Trong những năm qua, các phong trào thi đua yêu nước do Liên đoàn Lao động thành phố (LĐLĐ) Hà Nội phát động, triển khai luôn được các cấp công đoàn và đông đảo công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) tích cực hưởng ứng tham gia, mang lại hiệu quả thiết thực, sâu rộng, đặc biệt là 2 phong trào phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” và “Sáng kiến sáng tạo Thủ đô". Thông qua các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ Thủ đô do LĐLĐ Thành phố phát động, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân Anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua, công nhân giỏi; sáng kiến, sáng tạo Thủ đô.
Phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” được LĐLĐ Hà Nội phát động từ năm 2006. Qua 11 năm phong trào đã có bước phát triển mạnh mẽ, sâu rộng đến hầu hết các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Từ những năm đầu phát động, số doanh nghiệp hưởng ứng và công nhân lao động được công nhận danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” chủ yếu tập trung tại doanh nghiệp Nhà nước và công ty cổ phần có vốn Nhà nước chi phối. Hiện nay, số công nhân đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” lại tập trung chủ yếu thuộc các doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp FDI.
Kết quả, giai đoạn 2010-2015, đã có 137.872 công nhân giỏi được tuyên dương khen thưởng ở cấp cơ sở, 8.164 công nhân giỏi được tuyên dương ở cấp trên cơ sở và 598 công nhân đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” được LĐLĐ Thành phố biểu dương khen thưởng hằng năm.
Năm 2016, đã có 31.058 CNLĐ được công nhận danh hiệu “Công nhân giỏi” cấp cơ sở; 1.785 CNLĐ được công nhận “Công nhân giỏi” cấp trên cơ sở. Từ những công nhân giỏi trên, Ban thường vụ LĐLĐ Thành phố đã quyết định công nhận 126 hiệu “Công nhân giỏi” cấp Thành phố.
Năm 2017, phong trào phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” tiếp tục được các cấp công đoàn và đông đảo công nhân lao động trong các doanh nghiệp hưởng ứng, triển khai, phát động ngay từ đầu năm. Qua phát động đã có hàng vạn công nhân lao động tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng lao động, đạt năng suất, chất lượng hiệu quả trong sản xuất-kinh doanh, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” các cấp.
Thông qua các hình thức tôn vinh “Công nhân giỏi” có thành tích xuất sắc ở các cấp đã tạo ra không khí thi đua sôi nổi trong lao động sản xuất, khơi dậy ý chí, lòng nhiệt tình say mê, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của người lao động.
Năm 2017, các cấp Công đoàn Thành phố đã phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức phát động các phong trào thi đua tới toàn thể đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động (CNVCLĐ). Trong đó, khối sản xuất-kinh doanh (SXKD) tập trung vào phát động, đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu Công nhân giỏi Thủ đô.
Phong trào đã góp phần động viên, khai thác mọi tiềm năng, trí tuệ của từng công nhân lao động (CNLĐ) nghiên cứu, sáng tạo, tìm tòi những sáng kiến cải tiến, đúc rút kinh nghiệm từ nghề nghiệp, nghiên cứu các quy trình công nghệ để hợp lý hóa sản xuất, tạo ra năng suất, chất lượng, hiệu quả cao nhất, tiết kiệm vật tư, nguyên liệu, hạ giá thành sản phẩm góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và cải thiện đời sống người lao động.
Năm 2017, Thành phố Hà Nội có trên 33 nghìn CNLĐ được công nhận danh hiệu “Công nhân giỏi” cấp cơ sở, tăng 7,1% so với năm 2016, trong đó có 100 tấm gương công nhân tiêu biểu nhất được bình chọn ở các cấp để Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố biểu dương.
Phong trào Lao động giỏi phấn đấu trở thành Công nhân giỏi Thủ đô đã khẳng định được ảnh hưởng, tác dụng to lớn đối với SXKD của các doanh nghiệp, được cộng đồng doanh nghiệp và CNLĐ mọi lĩnh vực tích cực hưởng ứng. Đến nay, phong trào đã trở thành phong trào hành động cách mạng của tổ chức Công đoàn Thủ đô…
Đến nay, sau 11 năm đã có 125.358 sáng kiến được công nhận ở cấp cơ sở, 10.052 sáng kiến được công nhận ở cấp trên cơ sở. Đã có 954 cá nhân được Chủ tịch UBND Thành phố tặng Bằng khen công nhận Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô. Các sáng kiến làm lợi trên 10 tỷ đồng.
Tiêu biểu trong số đó là anh Nguyễn Văn Tú (SN 1987, Công ty liên doanh Toyota Giải Phóng). Là kỹ thuật viên ngành sửa chữa ô tô, anh Tú thường xuyên sáng tạo, cải tiến kỹ thuật nhằm tăng năng suất, tiết kiệm nguyên vật liệu. Hai năm liền, anh được bình chọn là kỹ thuật viên xuất sắc tiêu biểu của công ty. Nói về thành công của bản thân, anh Nguyễn Văn Tú khẳng định: Chính phong trào thi đua Lao động giỏi, phấn đấu đạt danh hiệu "Công nhân giỏi Thủ đô" là động lực để tôi nỗ lực hoàn thiện tay nghề, nâng cao hiệu suất lao động...
Đó còn là anh Nguyễn Duy Thịnh (SN 1981, công nhân bậc 6/7, Tổ trưởng sản xuất CNC2, Công ty cổ phần Xích líp Đông Anh) được biểu dương là người tích cực học hỏi, áp dụng công nghệ, đưa Tổ sản xuất CNC2 đạt 112% kế hoạch sản xuất hằng năm.
Cùng trong danh sách được biểu dương năm 2017, chị Nguyễn Thị Mến (SN 1985, nghệ nhân vẽ gốm Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu, thuộc Tổng công ty Thương mại Hà Nội) 4 năm liền đoạt giải nhất cuộc thi Công nhân giỏi của công ty. Sản phẩm của chị là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống với phong cách hiện đại, luôn làm hài lòng những khách hàng khó tính nhất, góp phần đưa gốm Chu Đậu ngày một vươn xa.
Tuy mỗi người một công việc khác nhau, nhưng điểm chung “Công nhân giỏi Thủ đô” là luôn phát huy tiềm năng sáng tạo, ý thức trách nhiệm, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, làm lợi hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp và nhà nước.
Chủ tịch LĐLĐ TP. Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến khẳng định, các phong trào “Công nhân giỏi Thủ đô” và “Sáng kiến sáng tạo Thủ đô” đã góp phần tích cực, giúp doanh nghiệp phát huy nội lực, nâng cao sản xuất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập. Đồng thời cũng là động lực kịp thời động viên, cổ vũ đội ngũ CNVCLĐ tích cực lao động sản xuất, nâng cao đời sống, thu nhập, thiết thực đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô.
Khẳng định những đóng góp của lực lượng công nhân lao động trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng với gần 22 vạn doanh nghiệp đang hoạt động và khoảng gần 10 nghìn CNVCLĐ đang làm việc, thì sự đóng góp của lực lượng CNVCLĐ với thành phố là rất lớn. Để kịp thời động viên CNVCLĐ đang ngày đêm cống hiến cho Thủ đô và đất nước, Phó Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, từ tháng 4/2017, Thành phố Hà Nội đã ban hành quy chế thi đua khen thưởng có nhiều điểm mới, hướng tới người lao động trực tiếp, làm sao người lao động trực tiếp được đánh giá, ghi nhận nhiều hơn, đồng thời UBND TP cũng phối hợp với LĐLĐ Thành phố tham mưu nhiều cơ chế chính sách để chăm lo cho đội ngũ CNVCLĐ như: xây dựng nhà ở cho CNLĐ trong các khu công nghiệp, tăng cường kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động, phối hợp chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ tại nơi làm việc, thúc đẩy công tác cho người lao động vay vốn từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, tăng cường đối thoại nắm bắt tâm tư nguyện vọng và kịp thời giải quyết các kiến nghị của CNLĐ…
Trong thời gian tới, để phong trào thi đua trong CNVCLĐ giai đoạn 2015-2020 mang lại hiệu quả thiết thực, Chủ tịch LĐLĐ TP. Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, các cấp công đoàn Thủ đô sẽ quan tâm chú trọng đến khen thưởng, động viên những công nhân, lao động trực tiếp, hướng các phong trào thi đua về cơ sở với phương châm thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương hình thức, trong đó trọng tâm là phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, phong trào phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” và “Sáng kiến sáng tạo Thủ đô”.
Nguồn: dangcongsan.vn