Dẻo thơm hạt gạo tiến vua
Những ngày cuối năm, xã Hải Đường (huyện Hải Hậu) dường như ngấm trọn cái lạnh tê tái của mùa đông bởi gió mùa mang theo hơi nước biển, quyện với làn sương mỏng manh tạo thành bức màn trắng xám, giăng trên từng bụi cỏ, ngọn cây, trên những thửa ruộng được xới xốp tung, bắt đầu cho mùa vụ mới. Xen trong thứ mùi đặc trưng của vùng quê đồng bằng Bắc bộ những ngày cận Tết, mùi thơm ấm của khói rơm đốt đồng, mùi liêu trai của trầm hương, mùi thoang thoảng của hoa và cỏ dại, mùi nồng nồng của đất…, khắp từng con ngõ dài nơi đây còn tỏa ra một mùi thơm ngọt ngào của lúa mới, rơm khô, của cơm được nấu từ gạo Tám Xoan truyền thống. Càng vào sâu trung tâm xã, mùi thơm ngọt càng nồng nàn. Năm nay, Hải Đường được mùa lúa Tám!
Gắn bó gần hết cuộc đời với hạt gạo Tám Xoan, ông Nguyễn Nguyên Đán (xóm 9, xã Hải Đường) kể, Tám Xoan được coi là hạt gạo cổ truyền của người dân Hải Đường nói riêng và toàn huyện Hải Hậu nói chung. Từ những ngày tháng 7 nắng cháy bỏng da, bà con bắt đầu làm đất, gieo mạ. Mạ gieo đủ 30 - 35 ngày mới đem cấy. Lúa cấy sau 4 tháng sẽ cho thu hoạch.
Quy trình là vậy, nhưng ông Đán cho hay, lúa Tám Xoan được xếp vào hàng những loại “khó tính” đặc biệt. Bởi lẽ, do đặc tính không ưa sáng, lúa Tám Xoan chỉ trổ bông, ra hạt vào một vụ duy nhất là chiêm xuân. Cây lúa trưởng thành cao đến 1,5m, thời điểm trổ đòng dễ rơi vào khoảng tháng 9 âm lịch - đúng mùa mưa bão của miền Bắc. Nếu như trổ bông đúng vào dịp bão, bông lúa bị gục xuống ruộng nước, mùa lúa năm đó sẽ có nguy cơ mất trắng. Nếu trổ đòng trước bão, hạt lúa kịp cứng, bông lúa bị đổ, sau đó sẽ “ngẩng” lên, khoác đều một màu vàng nâu khi chín, tỏa một mùi thơm ngọt ngào dễ chịu ngay từ lúc còn ở trên bông. Lúc đó, lúa được mùa. Tuy nhiên, ngay cả khi được mùa, sản lượng lúa Tám Xoan chỉ vào khoảng 1-1,2 tấn/ha, bằng khoảng 2/3 các giống khác.
Bà Trần Thị Cương (xóm 8, xã Hải Đường) tiết lộ, muốn cơm gạo Tám Xoan ngon, ngọt nhất, hạt lúa phải được gặt khi mới chín khoảng 80%, lớp áo cám vẫn còn nguyên màu xanh ngọc. Hạt gạo xát ra có dáng thuôn dài, trong suốt, xanh ngọc ngà, từ xa cũng có thể ngửi thấy mùi thơm. Cơm được nấu bằng xoong gang, bếp củi là ngon nhất. Hạt gạo ngậm đủ nước, căng mình nở xòe, trắng bông như tuyết. Nhựa từ gạo tứa ra, quyện chặt vào nhau, khiến hạt cơm mềm óng ả. Cơm Tám Xoan thơm nức, dẻo và ngọt như ướp mật. Xới một bát cơm gạo mới, thêm chút nước mắm ngon điểm xuyết vài lát ớt đỏ tươi, hoặc thêm một chút muối vừng thơm lừng rang nhạt, cả nồi cơm sẽ nhanh chóng “hết bay”.
