Hội nghị khoảng 400 đại biểu tham dự gồm: Đại diện Văn phòng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban kinh tế quốc hội; Đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan; Đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân và Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố nuôi, trồng nông thủy sản trọng điểm như Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ; Tham tán thương mại Việt Nam tại Bắc Kinh, Trưởng đại diện Chi nhánh tại Nam Ninh, Quảng Châu, Côn Minh (Trung Quốc); Đại diện Lãnh đạo các Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực Thủy sản, Gạo, Rau quả, Chè, Sắn, Điều, Cà phê, Hồ tiêu, Cao su, Sữa…
Báo cáo tại hội nghị ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết: Hiện nay, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, với 1,4 tỷ dân. Đây là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới.
Trung Quốc luôn là thị trường quan trọng đối với nông thủy sản của Việt Nam. Trung Quốc hiện đang là thị trường đứng thứ nhất về cao su, rau quả, gạo, sắn; đứng thứ hai về hạt điều; đứng thứ ba về thủy sản; đứng thứ tư về chè; đứng thứ 12 về cà-phê…, đồng thời vẫn đang là thị trường tiềm năng đối với một số mặt hàng nông sản khác.
Với những lợi thế về địa lý, đa dạng sản phẩm của ta, cũng như cơ hội từ ưu đãi thuế quan, mở cửa thị trường khi Việt Nam đã tham gia ký kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (có hiệu lực từ năm 2010) thì xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới còn nhiều tiềm năng, dư địa tăng trưởng để phục vụ nhu cầu tiêu thụ rất lớn của thị trường này.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Trung Quốc hiện là đối tác lớn cả về kinh tế, thương mại, đầu tư của Việt Nam, tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu nông thủy sản của nước ta sang Trung Quốc vẫn tồn tại nhiều vấn đề, cần định hướng, tìm cách giải quyết để bảo đảm có sự hài hòa trong quan hệ song phương, còn nhiều khó khăn, thách thức do tập quán kinh doanh của ta còn dựa trên những yếu tố chưa chuyên nghiệp. Hiện nay chúng ta vẫn chủ yếu dựa vào thương mại qua biên giới (tiểu ngạch), dựa vào các điểm cửa khẩu thông quan chứ chưa đưa hàng hóa vào sâu nội địa, do đó, nông thủy sản chưa đáp ứng được hàng rào kỹ thuật, chưa tạo thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ bền vững. Phía Trung Quốc có nhu cầu lớn với các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như gạo, cao su, thủy sản, nông sản chế biến…, đặc biệt là trong giao thương chính ngạch. Do đó, Bộ Công Thương muốn phối hợp để định vị lại cho đúng với thực tiễn thương mại quốc tế, từ đó có các giải pháp cụ thể để tăng trưởng xuất khẩu, tạo dựng thị trường ổn định cho ngành nông nghiệp, từng bước giải quyết câu chuyện "được mùa mất giá" của nông sản.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng: Nếu không nhận dạng được những thay đổi từ thị trường Trung Quốc thì hiệu quả xuất khẩu sẽ thấp. Từ 1/6/2019 Trung Quốc đã chuyển sang hình thức xuất nhập khẩu chính ngạch, yêu cầu về chất lượng ngày càng cao của sản phẩm nhập khẩu, có sự thay đổi cơ quan quản lý, các năm trước là nhiều cục vụ, năm nay chỉ dồn Tổng cục Hải quan. Nếu không nắm bắt, chuyển hóa kịp, ta sẽ lúng túng.
Tại hội nghị, sau khi nghe các tham luận của đại diện các đơn vị chuyên môn của Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan quản lý của các địa phương đã tập trung thảo luận cụ thể hơn về thực trạng trong hoạt động xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời, tiếp tục chia sẻ, cung cấp thông tin về các yêu cầu thị trường, đánh giá những tiềm năng, triển vọng, chỉ ra những vấn đề tồn tại, hạn chế, qua đó đề xuất kiến nghị các giải pháp cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường nước bạn. Vì vậy, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương sẽ phối hợp xây dựng chiến lược xuất nhập khẩu bền vững.
Các doanh nghiệp cần chú trọng sản xuất theo quy hoạch, căn cứ theo nhu cầu, dung lượng thị trường, mùa vụ. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia tại thị trường Trung Quốc; xây dựng kênh phân phối, tiêu thụ hàng hóa tại Trung Quốc.
Tư duy xuất khẩu nông thủy sản cũng phải thay đổi theo hướng tiến tới xóa bỏ thương mại tiểu ngạch, tập trung xuất khẩu chính ngạch để giảm thiểu rủi ro pháp lý; từng bước xây dựng thương hiệu; nâng cao chất lượng, độ an toàn, mẫu mã sản phẩm; đáp ứng đầy đủ quy định, bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, đăng ký nhà xưởng, vùng trồng. Việc thay đổi tư duy xuất khẩu nông sản sẽ giúp nông sản không còn chỉ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, mà khi chất lượng được nâng cao sẽ chinh phục được nhiều thị trường khác.
Tại hội thảo, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, các đại biểu tham dự hội nghị đã tập trung thảo luận cụ thể hơn về thực trạng trong hoạt động xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc, đánh giá những tiềm năng, triển vọng, đồng thời chỉ ra những vấn đề tồn tại, hạn chế; qua đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường, vượt thách thức, khắc phục những tồn tại, hạn chế, cũng như tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý ở Trung ương, địa phương, doanh nghiệp trong công tác tổ chức sản xuất, xuất khẩu.
Tại hội nghị, 2 Bộ đã công bố phát hành sổ tay "Một số thông tin cần biết khi xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc" để cung cấp thông tin về thị trường cho các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội.
Nguồn: VITIC/Phòng Thông tin Kinh tế Quốc tế