Tham dự Tòa đàm có đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động), đồng chí Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động và các chuyên gia, các nhà khoa học, các doanh nghiệp.
Đổi mới về nội dung, cách thức trong bối cảnh mới
Bà Trương Thị Ngọc Ánh Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho biết, qua hơn 10 năm triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo Thông báo Kết luận số 264 ngày 31/7/2009 của BCT khóa IX, đã chứng minh sự đúng đắn về chủ trương của Đảng, sự thống nhất, đồng thuận của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc triển khai.
Kết quả tổng kết 10 năm triển khai Cuộc vận động ở các cấp đều khẳng định, Cuộc vận động là một trong những giải pháp quan trọng, huy động được sức mạnh các tầng lớp nhân dân trong việc phát huy nội lực đưa nền kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn của khủng hoảng kinh tế thế giới giai đoạn 2008-2009, giữ vững ổn định và không ngừng phát triển những năm tiếp theo.
Tuy nhiên việc triển khai thực hiện Cuộc vận động thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế. “Cuộc vận động cần được tiếp tục duy trì nhưng phải đổi mới về nội dung cách thức trong bối cảnh mới”- bà Ánh nhấn mạnh và mong muốn thông qua Cuộc vận động tiếp tục khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, niềm tin chiến thắng khó khăn, vươn qua thử thách của nhân dân Việt Nam. Tạo thêm nhiều việc làm, sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cạnh tranh với hàng hóa, dịch vụ các nước khi các FTA thế hệ mới có hiệu lực.
Hạn chế buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu
Ông Nguyễn Tiến Đạt, đại diện của Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương tại Tọa đàm
Trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước những thách thức vô cùng to lớn, kinh tế Việt Nam và các nước trên thế giới đã và sẽ tiếp tục trải qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Với tác động đó, nhiều doanh nghiệp phải ngừng giản quy mô sản xuất, thiếu hụt nguyên liệu đầu vào… không chỉ gây thiệt hại về kinh tế do các hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại…
Nhận thức rõ thách thức này, ông Nguyễn Tiến Đạt, đại diện của Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương chia sẻ, thời gian qua Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương đã chỉ đạo quyết liệt Cục QLTT các địa phương để phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trên các địa bàn, tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự. Sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ các lực lượng chức năng trên địa bàn triển khai nhiệm vụ chống buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm, vi phạm an toàn thực phẩm; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ mặt hàng pháo các loại, đồ chơi trẻ em bạo lực... từ đó đã góp phần ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Phát huy tối đa sự chủ động để tận dụng các Hiệp định thế hệ mới
Ông Lê Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương
Chia sẻ về những cơ hội và thách thức khi Việt Nam thực thi những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, ông Lê Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho hay, đối với Hiệp định CPTPP và EVFTA, Bộ Công Thương đều xây dựng Kế hoạch hành động để phục vụ cho việc thực thi các Hiệp định này. Các Kế hoạch hành động này luôn xác định rõ mục tiêu, các nhiệm vụ chủ yếu và các đơn vị phối hợp tổ chức thực hiện kế hoạch. Trong đó, các nhiệm vụ chủ yếu bao gồm 5 nhóm chính: (i) công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin; (ii) công tác xây dựng pháp luật, thể chế; (iii) nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; (iv) chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; và (v) chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, về phía các doanh nghiệp Việt Nam, để sớm vượt qua được những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, trước hết, các doanh nghiệp cần có nhận thức đúng đắn về những thách thức mà các Hiệp định FTA. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu về những quy định mới từ các FTA này về các lĩnh vực, ngành hàng mình hoạt động để từ đó hiểu đúng về những cơ hội thực chất. Đồng thời, qua đó cũng sẽ tự chủ ý thức được những khó khăn có thể gặp phải như các tiêu chuẩn cao của EU khi xuất khẩu hàng hóa vào Liên minh này. Bên cạnh đó, dựa vào các thông tin doanh nghiệp tự tìm hiểu để sớm chủ động xây dựng kế hoạch khai thác, hoạt động phù hợp với năng lực của mình để có thể tận dụng những cơ hội và chuẩn bị tốt để giảm thiểu những khó khăn. Nhìn chung, Doanh nghiệp cần phát huy tối đa sự chủ động để có thể tận dụng tốt các Hiệp định thế hệ mới.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đều đồng quan điểm, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới của đất nước ta rất nặng nề, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, vừa chống dịch, vừa giải quyết, khắc phục ảnh hưởng hạn mặn ở các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nam bộ, đòi hỏi các cấp, các ngành phải phấn đấu nỗ lực, đặt ra các giải pháp thực hiện nhiệm vụ “kép”.
Nhằm đồng hành cùng Chính phủ và các Bộ, ngành, tạo nên sức mạnh thống nhất về ý chí và hành động trong việc khôi phục và ổn định nhanh nền kinh tế, Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động’Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’ mong muốn, thông qua Cuộc vận động tiếp tục khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, niềm tin chiến thắng khó khăn, vươn qua thử thách của nhân dân Việt Nam; tuyên truyền và vận động nhân dân đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp cả nước khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội, tạo thêm nhiều việc làm, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cạnh tranh với hàng hóa, dịch vụ các nước khi các FTA thế hệ mới có hiệu lực.