Cung - cầu bất cân xứng: Hàng triệu tấn nông thủy sản tại Nam Bộ và Tây Nguyên cần kết nối tiêu thụ

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại đầu cầu Hà Nội. (Ảnh: NNO)

Cung - cầu bất cân xứng
Tại Hội nghị trực tuyến Kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021 do Bộ Công Thương tổ chức chiều 6/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn số liệu thống kê của các Tổ công tác tiền phương về lượng hàng hóa nông sản, thủy sản và sản phẩm chăn nuôi cần được hỗ trợ tiêu thụ tại 26 tỉnh, thành phố phía Nam, miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc lên tới gần 5 triệu tấn lúa; 3,7 triệu tấn rau, củ quả; hơn 4 triệu tấn các loại trái cây; khoảng 120.000 tấn hải sản; 80.000 tấn lợn hơi; 600.000 tấn thịt gà và khoảng 400 triệu quả trứng…
Cho rằng số lượng nông sản trên là rất lớn, người đứng đầu Bộ Công Thương yêu cầu cần sớm tìm ra đầu ra cho nông sản ở các tỉnh, thành này.
Nêu cụ thể về những khó khăn của địa phương, đại diện một số tỉnh Nam Bộ và Tây Nguyên nhấn mạnh tình trạng cung - cầu nông - thủy sản và sản phẩm chăn nuôi bất cân xứng do thiếu lao động thu hoạch, chế biến, vận chuyển lưu thông gặp khó trong bối cảnh các địa phương có dịch siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhu cầu tiêu thụ giảm do ảnh hưởng của dịch.
Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, phần lớn nông sản của Long An cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh. Khi các tỉnh thực hiện giãn cách và dừng hoạt động các chợ, nhất là các chợ đầu mối của TP Hồ Chí Minh, tất cả chợ truyền thống của tỉnh dừng hoạt động đã ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ.
Các địa phương, kể cả trong nội tỉnh thực hiện các biện pháp phòng dịch không thống nhất dù đã có hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là trong khâu lưu thông hàng hóa không thống nhất, rất nhiều văn bản chỉ đạo,… nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, tình hình xuất khẩu một số mặt hàng nông sản, nhất là gạo, thanh long, chanh của tỉnh không thuận lợi.
Thêm vào đó, việc sản xuất 3 tại chỗ, các quy định về phòng dịch làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp dừng sản xuất kinh doanh, trong khi một số nông sản của tỉnh như gạo, thanh long, chanh, tôm... đang vào vụ thu hoạch rộ cần kết nối tiêu thụ sớm.
Đề cập những thách thức của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chia sẻ, việc thực hiện phòng, chống dịch và giãn cách xã hội đã khiến doanh nghiệp phải tăng chi phí sản xuất như chi phí thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”, giảm công nhân, giảm công suất nhà máy, thời gian vận chuyển hàng xuất khẩu kéo dài, hàng hoá nằm chờ tại các cảng chậm xuất khẩu do thiếu tàu, thiếu container rỗng, cước phí tàu tăng gấp nhiều lần so trước đây. Ngoài ra, số lượng hàng hoá tham gia kết nối tiêu thụ chưa nhiều.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.
Theo ông Lê Văn Sử, tỉnh Cà Mau hiện có 4 doanh nghiệp đăng ký cần kết nối xuất khẩu hàng thuỷ sản với sản lượng hơn 1.300 tấn tôm chế biến, 6,5 tấn tôm nguyên liệu thô, 1.200 tấn chả cá... Trong khi đó, hơn 40 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần kết nối tiêu thụ trong nước các mặt hàng nông sản. Cụ thể, các DN, các cơ sở cần tìm đầu ra cho 1.400 tấn gạo, 1 tấn dưa bồn bồn/ngày, 10 tấn tôm tươi/ngày, 1 tấn cua/ngày, cá biển 600 tấn, mực tươi 55 tấn, khô cá biển các loại 10 tấn/ngày, bánh phồng tôm 2 tấn/ngày, nước mắm 350.000 lít...
Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc cho rằng, đại dịch COVID-19 lan rộng ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước khiến việc sản xuất chế biến, lưu thông tiêu thụ, kinh doanh xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản của tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề. Hiện Đắc Lắc đang vào vụ thu hoạch bơ với sản lượng trên 80.000 tấn, sầu riêng với sản lượng trên 100.000 tấn và một số cây ăn quả khác.
Cần nhanh chóng kết nối tiêu thụ hàng nông sản
Đại diện lãnh đạo các tỉnh miền Nam và Tây Nguyên bày tỏ, mặc dù tỉnh đã rất quyết liệt triển khai các giải pháp nhưng việc tiêu thụ sản phẩm nông sản của bà con vẫn gặp rất nhiều khó khăn, cần sự chung tay hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước cũng như sự quan tâm của các nhà phân phối, các nhà nhập khẩu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An kiến nghị Bộ Công Thương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên hỗ trợ thực hiện phòng dịch, tạo thuận lợi trong thu hoạch, vận chuyển, lưu thông của các doanh nghiệp mua nông sản, nhất là mặt hàng lúa đang vào vụ thu hoạch rộ như tiêm vaccine cho các lực lượng lao động thu hoạch, vận chuyển, lao động tại các doanh nghiệp nông sản.
Trong khi đó, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau khẳng định, hiện nay một số tỉnh, thành phố đang thiếu hàng hóa, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, trong khi những tỉnh khác đang gặp khó khăn trong tiêu thụ.
"Tôi xin đề nghị các tỉnh, thành phố cần có sự phối hợp, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của nhau, trước mắt để giải quyết vấn đề nêu trên. Theo đó, đề nghị mỗi tỉnh cử ra một đầu mối để liên hệ với nhau kết nối vấn đề tiêu thụ sản phẩm như: Rà soát, xác định danh mục, sản lượng dự kiến các loại sản phẩm hàng hóa nông, lâm thủy sản cần bán, cần mua; đồng thời tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước ở các địa phương", ông Sử kiến nghị.

