Chủ tịch nước đã nghe báo cáo của lãnh đạo Bộ Công Thương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cùng những kiến nghị, đề xuất của một số đại biểu doanh nghiệp về các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) trong thời gian tới, trong đó chú trọng vào đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường vai trò của các cơ quan đại diện thương mại, ứng dụng công nghệ trong quản lý, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu...
Phát biểu tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Những năm qua, việc thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng, Nhà nước đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào việc mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và doanh nghiệp, sản phẩm của doanh nghiệp; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...
Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, đang thực hiện lộ trình Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC); tham gia, ký kết và đàm phán 15 FTA thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam-EU và Hiệp đinh đối tác toàn diện khu vực (RCEP).
Thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những thành tích, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vào những thành tựu chung của đất nước.
Chủ tịch nước nêu rõ, trước những khó khăn, thách thức do khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới và những khó khăn nội tại của nền kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu vươn lên, phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội, từng bước nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa chất lượng cao, giá thành hợp lý, cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, làm ra nhiều của cải cho xã hội, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp cho ngân sách, góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chỉ rõ, hội nhập quốc tế và tham gia các FTA thế hệ mới với mức độ tự do hóa sâu, phạm vi rộng với các đối tác thương mại hàng đầu thế giới đã mở ra không gian phát triển mới cho nền kinh tế Việt Nam, đồng thời cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức.
Nhiệm vụ đặt ra cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam rất nặng nề, đòi hỏi phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về hội nhập quốc tế, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về hội nhập quốc tế...
Trên tinh thần này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các bộ, ngành, địa phương chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức về yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, các cơ hội và thách thức, nhiệm vụ trọng yếu khi tham gia các FTA thế hệ mới trong từng ngành, từng lĩnh vực để tạo sự thống nhất về nhận thức, tạo sức mạnh tổng hợp trong quá trình hội nhập.
Nhiệm vụ của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân là xây dựng được chương trình hành động cụ thể, chú trọng vào chiến lược sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường dài hạn, phát huy nội lực và lợi thế so sánh, tranh thủ ngoại lực, nguồn vốn, công nghệ mới, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ để khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị, các bộ, ngành chức năng, cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cần chủ động xây dựng và thực hiện các biện pháp bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước; đẩy mạnh việc tham gia các thể chế thương mại-tài chính-tiền tệ khu vực và toàn cầu; xây dựng đội ngũ doanh nhân có tinh thần dân tộc, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, có đủ năng lực, trình độ để tham gia tích cực vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu...

Nguồn: Đức Dũng/Vietnamplus.vn