Theo đại diện lãnh đạo Cục Chăn nuôi, các sản phẩm chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sản xuất trong nước đã vượt xa sức tiêu thụ của thị trường nội địa. Trong đó đặc biệt là mặt hàng thịt lợn đang đối mặt với những bất lợi rất lớn về thị trường. Giá lợn hơi loại tốt (khối lượng trung bình từ 100-110kg/con) đã xuống thấp dưới 28 nghìn đồng/kg, có nơi xuống dưới 25 nghìn đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo đánh giá, đây là mức giá giảm thấp nhất từ trước đến nay tại Việt Nam, và cũng là mức giá thấp nhất trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, có hai nguyên nhân chính khiến giá lợn giảm sâu. Thứ nhất là do cung lớn hơn cầu. Trong 15 năm qua, chăn nuôi trong nước đạt mức tăng trưởng cao. Như sữa tăng trưởng 15 lần, đạt 800.000 tấn; thịt các loại tăng hơn 3 lần, từ 1,8 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn; nuôi trồng thủy sản tăng 4,3 lần, từ 0,8 triệu tấn lên 3,6 triệu tấn… Thứ hai là nguyên nhân tổ chức ngành hàng chưa tốt. Cụ thể, trong tổ chức sản xuất, quy mô trang trại vừa và lớn chỉ chiếm 45%, còn 55% là quy mô hộ nhỏ lẻ. “Chúng ta có xấp xỉ 3 triệu hộ chăn nuôi lợn dẫn đến giá thành cao, rất khó kiểm soát chuỗi. Hầu hết sản xuất nhỏ nên tách rời các khâu: nuôi, chế biến, phân phối…khi thị trường có sự cố rủi ro như bây giờ rất thiệt thòi cho người chăn nuôi”, Bộ trưởng cho hay.
Trong khi đó, khâu chế chế biến sâu chỉ có ở các doanh nghiệp lớn. Khâu tiêu thụ sản phẩm vẫn theo cách truyền thống, chủ yếu giết mổ bán tươi. Còn khâu tổ chức thị trường cả khu vực nội địa và xuất khẩu ở ngành hàng này vẫn kém, chưa phát triển. Sản phẩm thịt lợn mới xuất đi một số ít thị trường với số lượng hạn chế. Mặt khác, sự liên kết của người chăn nuôi trong cả chuỗi không tốt.
Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNT có đề ra giải pháp gồm: tái cơ cấu ngành chăn nuôi lợn, giảm quy mô, tốc độ đến mức phù hợp nhất, giảm về số lượng, đặc biệt là lợn nái. Mặt khác, tập trung tổ chức lại ngành hàng sản xuất, mở rộng hình thức chăn nuôi tập trung. Đồng thời, Bộ cũng kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm.
Tại cuộc họp, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cho biết, ngay sau khi giá lợn giảm sâu, các doanh nghiệp đã có động thái giảm giá con giống và thức ăn chăn nuôi. Theo ông Phạm Văn Học, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam, giá thức ăn của doanh nghiệp đã giảm từ 5% đến 7% theo đó cũng giảm giá bán con giống. Trong thời điểm hiện nay, không tiếp tục tăng đàn nhưng sẽ áp dụng kỹ thuật để nâng cao năng suất chất lượng đàn lợn nái, và xem xét xây dựng nhà máy giết mổ lợn trong năm nay để nâng cao năng lực chế biến thực phẩm…
Đánh giá cao cam kết hỗ trợ ngành chăn nuôi của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, trước mắt cần giảm ngay các yếu tố đầu vào, hạ giá thành cám, giống, thuốc thú y…. Gỡ khó cho người chăn nuôi trong thời điểm hiện nay cũng chính là doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tự giúp mình, hướng đến phát triển bền vững.
“Lúc này bán hàng không phải lấy lãi. Đây cũng là cách mà doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm chia sẻ với người chăn nuôi. Sự chia sẻ này chính là cách nuôi dưỡng và duy trì sự bền vững của ngành hàng và đối tượng phục vụ của doanh nghiệp mà ở đây là người chăn nuôi”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Trước đó, để giải cứu ngành chăn nuôi do giá lợn giảm sâu, Bộ NN&PTNT cũng đã có văn bản kiến nghị Chính phủ tạm dừng tạm nhập, tái xuất thịt lợn. Đồng thời đề nghị các địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch chăn nuôi lợn nái, tiến tới giảm lượng lợn thương phẩm bởi đã xuất hiện tình trạng vượt quy hoạch ngành.

Nguồn: Nguyễn Hạnh/Báo Công Thương điện tử