1. Tác động của Brexit tới nền kinh tế toàn cầu
1.1. Đối với các khối nước, khu vực
Kinh tế Anh: Sự kiện Brexit sẽ có những ảnh hưởng sâu sắc tới nền kinh tế Anh trong cả ngắn hạn và dài hạn. Trước hết là cú sốc về tỷ giá. Sau khi Brexit diễn ra, đồng bảng Anh ngay lập tức đã giảm giá mạnh so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác. Tính từ ngày 23/6 đến ngày 26/7, đồng bảng Anh đã giảm 13,45% so với đồng USD, cao hơn nhiều so với mức giảm 2,2% trong 5 tháng đầu năm 2016; giảm 9,83% so với đồng EUR và 12,3% so với đồng JPY. Brexit tiếp tục ảnh hưởng mạnh tới thương mại của Anh, dẫn tới sự suy giảm đáng kể GDP. Đồng thời, sự suy giảm thị phần xuất khẩu của Anh vào EU là một trong những nguyên nhân chính khiến giá hàng hóa sụt giảm và tỷ lệ lạm phát của Anh giảm trầm trọng trong dài hạn (giảm dần từ mức hơn 2% trong năm 2017 xuống 0% vào năm 2030).
Bên cạnh đó, nền kinh tế Anh sẽ tiếp tục rơi vào suy thoái trong dài hạn khi đồng nội tệ được dự báo tiếp tục lao dốc, gây khó khăn cho hoạt động nhập khẩu của các doanh nghiệp. Nhiều tập đoàn lớn tại Anh cảnh báo, Brexit sẽ tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán nước này khiến làn sóng bán tháo chứng khoán diễn ra mạnh và lan nhanh sang những nước còn lại ở EU, do giới đầu tư mất niềm tin vào EU. Trong ngắn hạn, đầu tư vào Anh có thể giảm, tuy nhiên nếu đạt được thỏa thuận với EU, Anh có thể tiếp nhận một lượng đầu tư lớn từ nước ngoài trong dài hạn.
Ngoài ra, trái phiếu chính phủ (TPCP) của Anh cũng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực do bất ổn kinh tế gia tăng, làm tăng chi phí đi vay. Điều này có thể khiến một số cơ quan đánh giá tín dụng phải đánh giá lại tình trạng của TPCP Anh và giảm xếp hạng tín nhiệm đối với loại trái phiếu này. Thậm chí ngay cả khi các cơ quan đánh giá tín dụng không giảm xếp hạng tín nhiệm, Brexit cũng sẽ khiến các nhà đầu tư lo ngại và giảm đầu tư vào loại hình trái phiếu này. Khoảng 25% thị trường TPCP tại Anh do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ và có thể dễ dàng tìm kiếm các cơ hội đầu tư sinh lời nhiều hơn, ít rủi ro hơn hoặc chuyển các khoản đầu tư này sang các nước khác trên thị trường quốc tế khi họ tin rằng việc rời EU sẽ đem lại những hậu quả tiêu cực trong trung và dài hạn cho kinh tế Anh.
Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Anh đã sử dụng mô hình kinh tế lượng (NIGEM) để đánh giá tác động của Brexit tới nền kinh tế nước này với các giả định: (i) Quan hệ thương mại của Anh với EU giảm và rào cản thuế tăng nhẹ; (ii) Dòng vốn FDI giảm, đặc biệt là FDI trong lĩnh vực dịch vụ; (iii) Đóng góp về ngân sách của Anh vào EU giảm. Mô hình sẽ dự báo những tác động của Brexit tới nền kinh tế Anh theo ba kịch bản:
Kịch bản 1 (Kịch bản Norway): Anh sẽ vẫn là thành viên của khu vực kinh tế châu Âu (EEA) và có quyền tiếp cận các dịch vụ tài chính của EEA thông qua giấy thông hành. Đây là kịch bản sẽ đem lại những kết quả thuận lợi nhất cho nước Anh sau sự kiện Brexit. Trong trường hợp này, so với kịch bản cơ sở (Anh ở lại EU), GDP của Anh dự kiến giảm 1,5 - 2,1% vào năm 2030; tiền lương thực cho các hộ dân sẽ giảm 2,2 - 3,2%; tiêu thụ sẽ giảm 2,4 - 3,3%, trong khi tổng vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm 0,6 - 0,7%. Những tác động lớn đối với tiền lương và tiêu dùng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến các điều kiện trao đổi thương mại trong dài hạn. Tuy nhiên, là thành viên của EEA (tương tự như Na Uy) cũng đi kèm nhiều điều kiện như chấp nhận tự do di chuyển và tự do lưu thông hàng hóa, tiếp tục đóng góp vào ngân sách chung của EU với tỷ lệ không nhỏ hơn nhiều mức đóng góp ở kịch bản cơ sở. Do vậy, đây không phải là một kịch bản thuận lợi đối với nước Anh hậu Brexit.