Nhờ mưa thuận, gió hòa, cuối năm không có bão lớn, vụ chiêm xuân 2016, xã Hải Đường được mùa Tám Xoan. Ông Đán cho hay, năm nay, 4 sào lúa Tám nhà ông trĩu hạt, năng suất đạt 1,2 tạ/sào. Với giá bán 18.000 đồng/kg lúa hoặc 30.000 đồng/kg gạo, nguồn thu từ bán gạo Tám Xoan đủ để ông lo cho gia đình một cái Tết tươm tất.
|
Hạt lúa Tám Xoan có màu vàng nâu, tỏa mùi thơm nhẹ |
Trăn trở giữ gìn giống gạo quý
Giá trị lớn như vậy nhưng hạt gạo Tám Xoan đang đứng trước nguy cơ mai một. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Hậu, hiện trên địa bàn huyện chỉ còn vài chục ha đất trồng giống gạo quý này. Xã Hải Đường là nơi còn trồng nhiều nhất nhưng tổng diện tích chỉ khoảng 30,5ha, bằng khoảng 5% tổng diện tích đất lúa.
Chia sẻ nguyên nhân, bà Đỗ Thị Hoa - Phó trưởng Ban Nông nghiệp, UBND xã Hải Đường - cho hay, đặc trưng của giống lúa Tám Xoan là trổ bông và chín vào dịp cuối năm, nhưng thời điểm đó Nam Định thường có bão, khiến một số năm gần đây sản lượng gạo Tám Xoan không cao. Chưa kể, hiện nay, do nhu cầu lúa Tám Xoan khá cao, nhiều thương lái đã mua các loại gạo khác, trộn với lá Tám (một loại lá cây có mùi như gạo Tám) để hạt gạo có màu xanh nhẹ và mùi thơm giống gạo Tám Xoan, sau đó bán với giá rẻ hơn rất nhiều. Việc này gây hậu quả nghiêm trọng, khiến người tiêu dùng nhầm tưởng vì chất lượng loại gạo này không thể sánh bằng Tám Xoan.
Giữ gìn giống gạo tiến vua quý giá là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành nông nghiệp huyện Hải Hậu. Ông Mai Đức Nghĩa - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Hậu - chia sẻ, huyện đang làm việc với một số viện nghiên cứu giống cây trồng nhằm tìm giải pháp cải tạo giống gạo quý này để ít nhất có thể trồng được 2 vụ/năm. Bước đầu, kết quả đã cho ra giống lúa Tám Xoan đột biến - lùn hơn, ít gãy đổ và sâu bệnh, năng suất cao hơn. Một số hộ dân đã trồng thử giống này.
Tin vui ban đầu là thế, nhưng nhược điểm là giống lúa lai kể trên không thể có chất lượng tốt như giống cổ truyền. “Do đó, ngành nông nghiệp huyện Hải Hậu vẫn khao khát mong muốn các cơ quan chức năng, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, tìm giải pháp hiệu quả hơn để hỗ trợ địa phương gìn giữ giống lúa quý” - ông Nghĩa cho hay.
Trước khi có những giải pháp đồng bộ, điều đáng mừng là bà con Hải Hậu vẫn kiên định giữ một diện tích đất trồng cho hạt gạo quý cổ truyền của quê hương. Tin rằng, rồi đây, khi những vạt nắng vàng ươm báo hiệu một mùa hè mới về trên quê lúa, thay cho những luống đất im lìm đang lặng lẽ ngậm sương, những ngọn lúa thơm sẽ thẳng tắp vươn mình, sẵn sàng cho một mùa vụ mới. Rồi đây, khi những ngày Tết cận kề, những cánh đồng lúa trĩu bông sẽ lại nhuộm một màu vàng nâu óng ả. Hạt gạo trắng trong, căng mẩy theo những chuyến xe đến khắp mọi miền.
Mùi cơm mới, một thoáng, chợt theo gió ùa vào thơm ngọt ngào…
Ngon, quý và hiếm nên ngày xưa, gạo Tám Xoan được chọn để tiến vua. Còn ngày nay, khi lúa mới ra bông, thương lái đã về tận nơi, đặt hàng từng nhà mang ra thành phố tiêu thụ. Đây trở thành thức quà quý dành tặng nhau mỗi dịp Tết đến.
|
Nguồn: baocongthuong.com.vn