Tín hiệu tích cực
Hiện doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam xuất khẩu sang 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2023 là một năm khó khăn với ngành gỗ khi nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, EU giảm mạnh, dẫn đến các đơn hàng sụt giảm, nhiều doanh nghiệp (DN) phải thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí phải đóng cửa.

Xuất khẩu gỗ tháng đầu năm 2024 có nhiều tín hiệu tích cực. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Xuất khẩu gỗ tháng đầu năm 2024 có nhiều tín hiệu tích cực. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Tuy nhiên, cuối tháng 12/2023 và đầu tháng 1/2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 1/2024, gỗ và sản phẩm gỗ là mặt hàng duy nhất có kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD, chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp. Cụ thể, tháng 1/2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1,4 tỷ USD, tăng 4,6% so với tháng 12/2023.
“Đây là tín hiệu tốt để các DN củng cố niềm tin, tự tin hơn khi đối diện với những khó khăn thách thức hiện nay. Chúng ta có quyền hy vọng trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt được mục tiêu đề ra 17,5 tỷ USD”, ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại TP.HCM (VCCI HCM) nói.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, mặc dù Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới nhưng cũng mới chỉ xuất khẩu trung bình trên 16 tỷ USD/năm. Trong khi đó, quy mô thị trường đồ gỗ, nội thất thế giới lên tới 200 tỷ USD. Tiềm năng mở rộng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn.
Ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ cho rằng, DN ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ có cơ hội bứt phá trong năm 2024 khi dấu hiệu lạm phát ở Mỹ - thị trường nhập khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam đã bớt gay gắt hơn. Mặt khác, hàng tồn kho ở nước này được tích lũy tới nay đã bán gần hết và họ sẽ quay trở lại đặt hàng trong năm 2024, đặc biệt từ quý 3 sẽ là mùa làm ăn của đồ gỗ.
Đến xưởng sản xuất của Công ty TNHH Đức Hiệp tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương vào tuần thứ hai sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chúng tôi thấy không khí nơi đây nhộn nhịp hẳn lên. 150 công nhân đã quay trở lại làm việc, ai nấy đều bắt tay vào công việc của mình để chuẩn bị cho những đơn hàng đi Mỹ.
Ông Lê Hà Trọng Châu, Trưởng bộ phận sản xuất Công ty TNHH Đức Hiệp cho biết, DN đã có đơn hàng đến tháng 6 năm nay. Với những diễn biến của thị trường, DN cũng có nhiều giải pháp như đầu tư máy móc hiện đại nhằm giảm chi phí nhân công, giữ khách hàng truyền thống và tìm kiếm những khách hàng mới. "Hiện mỗi tháng chúng tôi xuất 10-15 container ghế sofa sang thị trường Mỹ. Dự kiến doanh thu năm nay tăng trưởng từ 20-30%", ông Châu chia sẻ.
Ông Điền Quang Hiệp, Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2 (Mifaco) nhìn nhận, mặc dù tình hình kinh tế thế giới khó khăn, lượng đơn hàng chung trên thế giới giảm sút, nhưng DN Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng. DN xuất khẩu có nhiều cơ hội khi Việt Nam là đối tác toàn diện với Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga. Đây là cơ hội lớn khi tham gia thị trường xuất khẩu để dễ dàng tiếp cận với các nhà nhập khẩu quốc tế.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, nhiều DN đã thông báo tín hiệu vui khi có đơn hàng đến hết tháng 6/2024, có DN đã có đơn hàng đến hết năm.
Kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực sản xuất
Xung đột chiến tranh, chi phí vận chuyển, logistics tăng vọt, số container rỗng khan hiếm làm giá cước tăng lên trên 200%, thời gian vận chuyển kéo dài... tạo áp lực lên các DN. "Cái khó ló cái khôn", đây chính là cơ hội để DN tự nâng cao năng lực quản trị của mình, thích nghi với những biến động khó lường của nền kinh tế thế giới. Từ đó, đưa ra những chiến lược điều chỉnh sản xuất kinh doanh linh hoạt.
Theo ông Trần Quốc Mạnh, ghi nhận đã có nhiều DN phối hợp với khách hàng nước ngoài tạo ra những mẫu mã mới mang thương hiệu của chính mình để chiếm lĩnh thị trường mục tiêu. Đây là bước đi mạnh dạn, linh hoạt.
"Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các DN nếu không nhanh chóng chuyển đổi ngay từ xưởng sản xuất của mình cho tới khâu tiếp thị, xúc tiến thương mại ra thị trường nước ngoài và tạo nên các sản phẩm phù hợp với các điều kiện của từng thị trường thì rất khó có thể trụ vững", ông Mạnh nói và phân tích thêm, hiện nay các đơn hàng, hợp đồng xuất khẩu không còn lớn như trước đây, thay vào đó là các đơn hàng nhỏ lẻ, khách hàng yêu cầu làm hàng mẫu nhiều hơn để chào hàng. Vì vậy, DN phải kiên trì.
