Biên độ giao động mạnh
Niên vụ cà phê 2015-2016 kết thúc với đợt đảo chiều tăng nhẹ vào cuối niên vụ. Không như những niên vụ trước, giá cà phê trong nước niên vụ vừa qua luôn ở mức ảm đạm, giá bình quân là 35.223 đồng/kg, giảm 8,1% so với niên vụ 2014-2015. Trong đó, giá thu mua cao nhất là 42.000 đồng/kg vào ngày 30-9-2016 và thấp nhất 29.000 đồng/kg vào ngày 27-2-2016. Không chỉ vậy, giá cà phê không còn tăng vào cuối niên vụ nên việc tích trữ cà phê của các doanh nghiệp (DN), đại lý, người trồng không đem lại lợi nhuận như trước mà lại khiến người găm hàng thua lỗ, bởi nông dân đa phần thiếu vốn sản xuất, phải huy động từ các nguồn khác hoặc vay ngân hàng hay mua nợ vật tư có tính lãi và thường trả vào cuối vụ thu hoạch. Còn DN năng lực lại hạn chế, cùng với sự hội nhập ngày càng sâu rộng nên DN nước ngoài có nhân lực năng động, khả năng tài chính tốt cạnh tranh mua bán và đang thâu tóm thị trường khiến DN Việt lại càng khó khăn hơn.

ban-ca-phe-nhu-the-nao-cho-hieu-qua

Nông dân xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột thu hoạch cà phê
Bước vào niên vụ 2016-2017, giá cà phê thế giới tăng mạnh kéo giá cà phê trong nước lên trên dưới 43.000 đồng/tấn đã thổi luồng gió mới cho ngành cà phê. Tuy nhiên, giá cả thị trường biến động mạnh, lên xuống liên tục khiến nông dân đắn đo, khó bán. Ông Nguyễn Hải Nam, nông dân trồng cà phê huyện Cư M’gar chia sẻ, niên vụ trước gia đình tích trữ cà phê chờ cuối vụ tăng giá mới bán, nhưng giá không được như kỳ vọng, năm nay hạn nặng, chi phí đầu tư tăng nên gia đình có ý định bán sớm. Thế nhưng khi thu hái về thì giá ở mốc 43.000 đồng/kg đến khi xay xát phơi phóng xong thành cà phê nhân, có thể bán để trang trải cuộc sống thì giá lại giảm còn 42.000 đồng/kg. Vài ngày sau đó, giá cà phê lại lên 43.500 đồng/kg, do đó việc bán sao cho có lợi vẫn là vấn đề khó hiện nay.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) chia sẻ: “Chỉ sau một đêm, người kinh doanh, nông dân trồng cà phê có thể lãi thêm 500.000 đồng/tấn và cũng có thể mất số tiền tương đương, chưa bao giờ ngành nghề kinh doanh cà phê lại có tính mạo hiểm như niên vụ này”.
Bán khi có nhu cầu
Theo quy luật thị trường, khi cầu nhiều hơn cung thì giá sẽ tăng và ngược lại, nhưng thực tế của ngành cà phê lại không đơn giản như vậy. Giá cà phê hiện chịu tác động của các yếu tố khác như biến đổi khí hậu, thị trường hối đoái, chính sách tiền tệ của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, Brazil… Sự tác động của các quốc gia tiêu thụ, sản xuất cà phê lớn trên thế giới đã khiến giá cà phê quốc tế trồi sụt theo chiều hướng khó đoán.

ban-ca-phe-nhu-the-nao-cho-hieu-qua

Mô hình sản xuất cà phê chế biến chất lượng cao của người dân liên kết với Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu cà phê 2-9 tại Krông Năng
Mặt khác, việc giao dịch mua bán cà phê khống (mua trên giấy hay còn gọi là cà phê giấy) của các đầu mối trung gian trên các sàn giao dịch ngày càng tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá cà phê trên thị trường thực tế. Theo phân tích của các chuyên gia, chính việc mua bán thông qua các sàn giao dịch đang làm lũng đoạn thị trường cà phê thời gian qua, bởi các đầu mối trung gian trên các sàn giao dịch không có cà phê nhưng vẫn mua bán cà phê, thao túng thị trường. Còn bản thân người sản xuất, DN buôn bán cà phê, có sẵn cà phê trong tay vẫn chưa tiếp cận được với đối tượng mua cà phê thật sự – các nhà rang xay mà phải thông qua các nhà đầu cơ.

ban-ca-phe-nhu-the-nao-cho-hieu-qua

Nông dân huyện Krông Pắk thu hoạch cà phê

Ông Lê Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu cà phê 2-9 cho biết, giá cà phê trên các sàn giao dịch biến động liên tục trong từng giây, từng phút, do đó người kinh doanh phải bám sát từ khi sàn mở cửa 16h30 đến 0h30 phút sáng hôm sau và đưa ra quyết định chốt bán khi nhận thấy được giá. Sau thời gian chốt bán, giá cà phê giảm thì mình lời, còn tăng lên đành chấp nhận. Để làm chủ được tài sản của mình, người dân không nên ồ ạt bán ra hay ồ ạt găm hàng dự trữ mà cần bán đều để giữ giá chung, tránh tình trạng khan hiếm cà phê ảo do nguồn cung thiếu ổn định, đồng thời tạo điều kiện cho các DN xuất khẩu tìm đủ lượng hàng giao cho các đối tác. Còn các DN nhỏ cần hoàn thành sớm các đơn hàng của mình cho đối tác để nhanh chóng quay vòng vốn, tìm kiếm những đơn hàng tiếp theo.

Theo dự báo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), niên vụ cà phê 2015-2016 lượng cà phê Robusta tồn kho liên tục giảm từ 3,37 triệu bao xuống còn 2,32 triệu bao (giảm 31,2% so với đầu niên vụ) và giảm còn 2,28 triệu bao đầu niên vụ 2016-2017, do đó lượng cà phê giao dịch trên thị trường niên vụ này sẽ nhiều hơn, mở ra kỳ vọng mới cho các quốc gia sản xuất, xuất khẩu cà phê.

Nguồn: Baodaklak.vn