Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch AIPA 41 Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 Phạm Bình Minh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; cùng lãnh đạo Bộ, ban ngành tham dự Lễ khai mạc. Về phía quốc tế có Trưởng các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đây là lần đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ, Hội nghị Cấp cao thường kỳ của ASEAN được tổ chức trực tuyến.
Dịch Covid-19 mới bùng phát, lan rộng từ đầu 2020 đã cuốn đi thành quả loài người đã tích lũy trong nhiều năm, cướp đi sinh mạng và đe dọa cuộc sống của hàng triệu người. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (8/6/2020), kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ suy giảm nghiêm trọng, ở mức âm 5,2%, thu nhập bình quân đầu người giảm 3,6% và khiến cho 70-100 triệu người rơi vào nghèo đói cùng cực, gia tăng nguy cơ mất ổn định xã hội. Hơn 40% các ngành sản xuất, kinh doanh của các quốc gia phải chịu tác động trực tiếp từ các biện pháp phong tỏa dịch bệnh.
Sự bùng phát của dịch bệnh, càng thổi bùng thêm những thách thức vốn tiềm ẩn trong môi trường chính trị-kinh tế-xã hội của thế giới và mỗi khu vực. Các thể chế đa phương và quy định của luật pháp quốc tế chịu nhiều thách thức nghiêm trọng. Cọ xát chiến lược giữa các nước lớn càng bộc lộ rõ nét và bị đẩy lên cao. Trong khi cả thế giới đang phải gồng mình chống dịch vẫn xuất hiện những hành động thiếu trách nhiệm, vi phạm luật pháp quốc tế, ảnh hưởng đến môi trường an ninh và ổn định ở một số khu vực, trong đó có khu vực của chúng ta.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, Chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” của ASEAN 2020 được triển khai trong bối cảnh môi trường khu vực và quốc tế đầy biến động. Trải qua 5 năm hình thành Cộng đồng, ASEAN đang đứng trước những cơ hội và thách thức do dịch chuyển địa chiến lược toàn cầu cũng như tác động của dịch COVID-19. Trong hoàn cảnh này, bản lĩnh của Cộng đồng ASEAN được thể hiện rõ nét, gắn kết chặt chẽ các thành viên tạo nên sức mạnh tổng hợp để tranh thủ hiệu quả các cơ hội, vững vàng vượt qua thử thách.
Trong những tháng đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 đã để lại những hệ lụy nặng nề với phát triển kinh tế và ổn định xã hội của các quốc gia thành viên ASEAN. “Cộng đồng ASEAN đã kịp thời hành động, chủ động thích ứng, gắn kết các quốc gia. Hệ thống ứng phó y tế khẩn cấp của ASEAN và hợp tác với các Đối tác đã được kích hoạt ngay từ những ngày đầu dịch. Các nước ASEAN đã tích cực chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp trong kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh. Toàn thể ASEAN với cam kết chính trị ở mức cao nhất, cách tiếp cận đồng bộ, tổng thể ở cấp quốc gia và khu vực, đã thể hiện bản lĩnh vững vàng của một khối ASEAN đoàn kết và gắn bó, đầy tình tương thân, tương ái” – Thủ tướng khẳng định.
