Trong tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 840,6 triệu USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ đầu năm tới nay. Xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chủ lực đều có tăng trưởng cao trong tháng 6/2024: cá tra tăng 22%, cá ngừ tăng 40%, cua ghẹ tăng 59%. Riêng mặt hàng tôm tăng nhẹ 7%. Mực, bạch tuộc là sản phẩm duy nhất giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Đối với thị trường EU: Điểm nổi bật nhất trong tháng 6/2024 là mức tăng trưởng đột biến, tăng 33,2% so với tháng 6/2023 và tăng 3,7% so với tháng 5/2024, đạt 102,3 triệu USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU đạt 503,6 triệu USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ 2023. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU chiếm 11,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy đạt gần 4,5 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu tôm đạt hơn 1,6 tỷ USD, tăng hơn 7%; trong đó tôm chân trắng đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng nhẹ 3%; tôm sú đạt trên 200 triệu USD, giảm 10%; riêng tôm hùm tăng mạnh gấp 57 lần so với cùng kỳ đạt hơn 130 triệu USD. Xuất khẩu cá tra đạt 922 triệu USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ. Tuy có cải thiện về nhu cầu nhưng giá cá tra xuất khẩu sang các thị trường vẫn thấp, như Trung Quốc, EU, Anh… Chỉ có thị trường Mỹ có tín hiệu khả quan hơn về cả giá và khối lượng nhập khẩu cá tra từ Việt Nam. Xuất khẩu cá ngừ trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng gần 25% đạt 477 triệu USD, chủ yếu nhờ phân khúc cá đóng hộp, đóng túi tăng mạnh. Xuất khẩu cá ngừ sang hầu hết các thị trường đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, hai thị trường lớn nhất là Mỹ và EU chiếm lần lượt 37% và 22% trong xuất cá ngừ của Việt Nam và ghi nhận tăng trưởng 30% và 37% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hà Lan là thị trường đứng đầu về trị giá nhập khẩu mặt hàng thủy sản của Việt Nam, đạt 97,1 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ, chiếm 20% trong tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng của thị trường EU.
Đứng thứ hai là thị trường Đức với trị giá xuất khẩu trong tháng 6/2024 đạt 16,1 triệu USD, tăng 1,4% so với tháng 5/2024. Tính chung 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang Đức đạt 94,2 triệu USD mặt hàng thủy sản, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2023, tương đương với mức tỷ trọng 18,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU.
Đứng thứ ba là thị trường Bỉ với trị giá đạt 16,5 triệu USD vào tháng 6/2024, tăng 18,9% so với tháng 5/2024. Tính chung 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Bỉ đạt 65,9 triệu USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ 2023, chiếm tỷ trọng 13% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản chung của Việt Nam sang EU.
Đáng chú ý, một số thị trường có mức tăng trưởng xuất khẩu cao trong 6 tháng đầu năm 2024 như: Italia tăng 30,8%; Đan Mạch tăng 31,4%; Ba Lan tăng 31,8%; Thụy Điển tăng 37,1%; Ireland tăng 81,4%; xuất sang Bungari mặc dù kim ngạch đạt hơn 2,5 triệu USD, nhưng so với cùng kỳ năm trước tăng 124,2%.
Một số thị trường có kim ngạch xuất khẩu giảm trong 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước: xuất sang thị trường Pháp giảm 24,1%; xuất sang Bồ Đào Nha giảm 13,8%; xuất sang Phần Lan giảm 73,3%; xuất sang Croatia giảm 39,5%; một số thị trường có kim ngạch xuất khẩu nhỏ như Séc, Malta và Áo giảm lần lượt 9,7%; 38,3% và 76,3%.
Về chủng loại sản phẩm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chủ yếu vẫn là tôm, cá da trơn... Đứng đầu trong nhóm chủng loại thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU 6 tháng đầu năm là tôm đông lạnh với kim ngạch đạt 117,3 triệu USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2023. Nhóm sản phẩm tôm là nhóm sản phẩm quan trọng trong cơ cấu xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam vào EU.
Thị trường EU đang có xu hướng ổn định dần dần. Giá cả thị trường và tiêu dùng đang ổn định, đồng thời lạm phát giá thủy sản tiếp tục giảm xuống mức 2,1% trong tháng 5/2024. Kể từ tháng 3, lạm phát giảm đáng kể hơn đối với thủy sản đông lạnh, với tỷ lệ lạm phát âm 0,9% trong tháng 5/2024.
EU là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất trên toàn cầu và là một trong những thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam. Đây là thị trường tiêu thụ thủy sản khó tính với những yêu cầu cao về nguồn gốc cũng như tính bền vững.
