Bộ Công Thương luôn đồng hành, hỗ trợ nông dân trong cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, từ đó nâng cao hiệu quả tiêu thụ nông sản.
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại trực tiếp với nông dân Việt Nam, với chủ đề "Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững" diễn ra chiều 30/12, các vấn đề gồm: Kết nối đầu ra cho nông sản lên sàn thương mại điện tử trong và nước ngoài; hỗ trợ trong cung cấp thông tin thị trường; xây dựng thương hiệu,... được các nông dân đặt ra với Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng.
Về vấn đề này, ở góc độ ngành Công Thương, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Thứ trưởng Bộ Công Thương – cho biết, hiện thương mại điện tử chiếm tỷ trọng 10% trong tổng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ của cả nước, và còn nhiều dư địa để phát triển.
Đáng chú ý, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, việc ứng dụng công nghệ số của bà con nông dân là giải pháp để tiêu thụ nông sản, đem lại giá trị cao không chỉ tại thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra thế giới.
Nhấn mạnh sàn thương mại điện tử là giải pháp để nông sản, sản phẩm OCOP, nông sản địa phương có thể đến gần hơn và nhanh hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước nhưng Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng đưa ra những lưu ý với bà con về những tiêu chuẩn, yêu cầu về chất lượng, mẫu mã hàng hóa,… mà các sàn thương mại điện tử đặt ra. Đặc biệt là các sàn thương mại điện tử quốc tế đòi hỏi những yêu cầu, tiêu chuẩn cao hơn.
Bộ Công Thương đã và sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các sàn thương mại điện tử để hỗ trợ tập huấn, đào tạo cho bà con về quy trình, cách thức đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử. Ngoài học lý thuyết, bà con nông dân còn thực hành trực tiếp, khởi tạo các chương trình bán hàng.
Với việc tiếp cận các sàn thương mại điện tử quốc tế, hiện Bộ Công Thương đã thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Chương trình này đã hỗ trợ được hàng chục doanh nghiệp, với gần 10.000 sản phẩm được bán trên sàn thương mại điện tử Amazon, Alibaba…
Về vấn đề hỗ trợ nông dân trong công tác nắm bắt thông tin thị trường trong nước và xuất khẩu để từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ nông sản, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, Bộ Công Thương thực hiện các nhiệm vụ gồm: Xây dựng chính sách, thể chế; kết nối cung cầu; phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác xúc tiến thương mại, đào tạo tập huấn, nâng cao nhận biết, giải quyết khó khăn của bà con khi gặp sự cố bất lợi tại thị trường trong và ngoài nước,…
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030. Trong đó, đã đưa ra những chương trình, dự án cụ thể như: Kênh tiêu thụ nông sản theo chuỗi liên kết bền vững; truy xuất nguồn gốc nông sản; bản đồ số hóa sản xuất nông sản kết nối các điểm bán hàng, bán sản phẩm đến với thị trường; xây dựng dự án về kho dự trữ; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng, kinh nghiệm kinh doanh nông sản,...
Đặc biệt, Bộ đã và đang tăng cường triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", trong đó, chú trọng hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho hàng nông sản để tạo thuận lợi cho tiêu thụ.
“Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, trong đó có vai trò của Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành trong việc tổ chức nhiều các hoạt động tại địa bàn để vừa cung cấp, trao đổi thông tin, vừa quảng bá, kết nối thu mua, tiêu thụ các sản phẩm”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chia sẻ.
Về vấn đề thông tin thị trường trong nước và quốc tế, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, Bộ Công Thương đã cung cấp đầy đủ, minh bạch thông qua trang web và các kênh thương vụ để bà con nông dân có thể tiếp cận, nắm bắt.
Với các thông tin bất lợi có thể xảy ra, ví dụ như với các sản phẩm tôm, cá,… bị các nước áp dụng các hàng rào kỹ thuật, áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, Bộ Công Thương đã thiết lập kênh thông tin cảnh báo sớm để bà con có thông tin, nắm rõ.
“Hiện nay, với xu thế nông nghiệp xanh, các nước phát triển đã dựng lên các hàng rào kỹ thuật, thậm chí tiêu chuẩn kép” , Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đặt vấn đề và lưu ý đến bà con nông dân.
Về xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, việc xây đã khó nhưng bảo vệ thương hiệu còn khó hơn. Vấn đề quan tâm nhất hiện nay chính là các câu chuyện sản phẩm, do đó, đề nghị bà con nông dân kết hợp giữa giá trị văn hóa, truyền thống,… để gây dựng các câu chuyện sản phẩm của mình. Còn để xây dựng thương hiệu lớn phải có sự liên kết và đồng hành của các doanh nghiệp.

Nguồn: Nguyễn Hạnh/Congthuong.vn