Tuy nhiên, từng doanh nghiệp “tự bơi” thì khó có cái nhìn tổng quan cũng như đảm bảo điều kiện để đáp ứng yêu cầu của thị trường và các nhà bán lẻ nước ngoài. Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo - Tập huấn "Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các mạng lưới phân phối nước ngoài" do Bộ Công Thương tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, ngày 13/7.
*Liên kết trực tiếp
Trước thực trạng, hàng hóa của Việt Nam tuy xuất khẩu khắp nơi trên thế giới nhưng phổ biến là phải thông qua trung gian hoặc các nhà nhập khẩu chuyên nghiệp và tỷ lệ xuất khẩu trực tiếp cho các mạng lưới phân phối trong các ngành hàng chủ lực của Việt Nam ( đồ gỗ, dệt may, da giày…) chiếm tỷ lệ rất thấp cả về số lượng và giá trị kim ngạch, Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đang triển khai trong thời gian gần đây.
Theo đó, Bộ Công Thương đã và đang đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp Việt với các nhà bán lẻ nước ngoài; trong đó phối hợp với các Tập đoàn phân phối nước ngoài, gồm: Central Group (Thái Lan), AEON (Nhật Bản), Auchan (Pháp)... triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các mạng phân phối nước ngoài.
Cụ thể, Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan triển khai nâng cao năng lực xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam thông qua tập huấn về quy trình quản lý, tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, thủ tục xuất nhập khẩu vào thị trường nước ngoài của các nhà bán lẻ. Đặc biệt, cung cấp thông tin và kết nối doanh nghiệp với các nhà phân phối, nhằm tìm kiếm cơ hội trở thành nhà cung cấp lâu dài và bền vững.
Đề án của Bộ Công Thươnghướng tới việc phát triển từ lợi ích của cả hai phía, trong đó các doanh nghiệp trực tiếp tham gia mạng phân phối nắm bắt tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng, tiếp cận phương thức quản lý chất lượng tiên tiến đảm bảo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cho các nhà bán lẻ hàng đầu thế giới và có điều kiện phát triển thương hiệu.
Riêng với các chuỗi phân phối việc tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp Việt Nam giúp phát triển đa dạng thêm nguồn hàng, kiểm soát tốt hơn chất lượng hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng nông – lâm – thủy sản cần quản lý chất lượng tận gốc. Thêm vào đó, cả doanh nghiệp và nhà bán lẻ đều có lợi về giá thông qua giảm chi phí trung gian.
Tuy nhiên, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, số lượng doanh nghiệp tham gia Đề án là rất lớn nhưng chỉ những doanh nghiệp định hướng sản xuất kinh doanh bài bản, quyết tâm xây dựng những mô hình phát triển bền vững mới có thể đáp ứng được yêu cầu và thâm nhập thành công vào mạng lưới phân phối của các nhà bán lẻ nước ngoài. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cần tham gia Đề án với sự quyết tâm cao mới tạo nên làn sóng thay đổi và cải tiến hoạt động sản xuất kinh doanh để hội nhập hiệu quả vào thị trường thương mại tự do.
Đồng quan điểm này, đại diện các sở ngành cho rằng: Giới thiệu hàng hóa vào hệ thống phân phối nước ngoài tại thị trường nội địa cần được xác định là kênh xúc tiến, tiếp thị quan trọng để thúc đẩy hàng Việt ra thị trường nước ngoài. Song song đó, sản phẩm có mẫu mã đẹp, giá thành cạnh tranh, năng lực tài chính của doanh nghiệp tốt… thì cũng chưa đủ để doanh nghiệp chinh phục thị trường, mà cần hiểu rõ về quy trình và tiêu chí vào các hệ thống phân phối nước ngoài.
* Cải tổ hoạt động sản xuất
Từ khi thị trường phân phối tại Việt Nam bắt đầu được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và gia nhập với các nhà đầu tư như Metro (Đức), Bourbon (Pháp)… đã mang lại cơ hội cho doanh Việt Nam bắt đầu tiếp cận trực tiếp để bán hàng vào các hệ thống phân phối của nước ngoài tại Việt Nam.
Đánh giá tầm quan trọng của hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam qua hệ thống phân phối nước ngoài, bà Cao Thị Phi Vân- Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, tính từ đầu năm 2018 đến nay, ITPC đã hỗ trợ hơn 30 doanh nghiệp Việt Nam đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị AEON Việt Nam.
Trong đó, ITPC đảm bảo vai trò sàng lọc, lựa chọn bước đầu dựa trên hệ thống tiêu chí kỹ thuật do AEON cung cấp. Đặc biệt, thông qua sự giới thiệu của ITPC, các doanh nghiệp sẽ kết nối trực tiếp với các phụ trách thu mua của hệ thống siêu thị AEON và có được kết quả nhanh chóng.
Mặt khác, ITPC và AEON Việt Nam còn tổ chức Chương trình Triển lãm Tuần lễ sản phẩm doanh nghiệp Việt tại AEON Tân Phú. Chương trình này, không chỉ thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng đến tham quan và dùng thử sản phẩm, mà còn mang lại cơ hội quảng bá sản phẩm mới trước khi đưa sản phẩm lên kệ hệ thống siêu thị và bán ra thị trường.
Nỗ lực đồng hành cùng nhà cung cấp phát triển thị trường, ông Paul Le, Phó Chủ tịch Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Xúc tiến Thương mại Công ty Central Group Việt Nam cho hay: Big C đã triển khai Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu về kênh thương mại hiện đại, khuyến khích và mở rộng thị trường kinh doanh. Tham gia chương trình này, các doanh nghiệp được tập huấn kiến thức, đa dạng nguồn hàng, hỗ trợ vận chuyển hàng hóa và hưởng chính sách ưu đãi về tài chính.
Đặc biệt, liên tiếp trong hai năm vừa qua, Central Group Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan để mở ra cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt. Ngoài ra, thông qua việc trưng bày và giới thiệu sản phẩm Việt đến người tiêu dùng Thái, xây dựng mối quan hệ đối tác và đối thoại trực tiếp với các bộ phận thu mua của Central Group Thái Lan, doanh nghiệp Việt Nam được tăng năng lực tiếp cận thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đánh giá cao và tích cực hưởng ứng xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài và xem Đề án là một trong những công cụ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trực tiếp và tăng giá trị gia tăng. Tuy nhiên, việc tiếp cận các hệ thống phân phối nước ngoài hiện đại, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Lâm San, hàng hoá Việt nam có thứ hạng cao về sản lượng trên thị trường xuất khẩu, nhưng khó khăn hiện nay là đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều hay ít hoạt động kết nối cũng quan trọng nhưng vấn đề then chốt hơn vẫn là sau kết nối doanh nghiệp nắm bắt yêu cầu của hệ thống phân phối và tổ chức cải tổ hoạt động sản xuất như thế nào để đạt được tiêu chuẩn với chiến lược dài hạn.
"Đặc biệt, doanh nghiệp nên thoát khỏi quy trình truyền thống là sản xuất rồi kiếm thị trường thì sẽ vướng tiêu chuẩn và nên tham gia sâu vào chuỗi giá trị để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu nhà bán lẻ và người tiêu dùng", ông Nguyễn Ngọc Luân chia sẻ.