Kịch bản 2 (Kịch bản Switzerland): Anh sẽ có các hiệp định song phương với EU về tự do hóa thương mại hàng hóa, nhưng không có tự do hóa thương mại dịch vụ và các ngân hàng có trụ sở tại Anh không có quyền tiếp cận tự động đối với các thị trường của EEA thông qua giấy thông hành. Kết quả là, so với kịch bản cơ sở, Anh sẽ mất đi thị phần lớn đối với EU, dẫn tới sự giảm sút mạnh về thương mại, khoảng 13,3 - 17,4%; GDP giảm khoảng 1,9 - 2,3% vào năm 2030; tiền lương thực tế giảm 3,1 - 3,8% và tiêu dùng giảm 2,8 - 3,5%. Giống như kịch bản Norway, kịch bản Switzerland bao gồm việc chấp nhận nhiều quy định của EU như: Việc di chuyển lao động tự do, đóng góp vào ngân sách của EU... Tuy nhiên, rất khó xác định được việc này có gây ra sự kiểm soát về luật lệ lớn đối với nước Anh hay không và Anh có kiểm soát được tình trạng nhập cư hay không.
Kịch bản 3 (Kịch bản WTO): Phản ánh mối quan hệ “lỏng lẻo” nhất giữa Anh với EU khi Anh không có thương mại tự do với EU cả về thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ, không có giấy thông hành. Việc mất đi một thị phần lớn ở EU khiến tổng thương mại trong dài hạn của Anh giảm 20,7 - 29,2% so với kịch bản cơ sở; GDP năm 2030 giảm 2,7 - 3,7%; tác động mạnh hơn tới hộ gia đình với tiền lương thực tế giảm 4,6 - 6,3%, trong khi tiêu dùng giảm 4 - 5,4%. Mặc dù kịch bản này gây ra những thiệt hại lớn nhất cho nền kinh tế Anh, nhưng cũng sẽ tạo ra những lợi ích lớn nhất khi giảm thiểu các luật lệ. Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế đánh giá, nền kinh tế Anh ít bị luật lệ điều chỉnh nhất trong số các nước phát triển. Do vậy, việc xóa bỏ một số luật lệ giúp đem lại lợi ích cho nền kinh tế Anh hay không vẫn chưa được xác định rõ.
Kinh tế EU: Hậu Brexit, EU sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất do nền kinh tế Anh chiếm tới 1/6 GDP của EU và 10% kim ngạch xuất khẩu của EU là thị trường Anh, trong khi một nửa kim ngạch xuất khẩu của Anh được xuất sang thị trường EU3. Quan trọng hơn, phần lớn các nước còn lại của EU đều duy trì thặng dư thương mại với Anh4. Do vậy, khi Brexit xảy ra, quy mô kinh tế của EU giảm đáng kể và thương mại giữa Anh với các nước còn lại của EU cũng sụt giảm do rào cản thương mại tăng. Các nước còn lại trong EU khó có khả năng duy trì thặng dư thương mại với Anh như trước đây, gây ảnh hưởng tới cán cân thương mại và tăng trưởng kinh tế nội địa, giảm dự trữ ngoại hối cũng như khả năng chống đỡ của nền kinh tế trước các cú sốc kinh tế từ bên ngoài.
Điều đặc biệt nghiêm trọng là Brexit có thể tạo ra tiền lệ xấu, khiến xứ Wales hay Scotland, vốn là khu vực có tỷ lệ ủng hộ EU rất cao, sẽ tiến hành trưng cầu ý dân để tách khỏi Vương quốc Anh. Một viễn cảnh tồi tệ hơn nữa là các nước Đức, Pháp, Tây Ban Nha... cũng có khả năng tách khỏi EU sau khi phe ủng hộ rời EU tại Anh giành chiến thắng, từ đó đẩy liên minh này đứng trước nguy cơ tan rã. Sau cuộc trưng cầu dân ý tại Anh, lãnh đạo phe cánh tả Pháp Marine Le Pen ngay lập tức kêu gọi tất cả các nước EU làm theo Anh, trong khi các nghị sĩ Hà Lan, Đan Mạch và Thụy Điển cũng lên tiếng kêu gọi trưng cầu dân ý tại quốc gia mình. Chủ tịch EU Donald Tusk cảnh báo, ảnh hưởng từ Brexit có thể dẫn tới "sự hủy diệt không chỉ đối với EU mà còn với văn minh chính trị phương Tây". Nếu EU tan rã, tác động của nó tới kinh tế toàn cầu sẽ rất nghiêm trọng, có thể sẽ nhấn chìm nền kinh tế thế giới trong một cơn khủng hoảng mới với mức độ tàn phá mạnh hơn cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra tại Hoa Kỳ vào nửa cuối năm 2007.
Brexit là cú giáng mạnh vào liên minh kinh tế chính trị lớn nhất thế giới hiện nay với gần nửa tỷ người. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 về việc Anh chọn lựa ra đi khỏi EU không chỉ là một sự thay đổi lớn về kinh tế, mà còn là một cuộc cách mạng về chiến lược và địa chính trị ở EU. Người Anh đang phản ứng trước một cuộc khủng hoảng châu Âu về cơ cấu và không chỉ đơn thuần bắt nguồn từ thương mại, mà còn có căn nguyên về địa chính trị và chiến lược.