Các địa phương có chung nhu cầu được hỗ trợ kết nối tiêu thụ.
Ông Sử đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành Trung ương xem xét và có ý kiến chỉ đạo giải quyết tháo gỡ vấn đề thiếu container đi các tuyến, chậm vận chuyển container hàng hoá xuất khẩu và giảm giá cước vận chuyển tàu biển trở lại như trước tháng 11/2020.
Ngoài những kiến nghị liên quan đến nhu cầu kết nối tiêu thụ để hỗ trợ bà con nông dân và doanh nghiệp, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp, hỗ trợ đẩy mạnh phân phối sản phẩm nông sản của Đắk Lắk qua “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” trên các sàn thương mại điện tử để đưa sản phẩm nông sản hướng tới một kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững trên nền tảng số, kết nối bán hàng trực tuyến với các kênh bán hàng trong và ngoài nước.
Các địa phương không được đặt ra quy định riêng để cản trở lưu thông hàng hóa
Tại hội nghị, đại diện một số hệ thống phân phối lớn cho biết đã và đang phối hợp chặt chẽ với Liên minh hợp tác xã tại các tỉnh, thành để hỗ trợ, phân phối các mặt hàng nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi không tiêu thụ được do ảnh hưởng do dịch bệnh.
Đơn cử, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ Sendo cho rằng, với tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Sendo cam kết luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể đang sản xuất và kinh doanh nông sản và thủy sản trên cả nước nói chung và tại các tỉnh khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên nói riêng, trong việc hỗ trợ phân phối, tiêu thụ trên nền tảng thương mại điện tử.
"Chúng tôi cam kết hỗ trợ 1:1 đối với các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh mới gia nhập trên Sendo trong thời gian đầu để tư vấn mở cửa hàng và đăng bán sản phẩm trên Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia và Nông Nghiệp Số. Bên cạnh đó, Sendo cũng sẽ hỗ trợ miễn phí vận chuyển, truyền thông quảng cáo cũng như các cách thức duy trì kinh doanh dài hạn trên Sendo", ông Việt nói.

Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ Sendo.
Trong chiến lược dài hạn, Sendo vẫn sẽ tiếp tục đi trên con đường này để có thể tiếp cận được sâu và rộng nhất đến các doanh nghiệp, các HTX và cả hộ nông dân trên cả nước lên sàn thương mại điện tử Sendo, qua đó sẽ góp một phần phần giúp thương mại điện tử phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương đánh giá tình hình nông sản đến kỳ thu hoạch, xây dựng kế hoạch thu hoạch, sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ và rà soát, chuẩn bị kỹ điều kiện cho mùa sản xuất tiếp theo. Thứ trưởng yêu cầu chính quyền các tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho các nhà máy chế biến, bến cảng được hoạt động, vừa chống dịch vừa không làm đứt gãy chuỗi sản xuất.
Trong khi đó, Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh, trước mắt, cần có những giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề tiêu thụ cho bà con các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên. Theo đó, Bộ trưởng đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát, nắm chắt chủng loại sản phẩm cần tiêu thụ và có phương án tiêu thụ tại chỗ, số lượng còn lại kết nối qua các sở, các tổ công tác của 2 Bộ để được tư vấn, hỗ trợ và xúc tiến tiêu thụ.
Cho rằng, dịch bệnh diễn biến phức tạp và còn kéo dài, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, phải xác định thị trường trong nước hiện giờ là quan trọng nhất, sau đó tập trung vào các thị trường xuất khẩu truyền thống rồi mở rộng ra các thị trường mới.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu kết luận hội nghị.
Với việc lưu thông hàng hóa giữa các địa phương gặp khó khăn do công tác chống dịch áp dụng các quy định không giống nhau, làm cản trở quá trình lưu thông hàng hóa, Bộ trưởng Diên nhấn mạnh, các địa phương dứt khoát không được đặt quy định riêng gây cản trở lưu thông hàng hóa, đặc biệt là nông sản.
Về phía các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, bằng mọi cách phải duy trì được hoạt động của các chợ đầu mối, chợ truyền thống và siêu thị, cửa hàng tiện ích vì đây là hệ thống thiết yếu trong chuỗi cung ứng, đóng vai trò phục vụ đời sống nhân dân.
"Với những khó khăn của các địa phương hiện nay, Bộ Công Thương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cam kết hỗ trợ tối đa, giải quyết một cách nhanh chóng trong thẩm quyền của mình. Trường hợp vượt thẩm quyền, chúng tôi sẽ trao đổi với các bộ, ngành và kiến nghị Chính phủ để quan tâm giải quyết sớm nhất", người đứng đầu Bộ Công Thương khẳng định.

Nguồn: doanhnghiepvn.vn/Nguyệt Minh