Cuộc họp có sự tham dự của đại diện các bộ, ngành liên quan là thành viên Ban soạn thảo, Tổ Biên tập; các cục, vụ chức năng thuộc Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam…
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ Biên tập (Ban soạn thảo) và Ban soạn thảo đã tổ chức họp 2 lần.
Bộ Công Thương với vai trò chủ trì đã hoàn thành dự thảo lần 2 để lấy ý kiến rộng rãi, công khai vào ngày 16/4; hoàn thành dự thảo lần 3 vào 24/4. Sau khi có ý kiến của các bộ, ngành, tổ chức, chuyên gia, doanh nghiệp và Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương đã hoàn thành dự thảo lần 4.
Theo Thứ trưởng, mục tiêu của Nghị định này là có thể triển khai ngay sau khi ban hành, không cần thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành. Đây cũng là một sự đổi mới về phương pháp tiếp cận, cách làm. Trong Nghị định này sẽ không phát sinh thủ tục hành chính (nếu có là thuộc vào các quy định khác) theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là hạn chế tối đa phát sinh các thủ tục hành chính khi xây dựng cơ chế mới.
Thứ trưởng mong muốn, các đại biểu tập trung góp ý vào một số nội dung còn nhiều ý kiến băn khoăn như chọn đối tượng tham gia cơ chế PDDA; những vấn đề liên quan đến hợp đồng và yếu tố kỹ thuật để làm cơ sở cho Ban soạn thảo, Tổ Biên tập hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ vào ngày 15/5/2024.
Báo cáo về quá trình triển khai xây dựng dự thảo Nghị định, lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, đến thời điểm này, đã có 345 ý kiến góp ý gửi Ban soạn thảo, Tổ Biên tập. Tuy nhiên vẫn còn một số ý kiến còn băn khoăn về các nội dung của dự thảo liên quan đến đối tượng tham gia, chi phí dịch vụ, hợp đồng mua bán điện, sự công bằng trong thị trường điện…
Sau khi có ý kiến thêm từ cuộc họp hôm nay, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ (Tờ trình, bảng ý kiến góp ý, tiếp thu, giải trình, dự thảo Nghị định và các tài liệu đi kèm…)
Tại cuộc họp, đại diện các thành viên Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan đã đóng góp ý kiến sâu, chi tiết về nội dung trong dự thảo.
Một số hình ảnh tại cuộc họp:
Thứ trưởng Bộ Công Thương – Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì cuộc họp.
Ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) nêu ý kiến tại cuộc họp.
Ông Phạm Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) nêu ý kiến tại cuộc họp.
Cuộc họp có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành liên quan, là thành viên ban soạn thảo dự thảo Nghị định.
Ông Trần Đăng Khoa - Trưởng Ban thị trường điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Toàn cảnh cuộc họp chiều 13/5 tại Hà Nội
Dự thảo Nghị định về cơ chế DPPA tập trung vào 2 chính sách, gồm: Mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng lớn qua đường dây truyền tải riêng và mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng lớn qua lưới điện Quốc gia.
Theo báo cáo đánh giá tác động về chính sách kèm theo, Bộ Công Thương đã phân tích cụ thể hai phương án cho mỗi chính sách. Đối với chính sách mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, Bộ Công Thương đề xuất phương án thứ hai và nhấn mạnh phương án sẽ tạo ra nhiều tác động tích cực, bao gồm việc khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, tạo ra cơ hội việc làm mới, giảm chi phí vận hành trung gian và tăng hiệu quả sử dụng điện.
Phương án thứ hai cũng được đánh giá cao về mặt xã hội - môi trường, giúp khách hàng có thể tự chọn nguồn cung cấp điện, kiểm soát nguồn điện và các dịch vụ đi kèm. Nó cũng khuyến khích việc sử dụng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, góp phần vào mục tiêu giảm lượng khí thải carbon và bảo vệ môi trường, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng gây ô nhiễm.
Đối với chính sách mua bán điện trực tiếp qua lưới điện Quốc gia, Bộ Công Thương cũng đề xuất chọn phương án thứ hai, nhấn mạnh rằng phương án này phù hợp với sự phát triển tập trung của nguồn điện gió và điện mặt trời, giảm bớt sự phức tạp trong việc quản lý và yêu cầu đầu tư hạ tầng ít hơn.
Cụ thể, phương án thứ hai sẽ giúp giảm chi phí điện cho khách hàng sử dụng điện lớn, tạo thu nhập phụ cho các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo, thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, thúc đẩy phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo và tạo ra công ăn việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và phân phối thu nhập, giảm rủi ro năng lượng do đa dạng nguồn cung và tác động bởi các yếu tố bên ngoài.
Về mặt xã hội-môi trường, phân tích của phương án thứ hai cho thấy việc phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo có thể tạo ra việc làm mới, giảm ô nhiễm không khí và khí nhà kính, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giảm khí thải carbon, giảm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.