Diễn ra trong bối cảnh các nhóm chuyên gia pháp lý của hai bên Việt Nam – EU đang tiến hành phiên rà soát pháp lý lần thứ hai tại Brussels để cùng rà soát lại văn kiện đã hoàn tất đàm phán của hiệp định nhằm kiểm chứng tính nhất quán và đảm bảo rằng tất cả các điều khoản đều được xây dựng một cách phù hợp về mặt pháp lý, hội thảo nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận đúng hướng thị trường EU khi FTA Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Yến Ngọc – Phó Trưởng phòng ASEAN – Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương chia sẻ: EVFTA sẽ mang lại cơ hội hiện hữu giúp doanh nghiệp tăng trưởng và mở rộng thị trường xuất khẩu, đưa xuất khẩu tăng bình quân từ 16 - 18% lên 21%/năm, kim ngạch đến năm 2020 có thể đạt 85 tỷ USD và tham vọng đến 2030 đạt 220 tỷ USD. Đặc biệt EVFTA sẽ có tác động lớn đến một số nhóm hàng như nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ.
Đưa ra những khuyến nghị đối với doanh nghiệp Việt Nam về EVFTA, bà Nguyễn Yến Ngọc nói: “Doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý lộ trình xóa bỏ thuế xuất khẩu của Việt Nam dài hơn EU (10 năm so với EU là 7 năm) nên doanh nghiệp Việt sẽ có điều kiện chuẩn bị tốt hơn cho cạnh tranh. Về quy tắc xuất xứ, ngoài việc cấp chứng nhận xuất xứ truyền thống, doanh nghiệp Việt Nam sẽ được tự chứng nhận xuất xứ để thuận lợi hơn trong kinh doanh; lưu ý về các quy tắc như cộng gộp đối với dệt may, mực và bạch tuộc chế biến; các vấn đề về SPS và TBT…”.
Bà Miriam Garcia Ferrer, Tham tán thứ Nhất – Trưởng ban Kinh tế và Thương mại, phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng tận dụng EVFTA là một cơ hội và khó khăn cho cả hai bên
Bà Miriam Garcia Ferrer nói: Đối với chúng tôi, đàm phán FTA giữa Việt Nam và EU rất quan trọng và là một thách thức. Tương tự như vậy, việc làm sao để các DN nắm bắt được cơ hội từ hiệp định này còn quan trọng và khó khăn hơn. Đó là các vấn đề liên quan tới việc xóa bỏ thuế quan, giải quyết các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), tạo sân chơi bình đẳng giúp minh bạch hóa và tạo môi trường pháp lý thân thiện với doanh nghiệp; việc mở cửa các lĩnh vực dịch vụ giúp doanh nghiệp tiến xa hơn trong hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS); thiết lập một cơ chế hiệu quả để giải quyết các tranh chấp đồng thời bảo vệ các tiêu chuẩn xã hội và môi trường... Để nắm bắt và thực hiện tốt những cơ hội đó là một khó khăn và thách thức không chỉ đối với doanh nghiệp Việt Nam mà còn là một khó khăn đối với chúng tôi”.
Tại buổi tọa đàm mở, các doanh nghiệp đã cùng trao đổi về chương Vệ sinh an toàn thực phẩm và Quy tắc xuất xứ, đây là hai chương ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường EU.
Cũng tại hội thảo đã diễn ra lễ ra mắt sổ tay hướng dẫn cho doanh nghiệp về EVFTA với 2 phiên bản: tiếng Anh do Phái đoàn EU thực hiện và tiếng Việt do Bộ Công Thương thực hiện.
Nguồn: Vũ Lê/Báo Công Thương điện tử