Các nền kinh tế lớn trên thế giới: Nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ chịu nhiều thiệt hại từ quan hệ thương mại và đầu tư với Anh. Năm 2015, Anh là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ, lượng hàng hóa Hoa Kỳ xuất khẩu sang Anh đạt 56 tỷ USD và nhập khẩu từ Anh là 58 tỷ USD. Mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất của Hoa Kỳ là máy bay và động cơ máy bay, trong khi Hoa Kỳ nhập khẩu từ Anh nhiều nhất là xe con và xe tải. Brexit khiến đồng bảng Anh mất giá, đồng thời đẩy đồng USD lên giá, làm suy yếu khả năng xuất khẩu của Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ là nhà đầu tư lớn nhất tại Anh với tổng vốn FDI hiện lên tới 588 tỷ USD trong nhiều lĩnh vực từ ngân hàng, chế tác tới bất động sản. Nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ coi Anh là cửa ngõ để tiếp cận thị trường tự do của 28 nước thành viên EU. Năm 2014, FDI của Hoa Kỳ vào EU chiếm khoảng 56,5% tổng FDI của nước này trên toàn cầu (khoảng 2,8 nghìn tỷ USD). Do vậy, Brexit sẽ làm suy giảm khả năng tiếp cận thị trường EU, giảm doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp Hoa Kỳ, buộc nhiều doanh nghiệp phải rời Anh để sang các nước EU khác.
Đối với kinh tế Nhật Bản, Brexit sẽ tác động tiêu cực tới các nguồn đầu tư của nước này tại Anh khi hiện có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đặt trụ sở tại Anh và có khoảng 1.000 công ty Nhật Bản đang hoạt động tại nước này. Đồng thời, Brexit khiến đồng yên tăng giá mạnh, gây tác động lớn đến nền kinh tế Nhật Bản hiện nay cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến những chính sách cải tổ kinh tế quan trọng mà thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã và đang thực hiện.
Mặc dù quan hệ thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc và Anh không lớn, nhưng với EU lại rất lớn. Trong ngắn hạn, nền kinh tế đang gặp khó khăn của Trung Quốc sẽ phải chịu những tác động nhất định từ “cơn địa chấn” đang làm chao đảo EU - đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc5, do thị trường châu Âu bị thu hẹp, kém ổn định; người tiêu dùng gặp khó khăn tài chính và những điều chỉnh chính sách bắt buộc cả ở tầm quốc gia và khu vực. Không những thế, trong bối cảnh quan hệ kinh tế Trung - Anh phát triển mạnh mẽ, việc nước Anh ở lại EU sẽ giúp Trung Quốc có tiếng nói ủng hộ lớn trong thiết lập Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương Trung Quốc - EU. Tuy nhiên xét về dài hạn, Brexit dường như sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế và chính trị cho Trung Quốc khi châu Âu không chỉ đánh mất cơ hội tham gia vào việc định hình trật tự thế giới mới đang thay đổi mạnh mẽ, mà còn bị giảm vị thế khi so sánh với Trung Quốc. Bên cạnh đó, sự thống nhất cao về các vấn đề thương mại quốc tế giữa Anh và EU trong thời gian qua là điều bất lợi với Trung Quốc khi ngành sản xuất thép ở Anh bị thiệt hại nghiêm trọng, do thép nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc là yếu tố kích hoạt làn sóng tăng mức áp thuế đối với thép Trung Quốc trên quy mô toàn châu Âu.
1.2. Tác động của Brexit đến các lĩnh vực của thế giới
Thị trường tài chính
Thực tế diễn ra các cuộc khủng hoảng nợ công và khủng hoảng tài chính tiền tệ đã cho thấy, những cú sốc tài chính ở một nước sẽ lan nhanh sang các nền kinh tế khác. Ngay sau Brexit, các thị trường tài chính thế giới đã tiến hành đánh giá lại triển vọng kinh tế Anh. Trong ngắn hạn, Brexit sẽ ngay lập tức làm suy giảm niềm tin của các hộ gia đình và nhà đầu tư, dẫn đến tình trạng ngưng trệ tức thì của các quyết định chi tiêu.
Đồng thời, việc suy giảm niềm tin cũng ngay lập tức ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán. Cổ phiếu giảm điểm trên hầu hết các thị trường chứng khoán lớn toàn cầu và mất 2.100 tỷ USD chỉ trong ngày 24/6. Đặc biệt tại thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, sự kiện Brexit đã gây ra làn sóng bán tháo mạnh nhất trong 10 tháng qua, với đà giảm mạnh trong phiên 24/6 của hai chỉ số công nghiệp Dow Jones và S&P 500, cùng sự nới rộng mức giảm của chỉ số Nasdaq. Tuy nhiên, các thị trường tài chính đã có dấu hiệu bình ổn trở lại khi mối lo ngại về Brexit lắng dịu. Đáng chú ý, trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6 và kết thúc quý II/2016, giá cổ phiếu các ngành tài chính và công nghệ đồng loạt tăng mạnh trở lại.
