Lũy kế trong quý I/2024, xuất khẩu hoa hồi đạt 13,3 triệu USD với 2.435 tấn, giảm 27% về sản lượng và kim ngạch giảm 38%. Xét theo thị trường, Việt Nam xuất khẩu hoa hồi sang Ấn Độ nhiều nhất trong quý I với 1.376 tấn, giảm 39%, chiếm tỷ trọng 56,5%. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 với 212 tấn, chiếm 8,7% tỷ trọng và giảm 16% so với cùng kỳ năm 2023. 
Năm 2023, Việt Nam thu về 83 triệu USD từ xuất khẩu hoa hồi, sản lượng đạt 16.136 tấn, tăng mạnh 26% về lượng. Ấn Độ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 499 tấn, chiếm 57% tỷ trọng.
Hồi là một cây nhỡ cao 2-6m, hình dáng toàn cây thon hình quả trám, xanh tốt quanh năm, thân mọc thẳng, cành dễ gẫy. Lá mọc gần thành chùm 3-4 lá ở đầu cành, có cuống, phiến lá nguyên, dài 8-12cm, rộng 3-4cm, vò nát có mùi thơm. Cây hồi nếu được trồng và chăm sóc tốt sẽ cho hoa sau 4 năm trồng. Cây hồi thường cho hoa từ tháng 3, tháng 5, đến tháng 7, tháng 9 hoa hồi bắt đầu chín và người dân có thể thu hoạch. Thông thường một cây đại hồi có tuổi đời từ 5 năm trở lên mới được lấy quả, mỗi năm cũng chỉ được thu hoạch 2 vụ nên hoa hồi đã hiếm lại càng quý hơn. Năng suất từ năm thứ 5-6 là 0,5 -1 kg/cây. Từ năm thứ 20 trở đi cây sẽ cho năng suất ổn định lên tới 40 – 50kg/cây. Nếu cây hồi được trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật thì sẽ cho năng suất cao và ổn định, kéo dài thời gian thu hoạch lên tới 80 năm. Việt Nam có diện tích trồng hồi khoảng 40.000 ha, tập trung chủ yếu ở Lạng Sơn, Cao Bằng với sản lượng hàng năm hơn 16.000 tấn.
Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu gia vị và hương liệu của thế giới đang có xu hướng tăng lên. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nhiều sản phẩm gia vị, hương liệu, và Ấn Độ cũng là thị trường đích tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này. Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đang phát triển thêm những sản phẩm gia vị phối trộn kết hợp từ nhiều loại gia vị khác nhau để cho ra những loại gia vị mới với hương vị đặc trưng, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng của người Ấn Độ. Không chỉ thế, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, với lợi thế về sự đa dạng, bù trừ, sản lượng lớn, doanh nghiệp Việt Nam- Ấn Độ còn có nhiều cơ hội hợp tác nhằm gia tăng xuất khẩu mặt hàng gia vị, hương liệu sang thị trường của nhau và ra thị trường thế giới.
Xét về quan hệ thương mại Việt Nam - Ấn Độ, những năm qua cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của hai nước cân bằng và có sự bổ sung cho nhau. Trong khi Ấn Độ là nguồn cung cấp nguyên liệu và thành phẩm quan trọng cho Việt Nam đối với các mặt hàng sắt thép, hóa chất, dược phẩm, dệt may, thức ăn chăn nuôi, thủy sản thì nhóm mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam sang Ấn Độ là máy tính cá nhân; điện thoại di động và linh kiện, sắt thép, hóa chất, gỗ và sản phẩm từ gỗ, giày dép, gia vị, cà phê, hồ tiêu…
Năm 2023, theo số liệu thống kê của Tổng cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Ấn Độ trong tháng 12 đạt 702,5 triệu USD, giảm 3,6% so với tháng trước. Tính chung kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Ấn Độ năm 2023 đạt hơn 8,49 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Với số liệu này, Ấn Độ là một trong số ít thị trường đạt mức tăng trưởng dương. Xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Ấn Độ trong năm 2024 vẫn mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt, khi nhu cầu tiêu dùng tại thị trường 1,4 tỷ dân dần phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng.

Nguồn: Vinanet/VITIC