Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang là một vấn đề nhức nhối được toàn xã hội quan tâm, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng. Để quản lý tốt vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Công Thương phối hợp với Sở Y tế và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội tăng cường quản lý, thanh kiểm tra, kiểm soát chất lượng an toàn thực vệ sinh thực phẩm; truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; nâng cao hiệu quả của các trạm kiểm soát thú y, gia súc gia cầm...

Theo Sở Công Thương Hà Nội, thành phố có khoảng 58.092 cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm lớn; có 3/6 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp đang hoạt động công suất đạt 12-20%; có 17 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm bán công nghiệp; có 4 khu giết mổ gia súc, gia cầm thủ công với lượng giết mổ 255,28 tấn thịt gia súc; 58,6 tấn thịt gia cầm... Việc phân phối rau an toàn (RAT) có 6 hình thức chính; trong đó, các siêu thị chiếm khoảng 1,5% sản lượng RAT; cửa hàng phân phối bán lẻ chiếm 1,5%; giao theo hợp đồng tới nhà hàng, bếp ăn, tập thể... chiếm 1,8% do các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp thực hiện. Hà Nội đang có 48 cơ sở sơ chế RAT cũng là 48 chuỗi tiêu thụ RAT theo liên kết dọc. RAT có tem, nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc được tiêu thụ qua 18 doanh nghiệp; 17 HTX cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ, điểm phân phối, siêu thị, bếp ăn tập thể với sản lượng gần 20.000 tấn/năm. RAT chưa có tem, nhãn nhận diện truy xuất nguồn gốc tiêu thụ tại các chợ, đầu mối, chợ dân sinh... với sản lượng hơn 370.000 tấn/năm.

Thực tế, chợ truyền thống vẫn là kênh phân phối thực phẩm tươi sống quan trọng nhất hiện nay bất chấp sự cạnh tranh mạnh mẽ của loại hình phân phối hiện đại là siêu thị. Hơn 80% người tiêu dùng vẫn mua thực phẩm tại các chợ truyền thống do thói quen tiêu dùng, sự tiện lợi, người mua có nhiều lựa chọn phù hợp với mức thu nhập, được mặc cả. Tuy nhiên, hàng hoá được phân phối tạo nhiều chợ dân sinh, nhất là các chợ tại các xã vùng sâu, vùng xa khó kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng, không bảo đẩm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều mặt hàng tươi sống không có bao bì, tem nhãn. Bên cạnh đó, còn tồn tại hàng trăm tụ điểm chợ cóc phát sinh phục vụ nhu cầu mua bán nông sản, thực phẩm thiết yếu hàng ngày tại các khu tập trung đông dân cư, lấn chiếm lòng đường vỉa hè... Ngoài ra, Hà Nội còn hàng nghìn cửa hàng, nhà hàng ăn uống từ bình dân đến cao cấp, hàng ngày cung cấp một lượng thức ăn rất lớn cho khách hàng. Phần lớn những cửa hàng ăn uống bình dân chưa đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để đưa được thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng, PGS.TS. Lê Đức Mạnh, Viện trưởng Viện Công nghiệp Thực phẩm đề nghị, các cơ quan có thẩm quyền rà soát lại các văn bản hiện hành, chỉnh sửa, ban hành đồng bộ và có tính khả quan cao để giúp công tác quản lý an toàn thực phẩm được thuận lợi. Các chế tài xử lý vi phạm cần phải cụ thể và theo hướng đủ sức răn đe. Về mặt tổ chức, phải xác định trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quản lý nhà nước, tránh hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm dẫn tới công tác quản lý lỏng lẻo, thiếu sâu sát. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực cho các cơ quản lý về cả con người và trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý an toàn thực phẩm. An toàn thực phẩm là vấn đề cần phải đặt ra thường xuyên, liên tục, vì vậy công tác kiểm tra giám sát cần được tăng cường.

Nguồn: TTXVN

Nguồn: TTXVN