Bên cạnh đó, Brexit làm gia tăng chênh lệch lãi suất doanh nghiệp khiến thị trường tài chính của Anh nói riêng và toàn cầu nói chung sẽ có biến động mạnh trong ngắn hạn. Theo dõi Chỉ số chính sách kinh tế không chắc chắn (EPUI)6 của Anh và mức chênh lệch lãi suất trái phiếu doanh nghiệp có thể thấy, EPUI đã tăng mạnh lên 1.736,09 điểm vào ngày 27/6/2016 - mức cao nhất trong hơn 15 năm qua, khiến chênh lệch lãi suất trái phiếu các doanh nghiệp bất ngờ tăng cao. Tính không chắc chắn của các chính sách trong dài hạn sẽ kéo theo giá tài sản giảm, tính thanh khoản của tín dụng ngân hàng giảm và chi phí của khu vực tư nhân gia tăng.
Trong dài hạn, Brexit sẽ khiến kinh tế Anh ngày càng rủi ro hơn, làm các nhà đầu tư chuyển từ đầu tư TPCP Anh sang các tài sản an toàn hơn như TPCP Hoa Kỳ hay Đức, kéo theo lãi suất TPCP các nước này giảm. Chính sách tiền tệ của các nước và khu vực trên thế giới cũng chịu ảnh hưởng khi Brexit là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) trì hoãn tăng lãi suất và có thể kéo dài đến hết năm 2016. Trong khi đó tại châu Âu, lo ngại về tăng trưởng kinh tế suy yếu và lạm phát của Eurozone, cũng như những rủi ro chính trị liên quan đến Brexit khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải áp dụng các biện pháp nới lỏng tiền tệ tích cực như cắt giảm lãi suất, tăng cường mua trái phiếu của các thành viên và cấp vốn vay giá rẻ cho các ngân hàng. Tại các khu vực khác, việc đồng tiền bản địa tăng giá so với đồng bảng Anh làm hàng hóa xuất khẩu trở nên kém cạnh tranh có thể khiến ngân hàng trung ương các nước phải thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng để hạn chế đà tăng giá của đồng nội tệ.
Hội nhập quốc tế
Với những tác động tiêu cực lên các lĩnh vực tài chính, thương mại và sự dịch chuyển lao động, Brexit đánh dấu một trở ngại lớn đối với toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Brexit được cho là sẽ đẩy nhanh quá trình trỗi dậy của quan điểm chính trị dân túy, phản đối tự do thương mại tại các nước châu Âu cũng như trên thế giới.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ Brexit có thể sẽ không lan nhanh như các cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng các tác động tiêu cực thì có thể dễ dàng nhận thấy khi những hiệp định thương mại, tài chính, các thoả thuận nhập cư thường rất phức tạp và không dễ dàng thương lượng lại nhanh chóng. Trong khi đó, nhiều giao dịch xuyên biên giới về hàng hoá, dịch vụ và tài sản tài chính diễn ra hằng ngày cũng bị hoãn, thậm chí dừng lại. Không những vậy, Brexit sẽ có những tác động mạnh tới thương mại thế giới. Tiến trình tự do hóa thương mại toàn cầu sẽ bị đẩy lùi do Anh không còn là một phần của EU và không được hưởng các quy chế thương mại tự do trong nội bộ EU cũng như giữa EU với các nước khác trên thế giới. Rào cản thương mại giữa Anh với các nước châu Âu khác sẽ tăng lên; giữa Anh với các nước khác trên thế giới cũng sẽ lưu chuyển chậm hơn do Anh không còn tham gia vào các FTA mà EU đã ký kết với các nước và khu vực khác. Việc nối lại đàm phán, ký kết hiệp định thương mại giữa Anh với EU cũng như với các nước khác sẽ mất rất nhiều thời gian. Ngoài ra, đồng bảng Anh mất giá sẽ khiến cho hàng hóa Anh rẻ hơn, xuất khẩu từ Anh sẽ cạnh tranh hơn so với các nước khác. Do vậy, hàng hóa xuất khẩu của các nước khác vào Anh sẽ kém cạnh tranh hơn.
Các dòng vốn đầu tư
Kinh tế Anh gặp nhiều rủi ro sẽ khiến dòng vốn đầu tư gián tiếp chuyển hướng từ thị trường Anh sang các nước khác có rủi ro thấp hơn, chủ yếu là các nước phát triển như Hoa Kỳ và Đức. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Anh sang các nước khác cũng sẽ giảm do những bất ổn trong nội bộ nền kinh tế nước này. Theo Monique Ebell và cộng sự (6/2016), giả định bi quan khi Anh không còn thỏa thuận thương mại tự do với EU, vốn FDI giữa Anh và EU sẽ giảm 24% so với phương án cơ sở (Anh vẫn còn thỏa thuận thương mại tự do với EU). Về trung và dài hạn, các công ty nước ngoài sẽ chuyển trụ sở từ Anh sang các nước EU khác do Anh mất quyền tiếp cận tự do đối với EEA.
