Các ưu đãi mà Hiệp định TPP mang lại

Hiện tại, các cuộc thảo luận về TPP hiện đều đang tập trung chủ yếu vào quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Mỹ. Tuy nhiên, nói gần hơn trong khu vực, Việt Nam đang có cơ hội để học hỏi và tích luỹ kinh nghiệm từ một trong những nền kinh tế phát triển là Nhật Bản với các thương hiệu thường được biết đến thể hiện rõ yếu tố “hiện đại” và “chất lượng cao” trong từng sản phẩm như thương hiệu Hitachi, Toyota, Honda; hoặc trong lĩnh vực may mặc như Uniqlo, sự kết hợp giữa thời trang và công nghệ cao.

Nhật Bản và Việt Nam đã có mối quan hệ giao thương từ năm 1973, và đến thời điểm hiện tại, Nhật Bản đang là một trong những nước xuất khẩu lớn của Việt Nam với tổng giá trị lên đến 11 tỷ đô tính đến tháng 5/2016. Hiệp định TPP hỗ trợ mở rộng thị trường giao thương qua việc mở rộng các chuỗi cung ứng, giảm thiểu thuế và tạo nên “Luật xuất xứ” để các DN Việt Nam và Nhật Bản có thể tận dụng các lợi thế đôi bên và trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.

Cụ thể, đối với các DN sản xuất ngành may mặc và phụ tùng ô tô. “Luật xuất xứ” của Hiệp định TPP đòi hỏi thành phẩm và các bộ phận liên quan phải đáp ứng đủ điều kiện của khối thành viên để được hỗ trợ ưu đãi.

Luật này sẽ mang lại cơ hội cho các ngành công nghiệp phát triển chậm ở Việt Nam, hiện đang gặp nhiều trở ngại để phát triển đúng với tiềm năng vốn có bởi hiện nay, hầu hết phụ tùng ô tô sản xuất ở Việt Nam được sử dụng trong nước. Với sự hỗ trợ của Hiệp định TPP, nhà sản xuất xe Nhật Bản xuất khẩu đi Mỹ có thể chuyển hướng sang Việt Nam để tìm kiếm phụ tùng ô tô nhằm hưởng lợi ích từ mức thuế thấp hơn.

Một điều luật tương tự cho ngành may mặc Việt Nam cũng được áp dụng khi tham gia vào Hiệp định TPP. Cụ thể, theo điều luật “Từ sợi trở đi” (Yarn Forward), một sản phẩm chỉ được nhận diện là xuất xứ từ TPP nếu nguyên vật liệu được sản xuất trong các nước thành viên TPP hoặc nếu sản phẩm được lắp ráp tại các nước trong TPP.

Với việc cắt giảm thuế, các nhà sản xuất của ngành may mặc Việt Nam có nhiều cơ hội để tìm nguồn sản xuất vải chất lượng hơn và tận dụng nhiều hơn nguồn vật liệu tiên tiến từ Nhật Bản với mức giá thấp hơn. Điều này cho phép các nhà sản xuất may mặc tại Việt Nam có thể tiết kiệm chi phí và sản phẩm trở nên cạnh tranh hơn khi xuất khẩu sang các thị trường TPP khác.

Tích hợp vào chuỗi cung ứng Nhật Bản

Khi DN Việt đã hiểu được những lợi ích đến từ việc hợp tác với các nhà sản xuất Nhật Bản và tích hợp vào chuỗi cung ứng toàn cầu của họ, câu hỏi mà các DN thường gặp là: Làm thế nào để bắt đầu? Lời khuyên là nên tận dụng các mối quan hệ có sẵn trong nước. Ví dụ, các hiệp hội DN thường tổ chức các hội thảo bồi dưỡng năng lực nhằm trang bị cho các chủ DN đủ kiến thức về giao thương xuyên biên giới và kỹ năng quản lý các chuỗi cung ứng quốc tế.

UPS cũng đã từng kết hợp với Trung tâm Hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản (VJCC) tổ chức buổi hội thảo với hơn 80 DN Nhật Bản và nhà cung cấp Việt Nam, nhằm giúp hai bên có cơ hội trao đổi và hiểu thêm về đôi bên.

Cũng không thể phủ nhận rằng việc mở rộng ra thị trường cung ứng quốc tế là phức tạp và đòi hỏi một mức độ nhất định về chuyên môn bởi các DN vừa và nhỏ có thể gặp khó khăn khi nguồn vốn và đội ngũ nhân lực chuyên dụng để quản lý các quy trình hải quan còn hạn chế.

Những sai lầm đơn giản, chẳng hạn như chứng từ không chính xác hoặc không đầy đủ, có thể gây ra sự chậm trễ tại hải quan và dẫn đến tắt nghẽn dây chuyền. Tuy nhiên, để khắc phục, các DN vẫn có thể hạn chế điều này bằng cách cộng tác với các nhà cung cấp dịch vụ logistics có chuyên môn về hải quan và những giải pháp để giảm thiểu thời gian, giúp DN có thể tập trung vào phát triển việc kinh doanh của mình.

Ngoài ra, một khi DN đã sẵn sàng mở rộng ra thị trường nước ngoài, họ có thể tận dụng những đối tác và nguồn nhận lực có sẵn trên thị trường. Bằng cách tận dụng các chuyên gia có kinh nghiệm bên ngoài, các công ty khởi nghiệp và các DN quy mô vừa sẽ có thêm nhiều thời gian để xây dựng chiến lược phát triển thay vì bối rối hoặc nản lòng trước các quy trình thương mại xuyên biên giới phức tạp.

Nguồn: Thời báo tài chính Việt Nam/Jeff McLean