Măng vầu
“Măng vầu” hay còn gọi là “măng đắng” là một trong những đặc sản không thể bỏ qua khi đến Bắc Kạn. Ở đây, người ta có thể chế biến măng thành rất nhiều món ngon nhưng hấp dẫn hơn cả có lẽ là măng luộc chấm mắm tôm chanh ớt. Những người sành ăn măng thì hay chọn ăn loại măng luộc thật đắng vì như vậy mới cảm nhận hết được sự thú vị của món ăn này. Cái cảm giác đắng, chát cứ mất dần khi nhai kỹ, thay vào đó là cảm giác thoang thoảng ngọt, nhẹ nhẹ cay, rất lạ.
Rau sắng
Không giống như các loại rau khác chỉ cần trồng ngày một ngày hai là được hái lá, rau sắng từ khi trồng đến khi được hái lá lần đầu tiên phải sau ít nhất là 3-5 năm, và sau 10 năm mới được thu hoạch với số lượng lớn.
Lá rau sắng dùng để nấu canh với thịt hoặc cá. Mùi vị của loại rau này rất đậm đà, chỉ cần một vài cọng cũng đã đủ để có thể nấu bát canh thơm ngon cho 4 người ăn. Khi ăn, cần nhai chậm, kỹ từng chiếc lá nhỏ, thưởng thức thật sâu, thật kỹ vị ngọt, vị bùi khó tả của nó thì mới cảm nhận được hương vị đặc biệt của cây rau sắng. Quả sắng hình bầu dục, to như quả nhót, khi chín có màu vàng sẫm, ăn có vị ngọt đượm như mật ong. Hạt của quả sắng sau khi bóc vỏ cũng có thể đem ninh với xương rất thơm ngon, có vị ngọt, bùi.
Khâu nhục
Khâu nhục là món ăn đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tày – Nùng ở Bắc Kạn. Đây là một món ăn cầu kỳ. Khoai được chọn phải là khoai môn Bắc Kạn, bên trong lòng khoai có vân màu tím. Thịt lợn phải là thịt ba chỉ ngon, luộc sơ qua, dùng tăm tre chọc bì thật kĩ, tẩm ướp gia vị rồi đem quay, vừa quay vừa quết mật ong cho vàng bì. Khoai cũng phải rán vàng. Mọi thứ được xếp vào bát, cứ một miếng khoai, một miếng thịt. Cho nhân được làm bằng thịt, nấm hương, mộc nhĩ đã xào lên trên, hấp cách thuỷ khoảng 5 tiếng đồng hồ. Ai đã một lần được thưởng thức món ăn này đều bị quyến rũ bởi mùi vị hấp dẫn của nó, không chỉ thơm ngon, béo ngậy mà còn rất bùi.
Bánh ngải
Bánh ngải là món bánh đặc trưng mà chỉ người Tày mới có. Bánh ngải có màu xanh đặc trưng của thiên nhiên, hình thù và cách làm gần giống với bánh dày của người miền xuôi. Muốn bánh thơm, dẻo phải chọn loại nếp nương và không được lẫn dù chỉ một hạt gạo tẻ. Bánh ngải là thứ bánh rất dễ ăn, mát và không ngấy, nếu ai đã từng ăn một lần sẽ không quên mùi vị của loại bánh dân dã này. Vị hăng hăng, thơm thơm là lạ của lá ngải như dung hòa cái dẻo, cái ngọt của nếp, của đường, miếng bánh có sự tươi non của đồi nương, cái hoang dã của lá rừng.