Giá cả hàng hóa
Brexit sẽ khiến tâm lý bất an của các nhà đầu tư tăng cao, nhu cầu đối với các tài sản trú ẩn như đồng USD và vàng tăng cao khiến các mặt hàng cơ bản giảm giá. Trên thị trường kim loại cơ bản, giá các kim loại đồng loạt giảm, mạnh nhất là kẽm và thiếc; trên thị trường nông sản, giá ngũ cốc giảm ngay sau ngày 23/6 khi Brexit làm giảm nhu cầu của các nhà đầu tư. Đặc biệt, Brexit đã gây sức ép lên đà phục hồi của giá dầu trong những tháng qua khi giá giảm từ 50,11 USD/thùng trong ngày 24/6/2016 xuống 48,24 USD/thùng vào ngày 03/10/2016.
Trong khi đó, sự kiện Brexit ngay lập tức đẩy giá vàng tăng cao, do lo ngại rủi ro trên thị trường tài chính tiền tệ khiến các nhà đầu tư “đổ xô” vào vàng như một kênh trú ẩn an toàn. Sau 6 phiên tăng giá liên tiếp, đến ngày 06/7/2016, giá vàng thế giới đã đột ngột tăng lên 1.374,91 USD/ounce, mức cao nhất trong hai năm qua. Hãng tin Bloomberg nhận định, thị trường vàng sẽ nối dài đà đi lên trong thời gian tới, khi những bất ổn xung quanh Brexit vẫn còn và FED sẽ chưa vội tăng lãi suất trong tương lai gần. Bên cạnh đó, giá vàng cũng được hưởng lợi khi các nhà hoạch định chính sách trên thế giới sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ nhằm ứng phó với những tác động tiêu cực của Brexit. Tuy nhiên, theo người sáng lập OptionSellers.com James Cordier, các giao dịch vàng hiện nay dựa trên tâm lý “đám đông” nên khi “cơn sốt” hạ nhiệt, giá vàng thế giới sẽ giảm xuống khoảng 1.200 - 1.250 USD/ounce vào cuối năm 2016.
2. Tác động tới nền kinh tế Việt Nam
2.1. Tác động trực tiếp
Sự kiện Brexit sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực kinh tế Việt Nam qua các kênh thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, ảnh hưởng trực tiếp sẽ không quá lớn do quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với Anh vẫn ở mức khiêm tốn. Xuất khẩu của Việt Nam sang Anh chỉ chiếm khoảng 3% tổng giá trị xuất khẩu, trong khi đó nhập khẩu từ Anh nhỏ hơn 1% tổng giá trị nhập khẩu. Tuy nhiên, Anh là đối tác thương mại mà Việt Nam đang duy trì vị thế xuất siêu nên việc kinh tế Anh suy giảm sẽ ảnh hưởng xấu tới thương mại của Việt Nam. Trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam luôn duy trì mức xuất siêu vào nước này. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Anh đạt tăng trưởng kép (CAGR) gần 17% trong giai đoạn 2008 - 2015 và đạt mức kỷ lục 4,65 tỷ USD trong năm 2015, tương đương 15% giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã duy trì thặng dư thương mại với Anh ở mức 2,05 tỷ USD. Kinh tế Anh suy giảm sẽ kéo theo việc giảm nhu cầu đối với các loại hàng hóa của Việt Nam, làm giảm xuất khẩu và thặng dư thương mại. Đồng thời, đồng bảng Anh mất giá cũng sẽ khiến hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Anh kém cạnh tranh hơn. Tỷ trọng sản phẩm lớn nhất xuất khẩu sang Anh là điện thoại, máy tính, các linh kiện và thiết bị điện tử khác, dệt may, giầy dép, các sản phẩm gỗ nói chung… do vậy, các ngành hàng này sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất nếu Brexit xảy ra.
Bên cạnh đó, tính đến năm 2015, Anh có 222 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 4,437 tỷ USD và xếp thứ 15 trong tổng số 105 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Vốn đầu tư của Anh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực bất động sản và công nghệ chế biến7. Như vậy, Brexit xảy ra, tăng trưởng kinh tế Anh giảm sẽ kéo theo tiết kiệm và đầu tư giảm, ít nhiều ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư của Anh vào Việt Nam.
2.2. Tác động gián tiếp
2.2.1. Tác động tới kinh tế Việt Nam
Trên cơ sở mô hình NIGEM, khi Anh rời EU, với các giả định Anh không còn thỏa thuận thương mại tự do với EU (kịch bản WTO), Viện Nghiên cứu Kinh tế - xã hội Anh (NISER) giả định có 4 cú sốc có thể xảy ra: (i) Rào cản thuế suất giữa Anh và EU tăng8; (ii) Dòng vốn FDI từ Anh sang EU giảm9; (iii) Đóng góp về ngân sách của Anh vào EU giảm10; (iv) Thị phần xuất khẩu của Anh trong các nước thành viên EU giảm11.
