Theo báo cáo Nguồn gốc quốc gia của các Nhãn hàng do Nielsen công bố, khoảng 80% - 90% người Việt trả lời rằng khi so sánh với các yếu tố như giá, chức năng và chất lượng thì nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm rất quan trọng đối với họ trong việc quyết định lựa chọn mua hàng.
Theo đó, gần một nửa người tiêu dùng được khảo sát trả lời sẽ chọn sản phẩm nội địa (48%) thay vì lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp ngoại.
Điều này cho thấy trong thời gian gần đây, doanh nghiệp nội đã đuổi kịp các doanh nghiệp đa quốc gia trong cuộc đua khốc liệt trên thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và đang tăng trưởng nhanh hơn doanh nghiệp đa quốc gia ở cả kênh thương mại truyền thống và hiện đại.
Tình cảm của người tiêu dùng là một yếu tố đóng góp mạnh mẽ vào việc tạo nên sự cân bằng này của các doanh nghiệp nội địa tại Việt Nam.
Báo cáo nêu ra rằng sự ưa thích nguồn gốc các quốc gia của sản phẩm mà người tiêu dùng sử dụng là khác nhau theo từng ngành hàng, nhưng sở thích của người tiêu dùng là yếu tố có lợi cho những doanh nghiệp trong nước so với các đối thủ là công ty đa quốc gia.
Chính nhờ tình cảm của người tiêu dùng mà các doanh nghiệp trong nước ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ, thậm chí trong những ngành hàng mà trước đây sự thống trị luôn thuộc về các công ty đa quốc gia như dầu gội, nước ngọt có ga, sữa rửa mặt, sữa dưỡng da và sữa công thức (sữa bột).
Niềm tự hào quốc gia là một yếu tố rất quan trọng trong việc người tiêu dùng quyết định mua sản phẩm của doanh nghiệp nội hay ngoại tại Việt Nam.
Chính sự ủng hộ cho các doanh nghiệp nội địa đã khiến gần một nửa người tiêu dùng được khảo sát trả lời sẽ chọn sản phẩm nội địa (48%) thay vì lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp ngoại (9%) – chỉ số này cao hơn cả chỉ số của người tiêu dùng ở khu vực Đông Nam Á: 37%.
Bên cạnh đó, yếu tố giá (40% người Việt chọn nhãn hàng nội địa) và các thành phần chế biến an toàn (27%) cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chọn lựa sản phẩm nội hay ngoại của người tiêu dùng.
Nguồn: Diễn Đàn Đầu Tư