Đại diện doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất với TPP. Hiệp định TPP khi ký kết, GDP của Việt Nam có thể tăng khoảng 20%, trong khi Nhật Bản dự kiến chỉ tăng thêm 1,2%, tức bằng 1/10 so với sự tăng trưởng kỳ vọng của Việt Nam. Nhưng với TPP, cả hai nước sẽ cùng được hưởng lợi khi mối quan hệ hợp tác giữa hai nước được thúc đẩy mạnh hơn.

Giáo sư Kenichi Kawasaki - Nhật Bản đánh giá mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đã đạt được những thành quả trong thời quan qua, nhưng chưa tận dụng được hết tiềm năng. Trong đó, một phần nguyên nhân từ phía doanh nghiệp Nhật Bản còn "rụt rè". 

Ông Kenichi Kawasaki cho rằng, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng chưa tận dụng được các cơ hội hợp tác đối với mỗi hiệp định thương mại cùng Việt Nam. Vì bản thân nhiều doanh nghiệp cũng chưa hiểu biết về các hiệp định ký kết, cũng như lợi ích của nó.

"Theo tôi, khi Chính phủ đã mất công đàm phán và đạt được các ký kết hợp tác quốc tế thì nên tuyên truyền và phổ biến để bản thân doanh nghiệp hiểu hết được lợi ích của việc hợp tác đem lại. Đáng lẽ 100% doanh nghiệp Nhật Bản nên tận dụng cơ hội tham gia hợp tác với Việt Nam. Nhưng khảo sát cho thấy, chỉ 50% doanh nghiệp Nhật Bản mới tìm hiểu cơ hội và đầu tư tại Việt Nam sau các hợp tác song phương và đa phương. Do đó, với Hiệp định TPP, tôi hi vọng Chính phủ Nhật Bản nên có những chính sách tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước mở rộng hợp tác sang Việt Nam và quốc tế". ông Kenichi Kawasaki

Ngoài ra, vị giáo sư này khuyến nghị, cũng như trong các mối quan hệ hợp tác khác, cả hai nước không nên dựa vào sự cải cách chính sách từ phía nước kia mà cần cải cách chính sách trong chính nội tại quốc gia. Để mối quan hệ đạt được kỳ vọng cao, bản thân các nước có sự cải cách kinh tế ở cả doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân.

Chia sẻ quan điểm, ông Shimon Tokuyama - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có ý định mở rộng đầu tư sang Việt Nam nhưng còn vướng một số trở ngại. 

Khó khăn doanh nghiệp Nhật Bản gặp phải khi đầu tư tại Việt Nam là thủ tục hành chính phức tạp; đường lối phát triển ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ chưa rõ ràng. Trong khi, các yêu cầu liên quan đến tỷ lệ hóa, đội ngũ quản lý địa phương chưa đáp ứng kiến thức cao để thu hút đầu tư. 

Ngoài ra, liên quan đến việc nâng cao sức hút đầu tư, ông Shimon Tokuyama cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần có sự đi điều chỉnh tăng lương tối thiểu hợp lý hơn và quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng để các doanh nghiệp nước ngoài yên tâm hơn khi đầu tư.

Ông Katsuro Nagai, Đại sứ quán Nhật Bản nhấn mạnh, cũng như bất cứ nước nào khi cải cách kinh tế để chuẩn bị mở cửa hội nhập, Chính phủ và người dân cần có định hướng rõ ràng về lĩnh vực nào ưu tiên.

" Theo chúng tôi được biết, ngành dệt may, thủy sản, nông nghiệp là ngành Việt Nam kỳ vọng rõ nét trong sau TPP. Như vậy, Chính phủ đã định hình được lĩnh vực nào phát triển thì nên có sự ưu tiên. Ngược lại, sau TPP, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi nông nghiệp vào Việt Nam sẽ nhiều hơn, nên Việt Nam sẽ bị cạnh tranh gay gắt. Do đó, bản thân Chính phủ cần tăng nguồn lực trong nước để tăng sức cạnh tranh"

Theo ông Shimon Tokuyama,  ngoài nông nghiệp thì ngành công nghiệp của Việt Nam cần được ưu tiên cao, nhất là những lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn như phụ tùng ô tô. Đặc biệt, vị đại sứ khuyến cáo Chính phủ Việt Nam cần có sự thống nhất xuyên suốt từ Chính phủ, đến doanh nghiệp và người lao động để chuẩn bị tốt cho hội nhập.

Theo các báo cáo tại diễn đàn, Nhật Bản là một trong những đối tác lớn nhất của Việt Nam với hơn 37,7 tỷ USD vốn đăng ký, 2.661 dự án và 1.500 doanh  nghiệp trên tất cả các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế.
 
Kim ngạch ngoại thương hai nước cũng tăng dần. Năm 2014 là 27,6 tỷ USD và 8 tháng 2015 cũng là 19 tỷ USD. Chính phủ hai nước cũng đã ban hành chiến lược công nghiệp hoá trên khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng tới 2020 và tầm nhìn 2030 với 6 ngành công nghiệp điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông thuỷ sản, đóng tàu, môi trường, tiết kiệm năng lượng và sản xuất ô tô - phụ tùng.

Huyền Thương