Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã giới thiệu công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Đặc biệt là trong giai đoạn 10 năm từ năm 2011 đến năm 2020, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam duy trì ở mức cao, đạt bình quân 6,17%/năm, đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Những năm gần đây, với lợi thế về vị trí địa lý gần gũi và việc Việt Nam đã tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do đã giúp cho chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng giữa Việt Nam và Trung Quốc gần gũi hơn, tạo ra nhiều cơ hội hợp tác hơn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp của hai nước.
Ngành công nghiệp của Việt Nam được cơ cấu lại theo hướng giảm tỉ trọng ngành khai khoáng, tăng nhanh tỉ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đã hình thành được một số ngành công nghiệp có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh và vị trí vững chắc trên thị trường quốc tế. Quy mô sản xuất công nghiệp liên tục được mở rộng. Hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp cũng được chú trọng phát triển, góp phần thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, có giá trị gia tăng cao.

Về phương hướng hợp tác, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất các lĩnh vực như:
Thứ nhất, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp ô tô. Thúc đẩy các doanh nghiệp Trung Quốc hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam trong việc triển khai sản xuất các sản phẩm xe thương mại phù hợp với định hướng của Chính phủ và thị trường Việt Nam.
Thứ hai, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp tiêu dùng. Ngành thực phẩm của Trung Quốc đang áp dụng các công nghệ tiên tiến như 5G và trí tuệ nhân tạo để cải thiện hoạt động kinh doanh trong ngành chế biến thực phẩm. Đề nghị phía Trung Quốc phối hợp tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm để học hỏi và phát triển, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình áp dụng, nâng cấp dây chuyền công nghệ, giảm thiểu mức độ lãng phí nguyên liệu trong khâu chế biến thực phẩm.
Thứ ba, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác về khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trong thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nhằm nâng cao hiệu quả, giảm tổn thất tài nguyên, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, thân thiện với môi trường, phù hợp với các quy định pháp luật, tiêu chuẩn của Việt Nam; tăng cường hợp tác khai thác chế biến sâu khoáng sản phục vụ phát triển các ngành công nghiệp chip bán dẫn.
Thứ tư, tăng cường hợp tác trong ngành công nghiệp hỗ trợ, đề nghị hai bên tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cơ chế chính sách cấp trung ương và địa phương về phát triển chuỗi cung ứng. Đề nghị phía Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng trong khu vực và trên thế giới.
Thứ năm, về hợp tác trong lĩnh vực giao thông, đề nghị Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cùng thúc đẩy các cơ quan liên quan, tăng cường hợp tác đường sắt đô thị, đường sắt Bắc – Nam và thúc đẩy triển khai 3 tuyến đường sắt kết nối Việt Nam – Trung Quốc, bao gồm Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị hai Bộ tăng cường hợp tác phát triển ngành công nghiệp phụ vụ đường sắt.
Thứ sáu, hợp tác phát triển công nghiệp nền tảng bao gồm các ngành cơ khí, chế tạo, hóa chất, năng lượng mới.

Phản hồi về những nội dung quan tâm của phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc Kim Tráng Long cho biết, phía Trung Quốc rất coi trọng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp với phía Việt Nam, đánh giá cao hai Bộ đã nỗ lực trao đổi và ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp. Việc ký kết văn kiện này có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để hai Bên thúc đẩy các nội dung hợp tác thế mạnh để phát triển công nghiệp mỗi bên, đồng thời phát triển quan hệ hợp tác giữa hai Bộ.
Bộ trưởng Kim Tráng Long đánh giá cao chuyến thăm làm việc lần này của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên; Đề nghị hai Bộ thiết lập cơ chế Hội nghị Đối thoại cấp Bộ trưởng thường niên luân phiên tại mỗi nước nhằm tăng cường trao đổi, thúc đẩy hợp tác song phương; Bày tỏ ủng hộ doanh nghiệp hai nước có thể thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mà cả hai cùng quan tâm như vật liệu thô, công nghiệp ô tô, công nghiệp điện, phối hợp phát triển hệ thống các khu công nghiệp…; Đề nghị phía Việt Nam tiếp tục dành cho các doanh nghiệp Trung Quốc những cơ chế, chính sách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa để doanh nghiệp phát triển.
Về lĩnh vực khoáng sản, Bộ trưởng Kim Tráng Long nhất trí sẵn sàng cùng Việt Nam đi sâu trao đổi, hỗ trợ doanh nghiệp hai bên nghiên cứu, thực hiện các dự án hợp tác trong công tác thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trên nguyên tắc tuân thủ các chính sách pháp luật của hai nước.
Bộ trưởng Kim Tráng Long chia sẻ thế mạnh của Trung Quốc trong việc sản xuất máy bay, nhất là máy bay chở khách công suất lớn; Đề nghị Việt Nam hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo máy bay. Phía Trung Quốc sẵn sàng hợp tác cùng Việt Nam trong giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ cùng nhau thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hàng không.
Về lĩnh vực công nghệ hàng không vũ trụ, Bộ trưởng Kim Tráng Long nhấn mạnh Trung Quốc đã có trạm không gian vũ trụ của riêng mình, do Trung Quốc tự chủ, những năm trước đã cùng Thái Lan và các quốc gia khác thành lập Tổ chức Không gian Châu Á – Thái Bình Dương, mong muốn Việt Nam cũng sẽ là một thành viên trong Tổ chức này.
Kết thúc buổi làm việc, hai Bộ trưởng nhất trí sẽ cử ngay đoàn công tác cấp kỹ thuật làm việc, trao đổi triển khai cụ thể các nội dung đã thống nhất tại buổi Hội đàm./.
Vụ Thị trường châu Á-châu Phi

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương