Tham dự Lễ phát động có Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Trương Thị Ngọc Ánh; Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” – Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu… cùng Đại diện Tổng cục Du lịch, Sở Công Thương Hà Nội, Sở Công Thương Quảng Ninh, Sở Công Thương Kiên Giang, các Hiệp hội, doanh nghiệp, các cơ quan báo chí, truyền thông…
Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” – Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Phát biểu khai mạc buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu và hoạt động thương mại của thị trường nội địa.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 6/2020 đạt 424.120 tỷ đồng, tăng 6,06% so với tháng trước và tăng 3,66% so với cùng kỳ năm 2019. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm đạt 2.358.280 tỷ đồng, giảm 1,78% so với cùng kỳ năm 2019. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng ước tính đạt 1.895,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,3% tổng mức và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, đây được cho là kết quả tích cực.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu
Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan
Để phát triển kinh tế, xã hội trong tình hình mới, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra chủ trương khắc phục tác động, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhằm phục hồi nhanh và đẩy mạnh phát triển đất nước. Cụ thể tại Kết luận số 77-KL/TW ngày 05 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị đã nêu: Tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Theo chủ trương đó, thông qua Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020 và Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt chính sách kịp thời, từng bước hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, có biện pháp kích cầu, đẩy mạnh tiêu dùng. Nhờ đó, các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội của nước ta đang được khôi phục, tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Thứ trưởng chia sẻ, theo nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục và tăng cường thúc đẩy phát triển các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới. Bảo đảm thực hiện ở mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng của năm 2020 và tạo nền tảng tốt cho tăng trưởng ở những năm tiếp theo. Hàng loạt các hoạt động, giải pháp, trong đó phải kể đến các hoạt động như: (i) Phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; (ii) Triển khai Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia áp dụng trên toàn quốc.
Ngày 24 tháng 6 năm 2020, Bộ Công Thương đã có Công văn số 4596/BCT-TTTN và Công văn số 4597/BCT-TTTN gửi các cơ quan, đơn vị có liên quan phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh năm 2020 (diễn ra từ ngày 01 tháng 7 đến ngày 31 tháng 12 năm 2020), thông qua các hoạt động trọng tâm, trọng điểm.
Để thực hiện hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, Bộ Công Thương đã đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, ngành nghề, các đơn vị, tổ chức có liên quan trên địa bàn hưởng ứng, tham gia, đồng thời phát động các chương trình kích cầu tại địa phương, gắn các hoạt động kích cầu tiêu dùng với các hoạt động kích cầu du lịch và các dịch vụ khác; nghiên cứu, tổ chức các mô hình kinh tế đêm, hệ thống bán lẻ lưu động hỗ trợ tiêu thụ nông sản theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương và các quy định hiện hành.
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại
Giới thiệu thêm về Tháng khuyến mại tập trung, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Chương trình được tổ chức đồng thời trên phạm vi cả nước, kết hợp những hoạt động thương mại truyền thống với thương mại điện tử để tạo sức lan tỏa và thu hút sự tham gia các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong mọi lĩnh vực. Việc tham gia Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020 sẽ hoàn toàn do các doanh nghiệp chủ động, không cần thông qua bất kỳ khâu xét chọn, xét tham gia nào từ phía cơ quan tổ chức Chương trình. Theo đó, các doanh nghiệp khi chủ động thực hiện các hoạt động khuyến mại của mình trong khuôn khổ thời gian Vietnam Grand Sale 2020 thì đều có thể được xem là hưởng ứng tham gia Chương trình.
Ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước
Dẫn lời nhà kinh tế Lawrence Summers để bàn thêm về các biện pháp kích cầu có hiệu quả, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nhấn mạnh, việc thực hiện các biện pháp phải đảm bảo: đúng lúc, trúng đích và vừa đủ. Theo đó, nhìn một cách tổng thể, các chính sách của Việt Nam trong thời gian qua đã và đang thực hiện hiệu quả theo đúng các yêu cầu như thế.
Ông Trần Duy Đông khẳng định, mặc dù thị trường trong nước đang phải chịu tác động không nhỏ bởi sự xuất hiện và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa trên thị trường, ngay cả khi cả nước phải cách ly xã hội vào tháng 4/2020 thì doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng nhẹ (0,4% so với cùng kỳ năm trước) nhờ hình thức mua sắm trực tuyến (so sánh với rất nhiều quốc gia trong khu vực bị thâm hụt nặng như Thái Lan, Singapore...). Mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm giảm 1,78% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng vẫn chiếm 80,3% tổng mức và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường trong nước đã thực sự là bệ đỡ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước; ngành phân phối là 1 trong những động lực để phát triển kinh tế trong thời kỳ mới vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Công Thương tin tưởng, với sự hưởng ứng của các địa phương, các hiệp hội ngành hàng/ngành nghề, các doanh nghiệp, đặc biệt là từ hàng người triệu người tiêu dùng Việt Nam, cùng với chuỗi các hoạt động chính của Chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa sẽ là đòn bẩy kích cầu tiêu dùng hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên cả nước, giúp các doanh nghiệp khôi phục, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi phát triển kinh tế của đất nước và đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.