu thông tin xấu xảy ra. Cần biết điều chỉnh khi có khách hàng yêu cầu. Trong thế giới ngày nay, dù tiếng nói khác nhau, mục tiêu khác nhau nhưng cùng phải biết học thứ ngôn ngữ chung, đó là tiếng nói về chất lượng, về an toàn thực phẩm. Có chung tiếng nói thì mới có thể cùng nhau phát triển. Tại hội nghị này, nhà xuất khẩu điều thô châu Phi, nhà chế biến nhân điều Việt Nam hay nhà nhập khẩu nhân điều các nước đều là đối tác của nhau trong một chuỗi liên kết, làm cầu nối đến với người tiêu dùng. Hãy cùng cộng tác, cùng ngồi lại, giải quyết thách thức để có kết quả tốt hơn, cùng hướng đến thành công thay vì chỉ nghĩ đến lợi ích cục bộ. Đó mới là hướng đi bền vững cho các bên.
Nguồn: Công Phiên/Báo Sài Gòn Giải phóng