Theo đánh giá của Tổ chức Gỗ nhiệt đới quốc tế (ITTO), trong EU, Anh là quốc gia nhập khẩu các sản phẩm gỗ nhiệt đới nhiều nhất. Năm 2015, giá trị nhập khẩu các sản phẩm gỗ từ các nước nhiệt đới vào Anh lên tới 960 triệu Euro, chiếm khoảng 25% tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm gỗ từ các nước nhiệt đới vào toàn khối EU. Khác với các quốc gia trong EU, với giá trị nhập khẩu các sản phẩm gỗ từ các nước nhiệt đới chững lại hoặc giảm, nhập khẩu các sản phẩm gỗ nhiệt đới vào Anh vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này thể hiện sự mở rộng thị trường trong việc tiêu thụ các sản phẩm gỗ tại Anh.

Quyết định rời EU của nước Anh, còn được gọi là “Brexit” có ý nghĩa quan trọng đối với ngành công nghiệp gỗ nhiệt đới. Theo ITTO, sự mất giá của đồng Bảng Anh, cộng với sự mất giá của thị trường chứng khoán đã làm tụt giảm khoảng 30% về giá trị cổ phiếu của ngành xây dựng nhà cửa tại Anh. Đánh giá của Liên đoàn Thương mại gỗ của Anh (TFF) cũng cho thấy, Brexit sẽ tác động trực tiếp đến ngành xây dựng nhà, làm tăng khoảng 10-12% chi phí trong xây dựng, và điều này dẫn đến việc dừng thực hiện các dự án xây dựng trong tương lai.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Tô Xuân Phúc – Tổ chức Forest Trend cho biết: Việt Nam là một trong ba quốc gia xuất khẩu các sản phẩm gỗ nhiều nhất vào Anh (bên cạnh Indonesia và Malaysia). Trong EU, Anh là thị trường lớn nhất nhập khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu hàng năm chiếm khoảng 35-36% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Các con số về kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam vào Anh và các nước còn lại thuộc khối EU giai đoạn 2012-2015 được chỉ ra cho thấy kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam vào Anh liên tục tăng. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sang Anh đạt gần 270 triệu USD, tăng nhanh từ mức gần 181 triệu USD năm 2012.

Theo ông Tô Xuân Phúc, thực tế, thời gian nước Anh rút khỏi EU là trong vòng 2 năm. Trong vòng 2 năm này, tất cả các luật của EU vẫn được áp dụng tại Anh, và nước Anh vẫn tham gia vào EU như bình thường. Để Anh rời EU cần phải có Quốc hội nước Anh phê chuẩn, và điều này vẫn chưa diễn ra. Chỉ khi nào Quốc hội Anh phê chuẩn thì quá trình đàm phán 2 năm với EU mới chính thức được bắt đầu.

Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Vũ Hải Bằng - Chủ tịch HĐQT Công ty Woodland cho biết, trong ngắn hạn Brexit không gây tác động gì tới doanh nghiệp. Theo ông Bằng, các hợp đồng xuất khẩu sang châu Âu của công ty thường là hợp đồng dài hạn, do vậy đối tác không thể vì yếu tố bất thường mà thay đổi ngay đơn hàng. Ông Bằng cũng nhận định, xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam vào Anh chỉ chiếm khoảng 5% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam, trong khi tăng trưởng xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam tăng khoảng 10%/năm, nên biến động từ thị trường này nếu có vẫn ở trong mức kiểm soát của doanh nghiệp.

Phân tích tác động của Brexit, nhiều ý kiến cho rằng, Anh là thị trường lớn nhất trong khối EU nhập khẩu đồ gỗ từ Việt Nam, và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của ngành gỗ Việt Nam. Việc giảm giá trị của đồng Bảng Anh có thể làm cho các công ty bán lẻ của Anh bị ảnh hưởng nặng nề nhất, bởi đa số họ mua hàng từ châu Á và thanh toán bằng đồng đôla. Giảm giá đồng Bảng làm cho các chi phí mua và nhập khẩu hàng tăng cao. Tuy nhiên, đến nay các con số dự đoán về mức độ suy thoái kinh tế của Anh trong thời gian tới vẫn chưa chắc chắn.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) nhận định, hiện tại còn rất nhiều điều chưa rõ ràng và chưa chắc chắn về việc Anh sẽ rời EU như thế nào, về các tác động của việc này đối với các chính sách của Anh nói riêng và mối quan hệ thương mại giữa Anh và các nước trong khối EU, cũng như các nước khác nói chung. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần cập nhật thông tin và có những giải pháp ứng phó với các kịch bản thị trường khác nhau, bởi trong tương lai có thể sẽ có những thay đổi về thuế, những biến động về tỉ giá, thay đổi về thủ tục và phí hải quan, cũng như các thay đổi quy định và các tiêu chuẩn hiện đang được được EU áp dụng.

Nguồn:  Nguyễn Hạnh/Báo Công Thương điện tử