Trên cơ sở sử dụng mô hình NIGEM, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (NCIF) dựa trên việc mô phỏng 4 cú sốc trên để đánh giá tác động của Brexit tới nền kinh tế Việt Nam. So với phương án không có cú sốc (Anh ở lại EU), tốc độ tăng trưởng kinh tế Anh sẽ suy giảm 0,5 điểm phần trăm vào năm 2018 (2 năm sau khi nước này hoàn tất các thủ tục rời khỏi EU theo Điều 50 của Hiệp ước Lisbon); tiếp tục giảm mạnh âm 1,7 điểm phần trăm vào năm 2019 và âm 1,8 điểm phần trăm năm 2020. Trong khi đó, đối với nền kinh tế châu Âu, kết quả của việc mô phỏng 4 cú sốc từ sự kiện Brexit lại cho thấy nền kinh tế EU suy giảm nhẹ so với phương án cơ sở. Theo đó, năm 2018, GDP của khu vực EU giảm 0,06 điểm phần trăm, 2019 là âm 0,3 điểm phần trăm.
Hình 1. Tác động của Brexit đến xuất khẩu của EU
Đơn vị: %

image

Nguồn: Tính toán của các tác giả theo mô hình NIGEM V3.16-a
Kết quả chạy 4 cú sốc do sự kiện Brexit tạo ra bằng mô hình NIGEM cho thấy, cú sốc suy giảm thị phần xuất khẩu của Anh trong EU có tác động tích cực đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. So với kịch bản cơ sở, xuất khẩu của Việt Nam tăng lần lượt 0,87 điểm phần trăm, 1,23 điểm phần trăm và 1,33 điểm phần trăm vào các năm 2018, 2019 và 2020. Các cú sốc còn lại gần như có tác động không đáng kể đến xuất khẩu Việt Nam trong năm 2018, tuy nhiên, các năm sau đó cú sốc thuế suất tăng sẽ khiến xuất khẩu của Việt Nam giảm nhẹ. Năm 2018, năm đầu tiên dự kiến Anh kết thúc thủ tục rời khỏi EU, dưới tác động tổng hợp của 4 cú sốc từ sự kiện Brexit, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng lên 0,8 điểm phần trăm so với kịch bản cơ sở.
Hình 2. Tác động của sự kiện Brexit đến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam
Đơn vị: %

image

Nguồn: Tính toán của các tác giả theo mô hình NIGEM V3.16-a
Như vậy, cú sốc suy giảm thị phần xuất khẩu của Anh vào EU có tác động tích cực tới xuất khẩu của Việt Nam, do xuất khẩu của Anh vào EU giảm sẽ được bù đắp bởi xuất khẩu của các nước khác vào EU, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, Brexit cũng sẽ có tác động tiêu cực đến tổng lượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Việc rào cản thương mại tăng giữa Anh và EU sẽ khiến trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai bên giảm sút, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế của cả Anh và EU, do vậy, tác động tiêu cực tới đầu tư của cả Anh và EU vào Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ tác động rất nhỏ với tổng đầu tư vào Việt Nam, trong năm 2018 suy giảm 0,03 điểm phần trăm, năm 2019 suy giảm 0,05 điểm phần trăm và năm 2020 suy giảm 0,04 điểm phần trăm so với phương án cơ sở.
Hình 3. Tác động của Brexit đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam
Đơn vị: %

image

Nguồn: Tính toán của các tác giả theo mô hình NIGEM V3.16-a
Việc đồng EUR, đồng bảng Anh và đồng nhân dân tệ mất giá do sự kiện Brexit sẽ khiến Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc ổn định tỷ giá và hàng xuất khẩu giảm tính cạnh tranh, nhưng sẽ làm giảm áp lực lên nợ nước ngoài của Việt Nam. Tuy nhiên, việc đồng bảng Anh mất giá cũng sẽ khiến cho đồng JPY tăng giá, tác động tiêu cực tới nợ nước ngoài của Việt Nam do một lượng lớn nợ nước ngoài của Việt Nam là đồng JPY12. Hai tác động này có tác động triệt tiêu lẫn nhau khiến cho tác động chung của sự kiện Brexit tới nợ nước ngoài của Việt Nam không quá lớn. Tác động tổng hợp của Brexit tới nợ nước ngoài của Việt Nam năm 2018 giảm khoảng 0,8 điểm phần trăm so với kịch bản cơ sở. Những năm sau đó, tổng nợ nước ngoài có xu hướng giảm mạnh hơn.