Đơn cử như Công ty CP Phát triển Sản xuất thương mại Sài Gòn (Sadaco) hiện nay, 30% là làm hàng mẫu, còn lại 70% công suất của nhà máy là làm hàng cung ứng cho khách hàng.
Để thích ứng với bối cảnh hiện nay, ông Điền Quang Hiệp, Tổng giám đốc Mifaco cho biết, DN xác định, năm 2024 là năm tiếp tục khó khăn. Do đó, bài toán đặt ra hiện nay là kiện toàn bộ máy. “Đây là lúc chúng ta vận động anh em công nhân cùng đoàn kết, chung tay, đào tạo để làm đúng ngay từ đầu, trong sản xuất ít sai nhất, giảm chi phí thấp nhất... từ đó giúp DN quản trị sản xuất một cách hiệu quả. Tạo tiền đề năng suất lao động cao hơn, tính cạnh tranh tốt hơn với các DN trên thế giới. Khi đó, cơ hội thị trường sẽ xuất hiện trở lại", ông Hiệp tự tin nói.
Mở rộng thị trường
Theo các DN, năm 2024, việc xuất khẩu sẽ tiếp tục khó khăn, nhất là thị trường châu Âu, Mỹ. Để hỗ trợ các DN gỗ, nội thất chủ động tìm kiếm đơn hàng, tìm kiếm các kênh có thể bán và xuất khẩu hàng ra thế giới, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, các Hiệp hội, tổ chức đã có nhiều giải pháp hỗ trợ các DN nhằm xúc tiến thương mại. Trong đó, việc tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước là một trong những giải pháp được nhiều DN lựa chọn trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Nhiều nhà mua hàng quốc tế đến hội chợ VIFA EXPO 2024. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nhiều nhà mua hàng quốc tế đến hội chợ VIFA EXPO 2024. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Tổng giám đốc Mifaco Điền Quang Hiệp cho rằng, trong điều kiện khó khăn chung, ngoài việc củng cố thị trường truyền thống, thì việc tiếp tục tham gia hội chợ để tìm kiếm cơ hội, mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại, cho dù nhỏ lẻ thì buộc các DN sản xuất cần tham gia một cách tích cực. "Mặc dù chi phí có thể tăng, nhưng trong điều kiện hiện nay, đối với một đơn vị sản xuất thì yếu tố quan trọng nhất là phải "mở cửa", sau đó mới nói tới câu chuyện hoạt động hiệu quả. Đồng thời, tăng cường đa dạng hóa các kênh bán hàng từ truyền thống và phi truyền thống", ông Hiệp nói.
Từ ngày 26-29/2, tại Công viên phần mềm Quang Trung (quận 12) sẽ diễn ra Hội chợ Quốc tế Đồ gỗ Mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam lần thứ 15 (VIFA EXPO 2024), thu hút 3.500 lượt người đăng ký tham gia đến từ 83 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp gỗ, nội thất Việt Nam mở rộng vòng kết nối, giới thiệu quảng bá sản phẩm, mở rộng khách hàng và thị trường mới.
Ngoài ra, từ ngày 6-9/3 tại SECC (quận 7) sẽ diễn ra Hội chợ Xuất Khẩu Đồ gỗ & Nội thất TP.HCM (HawaExpo 2024), dự kiến chào đón 10.000-12.000 khách quốc tế tham quan và đặt hàng. Đây là hội chợ xuất khẩu ngành gỗ duy nhất của Việt Nam được tổ chức trong tháng 3/2024 liên kết với chuỗi hội chợ ngành gỗ các nước khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc. Hội chợ chú trọng giới thiệu các nhà sản xuất và nguồn cung ứng ngành Nội thất & Mỹ Nghệ tại Việt Nam sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua hàng trên toàn thế giới.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, các thị trường xuất khẩu lớn ngày càng có các quy định chặt chẽ hơn về tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm như quy định chống phá rừng của EU. Đặc biệt, các yêu cầu về mức phát thải carbon thấp trong các hoạt động của toàn chuỗi cung ứng nhằm đạt mục tiêu net zero ngày càng tăng.
Do vậy, việc chuyển đổi xanh của doanh nghiệp ngành gỗ là việc cấp bách. Năm 2027, hàng hóa xuất khẩu vào EU và Hoa Kỳ phải đáp ứng các tiêu chuẩn giảm phát thải nhà kính và sẽ kiểm soát đánh giá hàm lượng carbon trong sản phẩm nhập khẩu.
Ngành gỗ hướng tới mục tiêu phát triển nguyên liệu đảm bảo hợp pháp, nhằm thực hiện các cam kết và hành động vì mục tiêu net zero vào năm 2050 của Chính phủ tại Hội nghị COP26. Bên cạnh các yêu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn, việc sử dụng gỗ hợp pháp, đặc biệt gỗ có chứng chỉ là hướng phát triển bền vững, lâu dài của ngành gỗ Việt Nam. Do đó, các DN phải nắm bắt cơ hội, thay đổi để thích ứng.

Nguồn: Nguyễn Thủy - Thanh Sơn/Báo Nông nghiệp Việt Nam