Miến dong Na Rì
Miến dong Na Rì là đặc sản nổi tiếng của Na Rì, Côn Minh, Bắc Cạn, được làm thủ công từ những củ dong riềng trồng trên đèo Áng Tòong ở độ cao trên 1000m. Sợi miến được làm từ bàn tay khéo léo của người dân nơi đây nên giữ nguyên màu sắc tự nhiên vốn có. Sợi miến có màu vàng hoặc trong đục, sợi dai và giòn để lâu cũng không bị nát, đây cũng là nét đặc trưng khiến nhiều người yêu thích món ăn dân dã này. Sợi miến có màu tự nhiên do không dùng hóa chất, sợi miến khi nấu có vị dai, giòn và thơm của dong riềng. Từ miến dong có thể chế biến nhiều món ngon và dễ ăn.
Lạp sườn hun khói
Lạp sườn được làm từ thịt lợn bản nên thịt thơm và chắc. Điểm độc đáo của Lạp sườn Bắc Kan là được tẩm ướp bằng gừng đá, một loại gừng chỉ mọc trên đá của người dân tộc nên có mùi thơm rất đặc biệt, không giống bất cứ một loại gia vị nào của miền xuôi.
Lạp xường được làm bằng bàn tay của người Bắc Kạn có mùi của nắng vùng cao, mùi của khói bếp, thoảng mùi gừng, mùi rượu, mùi mắc mật thơm một cách đặc biệt. Vị dai của lòng, vị ngọt của thịt nạc, vị béo của mỡ hòa quyện với nhau, ăn thật ngon miệng. Nhấp thêm chút rượu nữa thì càng thêm khoái khẩu.
Tôm chua Ba Bể
Ở Ba Bể, người dân thường ăn tôm chua với thịt chân giò hoặc ba chỉ luộc kèm đĩa khế chua, chuối xanh, đinh lăng… Giữa khung cảnh thiên nhiên nên thơ, nhấm nháp tôm chua cùng chén rượu ngô cay nho nhỏ, du khách sẽ có cảm giác lâng lâng êm ái, thấm thía vị béo chua chua của thịt, cảm nhận phần tỏi ớt cay cay cùng mùi thơm riềng…
Cá nướng Ba Bể
Cá trong hồ Ba Bể có rất nhiều, thường được người dân đánh bắt thủ công, số lượng cá không nhiều nhưng chất lượng thì tuyệt vời vì thịt cá trắng, chắc và có vị ngọt. Người ta chọn lấy loại cá chỉ nhỏ bằng ngón tay cái, loại cá này vừa giống như cá bống, vừa giống con cá nẹp ở xuôi để làm món cá nướng.
Không gì thích thú bằng việc ngồi bên bờ hồ Ba Bể, nhâm nhi đĩa cá nướng chấm tương ớt với vài chén rượu ngô. Vị cá thơm lừng, thịt cá bùi và dai. Rượu ngô cay cay nhưng vẫn có vị ngọt đâu đây nơi cuống lưỡi. Cùng ngắm cảnh hồ Ba Bể, thần tiên và thăng hoa hơn bất cứ mâm cao cỗ đầy nào khác.
Bánh coóc mò
Coóc mò cũng là một loại bánh được bà con các dân tộc Bắc Kạn hay làm. Mới nhìn qua nhiều người nhầm là bánh gio vì hình thức bánh coóc mò cũng giống như vậy . Bánh cũng được gói theo hình chóp nhưng lá gói bánh lại là lá chuối . Bánh coóc mò ăn có vị đậm và thơm bởi được làm từ gạo nếp nương và nhân lạc đỏ. Bóc chiếc bánh xanh rền, ăn dẻo, thơm bạn mới thấy hết ý nghĩa của món bánh này. Nếu ghé Bắc Kạn bạn đừng quên thưởng thức món ăn giản dị mà hấp dẫn này.
Mứt mận
Món mứt mận ở Bắc Kạn được người dân coi là đặc sản. Vì nó có những hương vị đặc trưng riêng và rất hấp dẫn. Hầu như người dân Bắc Kạn đi đâu xa đều mang món mứt mận để làm quà biếu và giới thiệu sản phẩm của quê hương mình.
Nguồn: Wanderlust Tips