Hình 4. Tác động của Brexit đến tổng nợ nước ngoài của Việt Nam
Đơn vị: %

image

Nguồn: Tính toán của các tác giả theo mô hình NIGEM V3.16-a
Nhìn chung, tác động của việc Anh rời khỏi EU đến kinh tế Việt Nam không lớn và điều này cũng được thể hiện trong kết quả của mô hình NIGEM về tác động của Brexit đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung hạn, mức độ tác động rất thấp, chỉ là 0,09 điểm phần trăm trong năm 2018, sau đó tăng lên 0,16 điểm phần trăm và 0,21 điểm phần trăm trong các năm 2019 và 2020 (tác động tích cực). Xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng và tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế, trong khi dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ giảm do sự suy yếu của kinh tế châu Âu.
Hình 5. Tác động của Brexit đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Đơn vị: %

image

Nguồn: Tính toán của các tác giả theo mô hình NIGEM V3.16-a
Tuy nhiên, các cú sốc chưa tính đến nguy cơ khủng hoảng ngân hàng và khủng hoảng tài chính có thể xảy ra nếu khu vực ngân hàng của châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề sau sự kiện Brexit. Nếu khủng hoảng tài chính xảy ra, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng lớn, khu vực châu Âu sẽ chìm sâu vào suy thoái và do vậy tác động không nhỏ tới thương mại và dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.
2.2.2. Tác động tới quan hệ kinh tế Việt Nam - EU
Trong ngắn hạn, Brexit sẽ chưa có nhiều tác động tới quan hệ kinh tế Việt Nam - EU, do trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, Anh chiếm tỷ trọng không lớn. Hiện vốn FDI của Anh vào Việt Nam đạt 4,2 tỷ USD, chiếm 1,5% tổng vốn đăng ký FDI vào Việt Nam và ½ đầu tư FDI của Anh vào Việt Nam chủ yếu là bất động sản. Đối với thương mại, trong 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam - Anh chỉ chiếm hơn 1% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam. Vì vậy, dù Anh rời EU, Anh không tham gia vào các cơ chế FTA giữa Việt Nam và EU, thì thị trường Anh cũng không có nhiều tác động tiêu cực đối với kinh tế Việt Nam
Tuy nhiên, việc Anh rời EU cũng sẽ làm chậm lại tiến trình tự do hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, do vậy ảnh hưởng tới quá trình hội nhập của nền kinh tế Việt Nam. Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức kết thúc đàm phán vào ngày 02/12/2015 và văn bản hiệp định đã được công bố ngày 01/02/2016. Hiện nay, Việt Nam và EU đang nỗ lực hoàn tất quá trình phê chuẩn để EVFTA có hiệu lực vào năm 2018. Brexit có thể sẽ khiến cho việc ký kế Hiệp định này bị ảnh hưởng. Hơn nữa, sau khi chính thức kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU, Việt Nam nhiều khả năng sẽ phải đàm phán hiệp định thương mại tự do song phương với Anh nếu như Anh chính thức rời EU.
EU là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Việt Nam, do vậy việc Anh rời EU sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động thương mại và đầu tư giữa hai bên. Trao đổi thương mại hai chiều tăng mạnh, từ 4,5 tỷ USD năm 2001 lên đến 2014 36,8 tỷ USD năm 2014, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang EU 27,9 tỷ USD và nhập khẩu từ EU 8,9 tỷ USD. Năm 2014, EU trở thành thị trường xuất khẩu thứ hai của Việt Nam (sau khi để Hoa Kỳ vượt hơn khoảng 500 triệu USD), với các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là thuộc lĩnh vực tiêu dùng như điện thoại và linh kiện, máy tính, sản phẩm điện tử, hàng dệt may, giầy dép các loại, cà phê, đồ gỗ gia dụng, hàng thủy sản. Trong khi đó, các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ EU chủ yếu là các sản phẩm công nghệ cao, máy móc thiết bị, dược phẩm, hóa chất, ô tô, xe máy,... Hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU có tính bổ sung cho nhau khá cao, hứa hẹn còn nhiều tiềm năng cho mỗi bên. Trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam luôn ở vị thế xuất siêu với EU13. EU cũng là đối tác đầu tư quan trọng của Việt Nam, là nhà đầu tư lớn thứ 6 tại Việt Nam năm 2014 và lớn thứ 3 năm 2015. Tính đến tháng 4/2016, có 1.809 dự án từ 24 quốc gia thuộc EU còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 23,16 tỷ USD, chiếm 8,7% số dự án của cả nước và chiếm 8% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.
Do vậy, trong trung hạn, xuất khẩu của Việt Nam sang EU dự báo sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực do thị trường EU bị thu hẹp và tăng trưởng kinh tế tại các nước EU còn lại suy giảm. Đầu tư từ EU sang Việt Nam dự báo cũng yếu đi do tiềm lực tài chính của các nước EU suy yếu khi Anh rời khỏi khối. Việt Nam cũng khó có thể trở thành địa điểm đầu tư thay thế khi các nhà đầu tư EU chuyển hướng đầu tư ra khỏi Anh, do sự khác biệt lớn giữa kinh tế Việt Nam với nền kinh tế Anh. Những tác động tiêu cực này sẽ làm giảm bớt những tác động tích cực mà EVFTA dự báo sẽ mang lại cho mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với EU.
