Tại hội thảo xin ý kiến Dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam (Dự thảo Thông tư), do Bộ Công Thương tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh vừa qua, đại diện Bộ Công Thương cho biết, có 3 cách xác định xuất xứ hàng hóa được ghi nhãn Việt Nam, chứ không phải chỉ dựa trên con số ở ngưỡng 30%.
*Quy định xuất xứ
Cụ thể, doanh nghiệp có thể dựa vào quy định hàng hóa có xuất xứ thuần túy, hàm lượng giá trị gia tăng từ ngưỡng 30%, chuyển đổi mã số hàng hóa.
Trong đó, quy định hàng hóa có xuất xứ thuần túy đối với một số mặt hàng nông sản, thủy hải sản như cây trồng được xác định là trồng và thu hoạch tại Việt Nam, động vật sống sinh ra và nuôi dưỡng tại Việt Nam…
Còn hàng hóa xuất xứ không thuần túy được tính trên cơ sở hàm lượng giá trị gia tăng từ ngưỡng 30% trở lên. Trong đó, có hai công thức tính, gồm: công thức trực tiếp là cộng tất cả giá trị nguyên liệu đầu vào có xuất xứ tại Việt Nam chia cho giá thành; công thức gián tiếp là trị giá nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ tại Việt Nam chia cho giá thành (EXW).
Riêng tiêu chí chuyển đổi mã số ở cấp độ 4 số là rất rõ ràng. Cụ thể, dễ dự đoán, không phụ thuộc vào chênh lệch tỷ giá. Điều này, có thể hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ đều có thể nắm bắt và thực hiện được, bởi không doanh nghiệp nào đã làm xuất khẩu và nhập khẩu mà không hiểu về mã số hàng hóa.
Đánh giá về những quy định trong Dự thảo Thông tư, chuyên gia thương mại Bùi Kim Thùy cho rằng, tham khảo từ các quốc gia trên thế giới cũng như khu vực, việc lấy ngưỡng 30% mà không phải con số khác là hoàn toàn có cơ sở pháp lý và thực tiễn phù hợp với thị trường.
Khảo sát một vài nước trong khu vực, cũng có thể dễ dàng thấy, họ thậm chí còn lấy ngưỡng 20%, thấp hơn con số mà Dự thảo Thông tư đưa ra, vì phụ thuộc vào năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế từng quốc gia.
Bên cạnh đó, quy định này cũng đã tồn tại trong nhiều văn bản pháp luật nên không mới, nhưng cần xem xét cụ thể đối với từng ngành nghề, lĩnh vực để không cản trở tính cạnh tranh của hàng hóa.
Dẫn chứng cụ thể, chuyên gia thương mại Bùi Kim Thùy cho biết, hiện nay ngành điều Việt Nam đứng số 1 thế giới, nhưng nguồn nguyên liệu trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, nên hơn 50% nguyên liệu nhập khẩu.
Ngoài ra, nếu đặt quy định ghi nhãn Việt Nam cho ngành điều hay một số ngành khác tương tự mà không có sự linh hoạt thì gây thiệt hại cho 50% nguyên liệu nhập khẩu. Cùng đó, doanh nghiệp cần vượt qua công đoạn gia công chế biến đơn giản, chuyển đổi mã số hàng hóa mới xuất khẩu được.
*Yếu tố xem xét thêm
Mặt khác, Dự thảo Thông tư cũng đưa ra các yếu tố cần xem xét thêm không chỉ là gia công chế biến đơn giản, mà còn có bao bì, phụ kiện, phụ tùng; yếu tố gián tiếp sử dụng trong quá trình sản xuất; tỷ lệ linh hoạt nguyên liệu…
Hàng hóa không được coi là có xuất xứ Việt Nam, nếu chỉ qua một hoặc kết hợp nhiều công đoạn này, cũng đồng nghĩa với việc hàng hóa không được coi là hàng hoá của Việt Nam.
Đối với công đoạn sản xuất cuối cùng tại Việt Nam (PSR), phải vượt ra gia công chế biến đơn giản, hàm lượng giá trị gia tăng 30% trở lên, thì hàng hóa sẽ được chuyển đổi mã số ở cấp độ 4.