Mặc dù dịch bệnh còn phức tạp song các quốc gia thành viên ASEAN đã cơ bản kiểm soát tốt tình hình. So với thế giới, đạt tỉ lệ cao về số bệnh nhân khỏi bệnh trên tổng số ca lây nhiễm. Tỉ lệ tử vong ở mức thấp và đang giảm nhanh. Trong những ngày qua, tại nhiều quốc gia ASEAN, không phát hiện thêm ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. GDP bình quân ASEAN được dự báo tăng trưởng mức thấp trong 2020, nhưng các nền kinh tế ASEAN vẫn giữ được ổn định.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tham dự Lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEN lần thứ 36
“Trọng trách nặng nề trên vai Chính phủ các quốc gia thành viên ASEAN và cá nhân các Nhà Lãnh đạo chúng ta trong thời gian nửa năm 2020 còn lại là phải đưa ASEAN vượt qua giai đoạn cam go đầy khó khăn này, minh chứng cho giá trị và sức sống vững bền của một Cộng đồng tự cường và năng động” –Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 sẽ là dịp để chúng ta một lần nữa khẳng định tình đoàn kết, ý chí chính trị mạnh mẽ và quyết tâm cao của các quốc gia thành viên ASEAN vượt lên các khó khăn thách thức, vững vàng đi tới. Một mặt, cần tiếp tục kiểm soát tốt dịch Covid-19, mặt khác, cần sớm khắc phục hậu quả của dịch, phục hồi và tiếp tục phát triển kinh tế; đồng thời, cần nỗ lực hoàn thành các mục tiêu hợp tác, liên kết ASEAN trong năm 2020.
Tại Hội nghị lần này, ASEAN sẽ trao đổi về kế hoạch phục hồi tổng thể của ASEAN sau dịch bệnh, sớm đưa vào triển khai các sáng kiến về: lập Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19, xây dựng Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp của ASEAN, xây dựng Quy trình ứng phó dịch bệnh chuẩn ASEAN trong tình huống y tế khẩn cấp...
Các nước sẽ tiến hành rà soát công tác đánh giá giữa kỳ thực hiện các Kế hoạch tổng thể của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, cho ý kiến về xây dựng định hướng phát triển tương lai của ASEAN sau 2025, nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEAN với việc đánh giá việc triển khai Hiến chương ASEAN.
ASEAN cũng sẽ tăng cường khuyến khích sự tham gia, đóng góp tích cực của các ngành, các giới trong xã hội trong tiến trình xây dựng một Cộng đồng hướng về người dân và lấy người dân làm trung tâm.
Các nỗ lực tăng cường kết nối, thúc đẩy phát triển đồng đều, bền vững của ASEAN những năm qua sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2020. Các sáng kiến “Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN”, “Kết nối các kết nối” cần được tiếp tục triển khai hiệu quả, sâu rộng. Bên cạnh đó, cần quan tâm thích đáng đến việc gắn kết chặt chẽ các tiểu vùng với kế hoạch phát triển tổng thể của ASEAN, trong đó có tiểu vùng Mê Công, về quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước.
Là Cộng đồng rộng mở, một đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững của cộng đồng quốc tế, ASEAN sẽ không ngừng mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với các Đối tác. ASEAN đẩy mạnh quan hệ gắn kết với Liên Hợp Quốc trong năm 2020, khi cả Indonesia và Việt Nam cùng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc , tích cực đóng góp cho các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh và phát triển của Liên hợp quốc. Chúng ta cam kết mạnh mẽ đối với tự do hóa và liên kết kinh tế, phấn đấu sớm hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Trên cơ sở đề cao vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, chúng ta không ngừng cải tiến, hoàn thiện các cơ chế đối thoại, hợp tác xây dựng lòng tin, củng cố cấu trúc khu vực mở, minh bạch, dựa trên luật lệ. Đồng thời, ASEAN tiếp tục thúc đẩy và đề cao các quy tắc, chuẩn mực ứng xử, định hình quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực theo Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển UNCLOS 1982.
Mẫu số lợi ích chung gắn kết các quốc gia thành viên ASEAN hơn 5 thập kỷ qua càng được nhân lên trong bối cảnh khó khăn, thử thách. Dịch bệnh COVID-19 là phép thử để ASEAN càng khẳng định bản lĩnh của một Cộng đồng ngày càng trưởng thành. Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, qua mỗi cơn phong ba, bó lúa vàng trên logo biểu tượng của ASEAN sẽ ngày càng thêm gắn kết bền chặt, tiếp tục đem lại những hạt gạo đong đầy tình cảm đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của đại gia đình ASEAN.