Như vậy, tác động của Brexit tới quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Anh không lớn, song giữa Việt Nam và EU là đáng kể, đặc biệt, tác động gián tiếp của Brexit tới kinh tế thế giới tương đối lớn và cần được quan tâm. Brexit có thể khiến EU tan rã, nền kinh tế toàn cầu nói chung và các nền kinh tế dẫn dắt đà tăng trưởng của kinh tế thế giới nói riêng suy giảm, khiến nhu cầu hàng hóa dịch vụ suy giảm và nguy cơ xảy ra chiến tranh tiền tệ. Dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ suy giảm so với kịch bản Anh không rời EU, do nền kinh tế EU suy giảm, khiến dòng vốn FDI của EU vào Việt Nam giảm và dòng vốn FDI toàn cầu bị gián đoạn bởi sự kiện Brexit. Tuy nhiên, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nhóm hàng tiêu dùng nên dù kinh tế các nước có suy giảm thì cầu về hàng hóa của họ đối với nhóm hàng này cũng không bị ảnh hưởng mạnh. Nguồn vốn FDI của Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ chuyển hướng sang Việt Nam thay vì Anh hay EU để hưởng những ưu đãi do TPP mang lại.
Tài liệu tham khảo
1. Monique Ebell, Ian Hurst, James Warren, NIESR, Modelling the Long - Run Economic Impact of Leaving the European Union, 6/2016.
2. OECD Economic Policy Paper, The Economic Consequences of Brexit: A Taxing Decision, 4/2016, No.16.
3. UK Parliament, HM Treasury Analysis, The Longterm Economic Impacts of EU Membership and the Alternatives, 4/2016.
4. UK Parliament, HM Treasury Analysis, The Immediate Economic Impact of Leaving the EU, 5/2016.
*1 Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
*2 Nghiên cứu viên Ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
*3 Theo Global Counsel 2015, Brexit: The Impact on the UK and the EU, June 2016.
*4 Năm 2013, thâm hụt thương mại của Anh với phần còn lại của EU là 66 tỷ EUR, tương đương 0,6% GDP của EU27.
*5 Năm 2015, xuất khẩu của Trung Quốc sang EU là 356 tỷ USD, đưa EU trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Trung Quốc.
*6 Economic Policy Uncertainty Index.
*7 Đầu tư của Anh vào bất động sản nhiều nhất với 8 dự án, với tổng vốn đăng ký 2,06 tỷ USD; đứng thứ hai là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 79 dự án, tổng vốn đăng ký 1,37 tỷ USD... Hiện các thương hiệu lớn của Anh như: Dầu khí BP, nhôm BHP Billiton, Rolls- Royce, Vodafone, vận tải P&O, GlaxoSmithKline, các ngân hàng HSBC, Standard Chartered, bảo hiểm Prudential... đã có các khoản đầu tư tại Việt Nam.
*8 Khi Anh không còn thỏa thuận thương mại tự do với EU, các rào cản thuế suất giữa hai bên sẽ tăng lên, thuế suất nhập khẩu trung bình theo quy tắc Tối huệ quốc MFN là 9%. Mức thuế suất áp dụng cho thương mại dịch vụ của Anh và EU trong cú sốc này là 5%.
*9 Ramasary và Yeung (2010) ước tính khi Brexit, dòng vốn FDI từ Anh sang EU sẽ giảm 24%, do vậy, áp dụng mức giảm 24% cho cú sốc này.
*10 Dựa trên ước tính của Webb and Keep (2016) và Ebell and Warren (2016), mức đóng góp ngân sách ròng ở cả hai khu vực tư nhân và Chính phủ của Anh vào EU được áp dụng là 0,3%.
*11 Theo Baier et al (2008), khi Brexit, suy giảm thị phần xuất khẩu hàng hóa của Anh trong EU sẽ trong khoảng 50 - 56%, dịch vụ là 43%. Mức suy giảm thị phần của hàng hóa và dịch vụ được áp dụng cho cú sốc này là 50%.
*12 Trong cấu trúc nợ công của Việt Nam, nợ bằng đồng JPY thường chiếm 38%, USD chiếm 25%, EUR 15%, còn lại là các đồng tiền khác, xem thêm tại website http://baonhat.com/tam-su/yen-nhat-tang-gia-khong-ngung-noi-lo-no-cong-de-nang-len-nen-kinh-te-viet-nam.html.
*13 Mức xuất siêu của Việt Nam với EU trong 4 năm trở lại đây lần lượt là 7,8 tỷ USD, 13, 25 tỷ USD, 19 tỷ USD và 15,9 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm 2015, chỉ số xuất siêu của Việt Nam đã hơn 14,4 tỷ USD.
Nguồn:TS. Lương Văn Khôi1, NCS. Trần Thị Thu Hà2/mof.gov.vn