Thái Lan, thị trường quan trọng nhất của Việt Nam, trong khối ASEAN hứa hẹn có nhiều tiềm năng đối với các mặt hàng nông sản.
Ông Nguyễn Đương Kiên, Phó phòng Đông Nam Á, Nam Á và Hợp tác khu vực - Vụ Châu Á, Châu Phi (Bộ Công Thương) đã có buổi trao đổi về vấn đề này.
Ông đánh giá thế nào về dung lượng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Thái Lan trong thời gian qua?
Thái Lan là đối tác quan trọng và là thị trường lớn nhất của của Việt Nam trong khối ASEAN. Trong thời gian qua, chúng ta nhập siêu rất nhiều từ Thái Lan nhưng đây cũng là thị trường Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất trong khối.
Riêng Thái Lan chiếm tới 30% thương mại giữa Việt Nam và ASEAN, và chiếm 4% thương mại Việt Nam với thế giới. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Thái Lan năm ngoái 15,3 tỉ USD và năm nay dự kiến trên 17 tỉ USD.
Tuy nhiên, thị phần hàng hóa Việt Nam tại Thái Lan rất thấp chỉ 2,2%. Đối với Thái Lan, họ coi Việt Nam là thị trường quan trọng do chúng ta có nhiều thế lợi về địa lí, thuế quan và tương đồng về văn hóa.
Phải chăng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang lép vế hơn so với Thái Lan, thưa ông?
Thời gian gần đây, rất nhiều tập đoàn Thái Lan đẩy mạnh đầu tư Việt Nam và điển hình như Tập đoàn Centre Group với chuỗi siêu thị Big C.
Việt Nam có thể coi là thị trường nối dài của Thái Lan khi một số công ty lớn thực hiện chiến dịch thâu tóm các hãng trong nước như Tập đoàn Thai Charoen Corporation Group (TCC) mua lại chuỗi siêu thị Metro và đổi tên thành Mega Market.
Các doanh nghiệp Thái Lan tận dụng rất tốt những ưu đãi để mở rộng thị trường. Trong khi đó, hầu như chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào thâm nhập vào thị trường bán lẻ Thái Lan để đưa sản phẩm Việt Nam sang đó.
Nhiều doanh nghiệp băn khoăn việc Thái Lan sản xuất các sản phẩm tương đối giống Việt Nam nhưng chất lượng lại cao hơn.
Chúng ta còn có cộng đồng người Thái gốc việt rất lớn, khoảng trên 300.000 người và họ cũng ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đây cũng là lợi thế quan trọng mà chúng ta cần tận dụng.
Tuy nhiên, theo phản ánh của cộng đồng người Việt Nam ở nước bạn, các doanh nghiệp Việt sang Thái Lan hầu như chỉ vì mục đích du lịch chứ chưa đẩy mạnh việc tìm kiếm cơ hội đầu tư. Trong năm 2019, Bộ Công Thương dự kiến sẽ tổ chức doanh nghiệp tham quan và xúc tiến cơ hội tại Thái Lan. Đây có thể coi là "ngách" để Việt Nam tăng cường đẩy mạnh hàng hóa vào thị trường này.
Vậy những mặt hàng nào Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Thái Lan thời gian tới, thưa ông?
Việt Nam có nhiều mặt hàng lợi thế để xuất khẩu sang Thái nhưng thị phần còn thấp. Điển hình như săm lốp thị phần chỉ chiếm 5%.
Một lần trao đổi với một doanh nghiệp nhập khẩu cao su nước bạn, tôi được biết họ đánh giá cao mặt hàng săm lốp của Việt Nam nhưng hoạt động công tác thị trường cần đẩy mạnh hơn nữa.
Thủy sản của chúng ta xuất khẩu rất nhiều sang Thái nhưng thị phần mới 7%. Một số vùng xa biển Thái Lan nhưng gần Việt Nam trong khi nhu cầu thủy sản lại cao thì chúng ta nên ưu tiên đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này.
Đối với mặt hàng hoa quả, chúng ta nhập khẩu rất nhiều từ Thái Lan nhưng chủ yếu xuất khẩu ngược trở lại Trung Quốc.
Ở chiều ngược lại, thị phần hoa quả của Việt Nam tại Thái Lan chỉ chiếm 10% và nước này mới đây cũng cho phép chúng ta xuất khẩu xoài, thanh long, nhãn, vải. Những loại hoa quả này tưởng chừng khó xuất khẩu sang Thái Lan nhưng nhờ ưu thế về thổ nhưỡng và khí hậu nên chất lượng quả của chúng ta được đảm bảo. Chẳng hạn như vị quả vải của chúng ta bùi và thơm hơn.
Bên cạnh đó, hàng năm, Tập đoàn Centre Group cũng phối hợp với Bộ Công thương để tổ chức các chương trình xúc tiến hàng Việt Nam vào Thái Lan. Đây cũng được xem là lợi thế xuất khẩu của chúng ta.
Đối với cà phê, thị phần thô của chúng ta chiếm tới 86% nhưng cà phê hòa tan chỉ 10%. Cà phê hòa tan chúng ta chỉ có thương hiệu G7 ở thị trường này. Cà phê hòa tan đang được người Thái Lan yêu thích trong khi thị phần thô của chúng ta gần như bão hòa.
Với mặt hàng sữa, dung lượng sữa ở Thái Lan khoảng 3 tỉ USD nhưng Việt Nam hầu như chưa xuất khẩu được.
Vinamilk đã đăng kí xuất khẩu 70.000 tấn thử nghiệm nhưng năm nay vẫn chưa thực hiện được. Cần lưu ý rằng Thái Lan không phải là thị trường có ưu thế sản xuất sữa vì vậy chúng ta có thể đẩy mạnh xuất khẩu hàng này trong thời gian tới.
Những năm gần đây, thương hiệu các sản phẩm Việt Nam được quan tâm, biết đến rất nhiều như cà phê, hạt tiêu, điều. Để mở rộng hàng hóa Việt Nam tại Thái Lan hơn nữa, các doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ và phát triển thương hiệu của chính mình.
Hiệp định ATIGA có hiệu lực, thuế nhập khẩu hàng loạt nông sản giảm xuống còn 0%, trong đó có mặt hàng đường. Ngành đường Việt Nam đang gặp khó khăn trước đường Thái tràn vào nội địa với giá thành rẻ hơn. Theo ông điều này có đáng lo ngại?
Trong tham gia ATIGA, các bên liên quan đã tính đến tác động của hiệp định này.
Đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan, có một lượng không nhỏ là đường nhập lậu và sẽ bị xử lí.
Đường trong nước của Thái Lan được hưởng quỹ trợ giá nên có giá bán tốt. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt cần có tính toán phương án kĩ lưỡng và hợp lí để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Nguồn: Đức Quỳnh/Vietnambiz, Kinh tế & Tiêu dùng