Trong lịch sử, Ấn Độ đã là một đất nước thường xuyên bị hạn hán và thiếu đói. Nông nghiệp nước này phụ thuộc rất nhiều vào mùa mưa. Hiện 40% diện tích trồng lúa vẫn phụ thuộc vào nước mưa. Do lo ngại về tình trạng suy dinh dưỡng và an ninh lương thực quốc gia, Chính phủ Ấn Độ luôn thận trọng trong việc tự do hóa thương mại gạo, ưu tiên hàng đầu cho việc đảm bảo tiêu dùng trong nước và khi có dư thừa mới xem xét xuất khẩu.
Giữa những năm 1960 Ấn Dộ vẫn còn phụ thuộc nhiều vào gạo nhập khẩu, chủ yếu từ Mỹ, nhưng nay đã trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Mặc dù vậy, Ấn Độ vẫn giữ chính sách ương thực thận trọng, đôi khi khó có thể dự đoán về chính sách thương mại lương thực của quốc gia này.
Ấn Độ xuất khẩu chủ yếu 2 loại gạo: Basmati chất lượng cao (hiện chủ yếu sang Trung Đông, Mỹ, Châu Âu) và phi – basmati (hiện chủ yếu sang châu Phi và một số nước châu Á khác. Chính sách xuất khẩu đối với 2 loại này khác nhau. Đối với gạo basmati chất lượng cao, Ấn Độ không hạn chế xuâtgs khẩu (như về giá xuất khẩu tối thiểu, hạn ngạch…) nhưng với gạo phi-basmati đôi khi nước này cấm hoàn toàn việc xuất khẩu.
Cho đến năm 1991, Ấn Độ vẫn hạn chế xuất khẩu gạo thường, thường xuyên thay đổi quy định về giá tối thiểu cũng như hạn ngạch. Năm 1991 Ấn Độ phá giá đồng rupee khiến gạo basmati trở nên có sức cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế, nhờ đó xuất khẩu loại này gia tăng.
Xuất khẩu gạo thường bị cấm cho đến tháng 10/1994 mặc dù giá rất cạnh tranh so với các nước khác. Tài khoá 1995/96 đánh dấu việc mở cửa xuất khẩu gạo thường. Nhờ đó xuất khẩu ròng loại này đã tăng từ 0,9 triệu tấn năm 1994/95 lên 4,9 triệu tấn năm 1995/96.
Khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 1997 khiến Ấn Độ lại cấm xuất khẩu gạo, nhưng sau đó sản lượng tăng nhờ giá hỗ trợ tối thiểu tăng và Chính phủ lại huỷ lệnh cấm xuất khẩu gạo vào năm 2000.
Vẫn với mục tiêu đối phó với khủng hoảng lương thực (chủ yếu là gạo và lúa mì) năm 2007/08, tháng10/2007 Ấn Độ áp giá xuất khẩu tối thiểu đối với gạo thường là 425 USD/tấn, tăng lên 500 USD/tấn vào tháng 12/2007. Nhưng xuất khẩu gạo không vì thế mà suy giảm, đến tháng 3/2008 Chính phủ Ấn Độ ban hành lệnh cấm hoàn toàn xuất khẩu gạo thường. Tổng xuất khẩu gạo của nước này sau đó giảm từ 6,5 triệu tấn năm 2007/08 xuống chỉ 2,5 triệu tấn năm 2008/09 (chủ yếu là basmati). Giá gạo thế giới sau đó tăng mạnh, và Ấn Độ bị chỉ trích mạnh mẽ vì là nguyên nhân gây ra tình trạng giá tăng đó. Vì vậy, Ấn Độ đã mở cửa một phần việc xuất khẩu gạo, cho xuất khẩu gạo thường với giá ưu đãi sang một số nước láng giềng như Bangladesh và Bhutan và một số nước châu Phi có thu nhập thấp, nhưng khối lượng gạo xuất khẩu không nhiều. Tháng 9/2011 nước này lại huỷ lệnh cấm xuất khẩu, và kể từ đó Ấn Độ trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nhất là những năm 2014/16, khi xuất khẩu tới 12 triệu tấn gạo.
Tỷ trọng gạo thường trong tổng XK gạo đã tăng từ 4% năm 2010/11 lên 42,6% chỉ 2 năm sau đó.
Từ 2011 Ấn Độ trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, cạnh tranh mạnh với Thái Lan. Mặc dù có sức cạnh tranh tốt trên thị trường thế giới, song nước này vẫn áp thuế nhập khẩu cao (70% đối với gạo sơ chế hoặc gạo xay (semi-milled or wholly milled rice) và 80% đối với thóc, gạo nâu và gạo tấm (paddy, brown rice, and broken rice). Các chuyên gia nước ngoài đánh giá thuế cao như vậy là không cần thiết vì gạo Ấn có sức cạnh tranh cao và đã xuất khẩu trên 10 triệu tấn mỗi năm kể từ 2012-2013.
Quy định về xuất khẩu lúa gạo
Ấn Độ cho phép cả tư nhân và các doanh nghiệp nhà nước được xuất khẩu gạo phi-basmati qua một số cảng theo quy định (xem thêm ở trang http://dgft.gov.in/Exim/2000/NOT/NOT15/noti2316.pdf)
Ấn Độ hạn chế xuất khẩu hạt giống lúa, chỉ được xuất khi có giấy phép khi có đủ các điều kiện: (1) Trình đủ hồ sơ cho Hải quan ở thời điểm xuất khẩu, bao gồm giấy phép kinh doanh hạt giống theo Quy định Kiểm soát Hạt giống (1983) của Chính phủ và bản xác nhận hạt giống đã được xử lý hóa chất và không sử dụng làm lương thực cho con người. (2) Túi hạt giống xuất khẩu phải dán nhãn ghi rõ đã qua xử lý hóa chất và không sử dụng làm thức ăn cho người hoặc vật nuôi.
Tham khảo: