Đó là thông tin ông Phạm Thanh Hà, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank (ngân hàng phục vụ chính cho nguồn vốn ODA của Nhật Bản vào Việt Nam) cho biết tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản năm 2015 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức ngày 14/10. 

Ông Hà đánh giá, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản trong những năm qua tăng trưởng liên tục qua từng giai đoạn. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt xấp xỉ là 28 tỷ USD trong năm 2014. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 47 tỷ USD và nhập khẩu gần 13 tỷ USD. Dự kiến kim ngạch thương mại năm 2015 đạt 30 tỷ USD. 

Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản đang dành nhiều nguồn đầu tư tại Việt Nam, đặt biệt nguồn đầu tư trưc tiếp. Tính đến thời điểm ngày 20/9/2015, Việt Nam có gần 20.000 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 265 tỷ USD. Trong đó, riêng Nhật Bản có gần 2.800 dự án, với tổng số vốn đăng ký là 30 tỷ USD.

"Sau khi thiết lập mối quan hệ hai nước, Nhật Bản là một trong những quốc gia đầu tiên tài trợ vốn cho Việt Nam. Chính phủ Nhật Bản luôn tỏ ra nhà là nước tài trợ nguồn vốn ODA hàng đầu cho Việt Nam. Nguồn vốn đã góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam và là nỗ lực tích cực trong mối quan hệ song phương giữa hai nước", ông Hà nói.

Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản năm 2015

Bà Yuri Sato - Phó chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội cho biết hiện nay, doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam thì tỷ lệ nội địa hoá rất thấp, chỉ đạt khoảng 33%, trong khi Thái Lan 55%, Indonesia 43%. Để công nghiệp Việt Nam phát triển hơn nữa, trở thành nước sản xuất, cung cấp phụ tùng cho nước ngoài thì trước hết phải phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Theo Jetro, năm nay, trong số 521 doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản có mong muốn đầu tư vào các nước mới nổi; trong đó, có đến 130 công ty mong muốn đầu tư vào Việt Nam, vượt qua số 78 doanh nghiệp muốn đầu tư vào Thái.

"Jetro sẽ thực hiện kết nối các doanh nghiệp mua – bán linh kiện - phụ tùng của hai nước. Thêm nữa là lĩnh vực kinh doanh trong nông nghiệp, Jetro sẽ giới thiệu những sản phẩm, công nghệ mới nhất của Nhật trong lĩnh vực cơ giới hoá, nông nghiệp; để doanh nghiệp hợp tác, phát triển hơn nữa", bà Yuri Sato khẳng định.


Tại diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, các chuyên gia kinh tế Nhật Bản cho rằng, mặc dù vẫn có những doanh nghiệp Nhật Bản e ngại trước rào cản đầu tư vào Việt Nam như thủ tục hành chính còn phức tạp, cơ sở hạ tầng chưa phát triển,...Nhưng các chuyên gia này cho rằng, Việt Nam sẽ là điểm đến tương lai của nhà đầu tư Nhật Bản với nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam vẫn là thị trường có sức hấp dẫn lớn với nền chính trị ổn định, tăng trưởng vững chắc. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia coi trọng mối quan hệ hợp tác và có nét tương đồng văn hóa với Nhật Bản. 

Huyền Thương