Chiều 28/10, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) tổ chức Hội nghị công bố Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia của Việt Nam theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tham gia hội nghị có đại diện các tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và Hàn Quốc; đại diện các sở khoa học và công nghệ các tỉnh, thành phố trên cả nước, các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho biết Việt Nam và Hàn Quốc là hai quốc gia có mối quan hệ hợp tác hết sức tốt đẹp. Sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đến nay hai quốc gia đã thiết lập và tham gia nhiều cơ chế hợp tác song phương và đa phương.
Những năm qua, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc luôn được hai bên quan tâm, thể hiện thông qua Bản ghi nhớ giữa Cơ quan sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) và Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam ký năm 2018; Dự án “Thiết kế Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia Việt Nam” do Cục Sở hữu trí tuệ đề xuất đã được Hiệp hội xúc tiến sáng chế Hàn Quốc và Cơ quan sở hữu trí tuệ Hàn Quốc tài trợ.
Việc xây dựng thành công Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia Việt Nam sẽ giúp nhà nhập khẩu và người tiêu dùng định vị được sản phẩm mang tính đại diện cho Việt Nam, khiến họ yên tâm về xuất xứ, chất lượng sản phẩm.
Việc xây dựng thành công Biểu trưng cũng giúp các tổ chức quản lý kiểm soát được số lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường, giúp các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ dễ dàng phát hiện được các hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý.
Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia Việt Nam sẽ trở thành một dấu hiệu quan trọng để các cơ quan và tổ chức hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài, tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang phát biểu khai mạc. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Nói về sự cần thiết xây dựng Biểu trưng, bà Lê Minh Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế, cho biết thực trạng thiếu Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia khiến các cơ quan quản lý nhà nước gặp khó khăn trong kiểm soát dấu hiệu, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Doanh nghiệp cũng khó khăn trong quảng bá, giới thiệu về chỉ dẫn địa lý; người tiêu dùng gặp khó khăn để nhận diện các sản phẩm được bảo hộ.
Do vậy, mục tiêu xây dựng Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia của Việt Nam sẽ nhằm tăng cường hiệu quả bảo hộ, duy trì quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý; thúc đẩy hoạt động sản xuất, thương mại và tiêu dùng đối với sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý; góp phần bảo vệ, bảo tồn văn hóa và tri thức truyền thống của Việt Nam.
Chia sẻ kế hoạch phát triển các sản phẩm chỉ dẫn địa lý quốc gia một số nước, bà Choi Yujin, Giám đốc chi nhánh Công ty Tư vấn thiết kế BIMPlans tại Hà Nội, cho biết ở Nhật Bản, quản lý chỉ dẫn địa lý các sản phẩm có biểu trưng là quốc kỳ Nhật Bản, với thiết kế đẹp, dễ nhìn; trong đó tập trung vào các chủ đề như: Nông nghiệp, chế biến thức ăn, thức ăn gia súc.
Chỉ dẫn địa lý ở Nhật Bản có nguyên lý liên kết giữa các vùng miền với nhau. Ở Thái Lan cũng quan tâm sự kết nối các khu vực, vùng miền với nhau nên tiết kiệm rất nhiều chi phí, biểu trưng tập trung chủ yếu vào các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp và thủ công.
“Còn ở Việt Nam, chính sách quản lý giữa các địa phương, trung ương và nhà sản xuất chưa có sự phối hợp chặt chẽ, vì thế trong tương lai để phát triển chỉ dẫn địa lý ra thị trường nước ngoài, Việt Nam cần đăng lý nhãn hiệu nước ngoài thông qua hệ thống Madrid; bổ sung sắp xếp giữa các chỉ dẫn địa lý quốc gia với chỉ dẫn địa lý của địa phương; đặc biệt cần có lộ trình để phát triển văn hóa truyền thống Việt Nam,” bà Choi Yujin nhấn mạnh.
Tại hội nghị, các đại biểu 2 quốc gia cũng trao đổi và thảo luận về một số nội dung như: Công bố Quyết định phê duyệt Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia của Việt Nam; quá trình xây dựng Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia của Việt Nam; thực tiễn quản lý chỉ dẫn địa lý trong nước và kinh nghiệm quản lý chỉ dẫn địa lý của nước ngoài; định hướng quản lý Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia của Việt Nam.../.