Trong những tháng đầu năm 2024, thị trường này liên tục tăng giảm thất thường nhu cầu nhập khẩu cá tra. Sau khi tăng nhập khẩu 20% cá tra từ Việt Nam trong tháng 1/2024, EU ngay lập tức giảm nhập khẩu trong 2 tháng sau đó. Trong khối EU thì Hà Lan là thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam, với gần 6.000 tấn cá tra trong 5 tháng đầu năm 2024. Tây Ban Nha là thị trường có xu hướng tăng nhập khẩu nghêu liên tục trong 5 tháng đầu năm 2024.
Đánh giá triển vọng
Nhiều yếu tố cho thấy, xuất khẩu thủy sản của nước ta vẫn đang chịu nhiều áp lực từ tình hình lạm phát của nền kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng thực tế với các sản phẩm thủy sản chưa thực sự rõ nét. Căng thẳng Biển Đỏ, tình trạng thiếu container rỗng dự phòng đã khiến giá cước vận tải biển tăng cũng là một chướng ngại cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong thời gian qua và có khả năng kéo dài.
Tại thị trường EU, vấn đề tồn tại của “thẻ vàng” IUU đối với lĩnh vực khai thác hải sản của Việt Nam khiến sản phẩm thủy sản nước ta khi vào thị trường này bị ảnh hưởng nhiều. Các doanh nghiệp đang trông đợi kết quả đợt thanh tra lần thứ 5 sắp tới của Ủy ban châu Âu để phá bỏ trở ngại kéo dài nhiều năm nay.
Ngành tôm đang cạnh tranh giữa Ecuador và Ấn Độ, cùng với dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn diễn biến phức tạp. Ngành cá ngừ cũng gặp khó khăn do quy định mới của Chính phủ về khai thác cá ngừ vằn, có thể dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu sản xuất. Bên cạnh đó, hiện nay cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu sản phẩm cá thịt trắng trên thế giới ngày càng khốc liệt, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực chế biến sâu, cũng khiến sản phẩm cá tra của Việt Nam gặp thêm áp lực lớn.
Sự hồi phục của thị trường chính là Mỹ giúp xuất khẩu cá tra có nhiều kỳ vọng trong nửa cuối năm. Mỹ và phương Tây ban sắc lệnh cấm cá minh thái từ Nga đã giúp cá tra Việt Nam hưởng lợi.
Cùng với EU, thị trường Trung Quốc và ASEAN cũng được đánh giá là thị trường tiềm năng của cá tra Việt với khối lượng nhập khẩu cao, cùng với nhu cầu sử dụng được phát triển mạnh mẽ. Khối lượng xuất khẩu cá tra được dự báo sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu cao từ các thị trường này.
Lợi thế lớn nhất của thủy sản Việt Nam là nhu cầu sử dụng sản phẩm giá trị gia tăng ngày càng cao. Tại các triển lãm thủy sản quốc tế ở Mỹ và EU năm nay, các sản phẩm giá trị gia tăng được khách hàng đặc biệt quan tâm. Việt Nam có lợi thế về trình độ chế biến thủy sản giá trị gia tăng, tay nghề của người lao động cao, đáp ứng được nhu cầu khắt khe của thị trường.
Dự báo xu hướng
Với nhiều kỳ vọng khi bước sang quý III/2024, các vấn đề tồn kho và khó khăn về vận tải có thể sẽ giảm bớt, nhu cầu sẽ phục hồi và giá tăng trở lại, nhất là vào thời điểm cuối năm.
Triển vọng ngành thủy sản nửa cuối năm 2024 dự kiến các thị trường lớn đều bắt đầu có tín hiệu phục hồi, tuy nhiên tốc độ hồi phục chậm và có nhiều yếu tố ngoại cảnh khó dự đoán có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp.
Dự báo nửa cuối năm, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sẽ tăng mạnh hơn do nhu cầu lễ, Tết. Đặc biệt, các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, không kháng sinh sẽ được ưa chuộng.
Đối với cá tra, giá có khả năng hồi phục nhẹ trong nửa cuối năm, do thiếu hụt nguồn cung. Tuy nhiên, xuất khẩu tới các thị trường Mỹ, EU bị ảnh hưởng khá nhiều khi giá cước tăng cao, ảnh hưởng tới lợi nhuận các công ty. Thị trường EU có xu hướng ổn định dần, nền kinh tế đảm bảo tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục. Giá cả thị trường và tiêu dùng sẽ ổn định hơn. Nhu cầu và nhập khẩu thủy sản của EU sẽ tăng trở lại sau kỳ nghỉ hè ở châu Âu.
Với những lợi thế sẵn có và nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành thủy sản Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2024, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của đất nước.