Tháng 9/2024, cơn bão số 3 Yagi đổ bộ miền Bắc làm ngập úng, chết rất nhiều cây trồng trong đó có đào Nhật Tân, nhiều người lo ngại đào Tết sẽ khan hiếm, tăng giá.
Chị Khắc Mai (ở làng Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, gia đình chị tìm cách chinh phục giống đào thất thốn kiêu sa, khó tính từ nhiều năm nay. Nhưng vụ Tết 2024, đào nở sớm khiến gia đình chị thất thu. Còn Tết Ất Tỵ năm nay, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 hồi tháng 9/2024, vườn đào thất thốn của gia đình chị chết gần một nửa vì ngập úng dài ngày.
“Sau bão Yagi, vườn đào thất thốn của gia đình tôi ở khu vực Mê Linh chết mất 400 gốc, thiệt hại không thể đếm xuể. Nếu số đào đó còn đến thời điểm này và được chăm sóc đúng cách để bán dịp Tết thì giá trị phải lên đến hàng chục tỷ đồng”, chị Mai xót xa nói.
Những cây đào thất thốn đang chúm chím nụ, chuẩn bị bung nở vào đúng dịp Tết Nguyên đán 2025
Cũng do ảnh hưởng của bão số 3, vườn đào của ông Kỳ Anh với hơn 1.000 gốc trong đó có 400 gốc đào cổ Nhật Tân, 600 gốc đào cành cũng bị mất trắng sau khi nước lũ rút. "Chỉ sau một đêm vườn nhà tôi đã không còn một gốc đào nào, cả nhà chỉ biết bất lực đứng nhìn. Nước lũ dâng đến đâu chết đến đấy", ông Kỳ Anh nhớ lại. Theo ông, những gốc đào cổ Nhật Tân này chỉ riêng mua về (chưa tính chăm sóc) đã có giá 15 - 20 triệu đồng/gốc. Như vậy, gia đình ông đã thiệt hại đến hàng chục tỷ đồng.
Nhiều nông dân trồng đào khác ở Nhật Tân cũng chịu cảnh tương tự khi thất thu nặng nề do vườn bị bão lũ tàn phá. Tuy nhiên, khi được hỏi việc đào chết hàng loạt do ảnh hưởng của bão số 3 có khiến cho đào Tết 2025 khan hiếm hay không, nhiều nông dân trồng đào lại khẳng định là không.
“Mặc dù đào Nhật Tân vụ Tết 2025 bị chết nhiều nhưng những người kinh doanh, buôn bán đào Tết tại Hà Nội đã chủ động liên hệ trước đó để nhập đào từ Lai Châu, Sơn La…về rất nhiều. Trên thị trường hiện loại nào cũng có, giá nào cũng có, từ đào cành, đào thất thốn, cây nhỏ rồi đến những cây đào cổ thụ có giá cho thuê lên đến cả trăm triệu đồng”, chị Khắc Mai lý giải.
Thực tế, chính gia đình chị Khắc Mai cũng thuê đất để trồng và chăm sóc đào thất thốn ở tận Sapa vì nơi này có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với loại cây. “Những cây đào thất thốn đẹp nhất, giá trị nhất đều được gia đình tôi chăm sóc ở vườn tại Sapa, đến vụ Tết mới chuyển về Hà Nội bán. May mắn là số đào này không bị ảnh hưởng của bão Yagi”, chị nói.
Chị Mai còn so sánh, vụ Tết năm ngoái, vì nhuận 2 tháng Hai nên đào Tết nở sớm khiến nông dân trồng đào thất thu. Còn Tết năm nay, mặc dù ảnh hưởng của bão Yagi là không nhỏ nhưng bù lại, những cây đào Tết ra hoa đúng vụ khiến người trồng đào phấn khởi và vẫn kỳ vọng vào một vụ Tết “ấm no”.
Đào Tết Ất Tỵ 2025 đa dạng về mẫu mã, chủng loại và được khẳng định là không thiếu hàng
Cũng vì thị trường đào Tết không khan hiếm, nên giá đào Tết năm nay hầu như không thay đổi so với năm ngoái. Với đào thất thốn, cây to đẹp, giá cho thuê dao động từ 10 - 20 triệu đồng. Còn cây nhỏ, thích hợp để trên bàn thì có giá bán từ 1,5 - 4 triệu đồng. Còn đào Nhật Tân, cây to đẹp giá cho thuê vẫn trong khoảng 20 - 30 triệu đồng.
Các tiểu thương tại khu vực chợ hoa cây cảnh Tết ở Lạc Long Quân cho biết, do tình hình kinh tế khó khăn nên người tiêu dùng có tâm lý thắt chặt chi tiêu hơn mọi năm. Những cây cảnh to, đắt đỏ thường được khách thuê để tiết kiệm chi phí, còn những cây nhỏ thì khách mới mạnh dạn mua.
"Thị trường năm nay chưa đông khách như năm ngoái nhưng cũng không quá trầm lắng. Theo tôi nguyên nhân chính vẫn là do người tiêu dùng chờ sát đến Tết mới có thời gian đi mua sắm, đồng thời họ cũng đề phòng thời tiết thất thường có thể ảnh hưởng đến chất lượng của cây nên không muốn mua sớm", anh Mạnh Quân, một người chuyên bán quất cảnh trên đường Lạc Long Quân nói.