Sau khi hàng hóa đáp ứng tiêu chí có xuất xứ Việt Nam, hàng hóa Việt Nam, phải được thể hiện nhãn mác bằng tiếng Việt và có thể bổ sung bằng ngôn ngữ khác tương ứng với nội dung Việt Nam.
Riêng hàng hóa tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh Việt Nam… thông tư quy định không được phép thể hiện là hàng hóa xuất xứ Việt Nam. Hàng hóa nếu không đáp ứng tiêu chí ghi “nhãn” Việt Nam thì cũng không được ghi lên nhãn và bất kỳ tài liệu, vật phẩm nào liên quan.
Theo một số doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, những quy định kể trên đặt ra vấn đề, nếu hàng hóa đã đáp ứng quy định thì được ghi “nhãn” Việt Nam, còn đối với hàng hóa không đủ điều kiện thì ghi gì, làm sao chứng minh được nguồn gốc xuất xứ khi để lưu thông trên thị trường trong và ngoài nước.
Mặt khác, doanh nghiệp đều gặp khó khi ghi nhãn hàng hóa trong lưu thông thị trường nội địa, cũng như xuất khẩu, còn cơ quan quản lý thì đối mặt với thách thức cấp phép ghi nhãn hàng hóa.
Cụ thể, liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đại diện doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, 100% hàng hóa xuất khẩu không bị ảnh hưởng, nhưng hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài và được nhập khẩu lại thị trường Việt Nam tiêu thụ thì gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, hàng hóa công nghệ cao xuất khẩu ra thị trường quốc tế hầu như thuế nhập khẩu bằng 0%, nhưng một số người mua muốn xin xác nhận xuất xứ Việt Nam không vì nhận ưu đãi thuế thì doanh nghiệp phải làm sao khi quy trình sản xuất không đáp ứng đủ quy định ghi nhãn Việt Nam.
Còn nhiều doanh nghiệp nội địa cũng nêu ra vấn đề, hàng hóa thu mua trong nước từ nhiều nguồn không đủ điều kiện xác định được xuất xứ đơn giản hàng hóa thuần túy vẫn ghi nhãn Việt Nam thì đúng hay sai quy định và có bị xử phạt hay không?.
Trước những câu hỏi trên, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian qua không chỉ thị trường trong nước, mà thị trường toàn cầu rất quan tâm đến những vấn đề liên quan đến xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh việc xuất xứ hàng hóa là yếu tố giảm thuế, hiện thực hóa các cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do, phòng vệ thương mại… thì đây còn là yêu cầu hàng đầu của người tiêu dùng trong mua sắm, tiêu dùng hàng hóa.
Mặc dù, Dự thảo Thông tư này không áp dụng cho hàng xuất khẩu và không áp dụng cho hàng nhập khẩu đã có nhãn mác ghi nhãn thể hiện xuất xứ không phải xuất xứ Việt Nam cũng như chỉ phục vụ cho việc ghi nhãn hàng hóa và tiếp thị hàng hóa lưu thông trên trên thị trường Việt Nam, nhưng muốn ghi nhãn Việt Nam thì doanh nghiệp phải cải tổ quy trình sản xuất, cũng như mô hình kinh doanh đảm bảo đáp ứng tiêu chí theo quy định.
Theo ông Trần Thanh Hải, doanh nghiệp cần quan tâm đúng mức đối với vấn đề ghi nhãn Việt Nam để tăng năng lực cạnh tranh và tính minh bạch đối với người tiêu dùng. Trong thời gian qua, vấn đề xuất xứ hàng hóa đã có quy định, nhưng hiện nay cần một Thông tư để phổ biến và thông tin rõ ràng hơn.
Qua đó, giúp cộng đồng xã hội nhận biết hàng hóa Việt Nam và giải quyết vấn đề hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nhưng đủ hay chưa đủ điều kiện ghi nhãn Việt Nam.
Cùng với việc đầu tư quy trình sản xuất, công nghệ, nguồn nhân lực… doanh nghiệp phải chủ động đáp ứng quy định về xuất xứ hàng hóa, ghi nhãn… mới có thể dễ dàng lưu thông trên thị trường và người tiêu dùng nhận biết thương hiệu.
Nguồn: Bnews.vn