Theo các chuyên gia, phương án sử dụng đồng giá điện sinh hoạt nhằm hướng tới sự đơn giản hóa trong khâu thanh toán và để EVN không "mang tiếng" thiếu minh bạch trong cách tính giá điện.
Hiệp hội Năng lượng cho rằng, nên cần xem xét, nghiên cứu thêm một phương án giá bán lẻ điện đơn giản, rõ ràng, thuận lợi hơn. Phương án giá điện đó vẫn đáp ứng được yêu cầu về chính sách giá điện ưu việt là hỗ trợ đối tượng nghèo, khó khăn, không khuyến khích dùng quá nhiều điện (thậm chí lãng phí) trong khi nguồn và khả năng cung ứng còn khó khăn.
Theo đó,
Hiệp hội Năng lượng đề xuất xem xét nghiên cứu thêm phương án giá 2 bậc. Trong đó, bậc 1 dành cho đối tượng hộ nghèo, khó khăn với mức giá giữ trong khoảng từ 1.484VNĐ/kWh –1.533VNĐ/kWh. Người tiêu dùng sử dụng điện trong bậc này (thông qua cân đối tính toán cụ thể) tối đa 100kWh. Thang bậc 2 dành cho tất cả các đối tượng sử dụng điện còn lại với mức giá lũy tiến trên cơ sở tính toán khoa học và số liệu thống kê tin cậy.
Hiệp hội Năng lượng cho rằng, phương án giá bán lẻ điện hai bậc thể hiện nguyên tắc bình đẳng về giá mua bán điện đối với các hộ có điều kiện, thu nhập trung bình trở lên, khuyến khích quan tâm tiết kiệm điện ở mọi đối tượng sử dụng điện. Đồng thời, phương án 2 thang giá đảm bảo nguyên tắc đơn vị sản xuất kinh doanh điện bù đắp được chi phí sản xuất, có lợi nhuận hợp lý.
Tại Diễn đàn cơ sở khoa học của việc tính giá điện tổ chức mới đây, sau khi phân tích những ưu và nhược điểm trong từng phương án biểu giá điện EVN đã đưa ra lấy ý kiến, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đưa ra dẫn chứng tỷ lệ người sử dụng điện trong từng mức khác nhau. Theo ông Hùng, tỷ lệ số hộ sử dụng điện từ 50 kWh/hộ trở xuống của năm 2014 so với năm 2013 đã gấp hơn 3 lần. Tỷ lệ số hộ sử dụng điện từ 51 đến 100 kWh của năm 2014 so với năm 2013 lại chỉ bằng 60,22. Tỷ lệ số hộ sử dụng điện trên 200 kWh/hộ năm 2014 so 2013 cơ bản không thay đổi. Trong đó, hộ sử dụng trên 400 kWh/hộ cũng tương tự.
Theo ông Hùng, đây chính là cở sở cho các nhà xây dựng, ban hành chính sách xác định biên độ cũng như số bậc để bảo đảm tổng doanh thu của ngành điện từ việc bán lẻ điện cho sinh hoạt không thay đổi, nhưng đáp ứng được chính sách an sinh xã hội và tiết kiệm điện theo Luật Điện lực.
"Từ những phân tích trên, quan điểm của tôi là không áp dụng quy định một mức biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt (đồng giá), mà áp dụng chính sách giá bán lẻ điện sinh hoạt theo bậc thang. Còn số bậc phải bảo đảm giá điện được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, phản ảnh các yếu tố đầu vào của sản xuất điện (như giá nhiên liệu, tỷ giá, cơ cấu huy động các nguồn điện và giá điện trên thị trường…). Đồng thời cũng phải tính tới tác động của việc điều chỉnh giá điện tới nền kinh tế trong vai trò điện là chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất", ông Hùng nói.
Trong khi đó, Giáo sư Nguyễn Quang Thái - Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, giá điện do cơ quan quản lý định ra, tuy có tham vấn nhà sản xuất, nhưng không phải do bên bán điện định ra. Vai trò của người sử dụng điện gần như không có, giá bao nhiêu là trả bấy nhiêu, ngay hợp đồng cũng là mẫu mua bán định sẵn.
Theo đó, ông Thái cho rằng giá điện cần có một số nguyên tắc rõ. Có thể tách ra đồng hạng giá điện cho người sử dụng dưới 100 kWh, người nghèo được hỗ trợ trực tiếp không qua EVN. Các đơn giá tiếp theo phải là con số không có số lẻ, người dân tự kiểm chứng được.
Theo ông Thái, có thể đưa phương án giá bán lẻ điện 4 bậc thang như dưới 100 KWh; 100-200 KWh; 201-400 KWh và trên 401).
Các nấc thang theo ông Thái cũng nên mượt mà hơn. Ví dụ: bậc 1 (1.500đ/KWh); bậc 2 (tăng 20% là 1.800đ/KWh); bậc 3 (tăng thêm 20% là 2.100đ/KWh) và bậc 4 là (tăng thêm 20% nữa là 2.400đ/KWh). Phần tiền chênh lệch trên 400KWh nên dành một phần cho các biên pháp tiết kiệm điện.
Huyền Thương