Người tiêu dùng Việt Nam chưa có điều kiện để tiếp xúc, tiếp cận với nông sản có chất lượng cao
Đánh giá chất lượng nông sản, bà Trịnh Huyền Mai - Phó trưởng Phòng Chính sách - xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương - cho biết, trong thời gian qua, chất lượng của nông sản Việt có những cải thiện đang kể để đáp ứng nhu cầu của thị trường ngày càng khó tính hơn, đa dạng hơn, kĩ hơn về an toàn thực phẩm, về hình thức, mẫu mã, bao bì và về cả chất lượng dịch vụ cung ứng.
Tuy nhiên, theo bà Mai, yếu tố minh bạch thông tin sản phẩm cũng rất quan trọng. Trong thời gian gần đây, các hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến đều được cấp mã số vùng trồng, mã truy xuất nguồn gốc, triển khai áp dụng các chương trình VietGap, GlobalGap cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, nhìn về tổng quan, mức độ tỉ lệ còn hạn chế, nhỏ lẻ so với đại đa số các sản phẩm nông sản trôi nổi, chưa rõ nguồn gốc, hoặc thông tin sản phẩm còn sơ sài, không đầy đủ, người tiêu dùng rất khó để kiểm chứng thông tin. Trong khi đó, chi phí tiêu dùng cho các sản phẩm chất lượng, được kiểm chứng lại rất cao so với các sản phẩm thông thường.
“Việc không minh bạch thông tin sản phẩm là yếu tố tác động tiêu cực đến tính cạnh tranh lành mạnh của thị trường. Ví dụ các nhà sản xuất không có áp lực để làm đúng, làm chuẩn; khi nhà sản xuất làm đúng làm chuẩn rồi lại thiếu động lực để duy trì chất lượng”- bà Mai nhận định và cho biết thêm, đối với người tiêu dùng, hoặc phải chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm không biết có an toàn hay không, có sạch hơn như quảng cáo không hay dần mất niềm tin với sản phẩm nông sản của Việt Nam. Điều đó vô hình chung làm mất đi tính cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường trong nước so với các sản phẩm nhập khẩu.
Cũng thừa nhận, nông sản Việt Nam dù được nhiều thị trường đánh giá là có chất lượng cao, các thị trường lớn xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, Nhật, châu Âu là những thị trường khó tính, song theo ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), người tiêu dùng Việt Nam chưa có điều kiện để tiếp xúc, tiếp cận với nông sản có chất lượng cao. Việc này, một phần do định hướng của chính doanh nghiệp và xuất phát từ một số lý do.
Theo ông Tiến, hiện hầu hết với các doanh nghiệp lớn kinh doanh nông sản, đặc biệt là nông sản có giá trị cao đa số tập trung vào thị trường xuất khẩu; giá trị xuất khẩu trên thị trường quốc tế cao hơn thị trường trong nước. Lợi nhuận cao hơn thì doanh nghiệp trong nước sẽ ưu tiên xuất khẩu. Ngoài ra, về phía cơ quan nhà nước, cơ chế kiểm soát và công tác quản lý chưa thực sự hoàn thiện. Trong khi người tiêu dùng lại mong muốn sản phẩm giá rẻ, nên những nông sản chưa đảm bảo chất lượng hoặc chất lượng không cao vẫn trôi nổi trên thị trường.
“Thêm một yếu tố nữa là với doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này, lợi nhuận không cao. Trong khi người tiêu dùng vẫn quen mua sắm tại chợ truyền thống, thiếu truy xuất nguồn gốc. Đây cũng là thiệt thòi của người tiêu dùng Việt Nam”- ông Tiến chia sẻ.
Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng trong nước
Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc, nông sản Việt cần phải chinh phục thị trường Việt. Việc nâng cao chất lượng, định vị và xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt “chắc chân” trên sân nhà không chỉ là yếu tố tiên quyết để khơi thông dòng chảy tiêu thụ nông sản nội địa, mà còn giúp các sản phẩm tự tin vươn ra toàn cầu.
Ông Nguyễn Minh Tiến cho hay, trước đây các doanh nghiệp lớn tập trung vào thị trường xuất khẩu thì nay đã bắt đầu quan tâm tới thị trường trong nước. Vấn đề làm sao để các doanh nghiệp lớn trong nước ưu tiên cung cấp các nông sản chất lượng cao thì cần có sự kết hợp từ rất nhiều những yếu tố.
Đầu tiên về phía các cơ quan quản lý nhà nước, phải tạo điều kiện thuận lợi, phải hình thành chuỗi giá trị, cung cấp chuỗi kết nối giữ hệ thống phân phối hiện đại và doanh nghiệp. Với xu hướng thương mại điện tử bùng nổ, đặc biệt là mạng xã hội cần hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ gắn kết với sàn thương mại điện tử để bán hàng có truy xuất có nguồn gốc và an toàn.
Nhận thức và lượng thông tin người tiêu dùng chưa thực sự tin vào hàng Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh quảng bá trên nền tảng mạng xã hội, vì những phiên livetreams tạo ra hiệu ứng lan tỏa rất lớn. Qua các phiên livetreams, người tiêu dùng sẽ nhận thức được giá trị từ sản phẩm, theo đó, khả năng chi trả của họ cho sản phẩm sẽ ở mức cao hơn.
Cùng với đó, người tiêu dùng có nhiều điều kiện tiếp xúc nông sản chất lượng cao cần đẩy mạnh hệ thống logistics chuyên biệt, cần nhất là logistics lạnh, kho lạnh, xe chuyên chở chuyên dùng để sản phẩm đến tay người tiêu dùng chuẩn chỉnh, đảm bảo an toàn chất lượng.
Cuối cùng là hướng tới người nông dân chuyên nghiệp. Ông Tiến cho biết, người nông dân cần được cấp phép, bảo đảm được quy trình về pháp lý, hình thành các kênh phân phối, cùng với sự vào cuộc của nhà nước, hiệp hội thì người tiêu dùng trong nước sẽ được tiếp cận nhiều hơn nữa với nông sản chất lượng cao.
Về phía Bộ Công Thương, nhằm hỗ trợ đầu ra cho nông sản, bà Mai cho biết, thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương thường xuyên phối hợp triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong nước cho sản phẩm nông sản Việt, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm, mở rộng kênh phân phối cho các sản phẩm đặc sản của địa phương, vùng miền, quốc gia.
Đặc biệt, với trọng điểm là chương trình cấp quốc gia xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại đã triển khai với rất nhiều đổi mới, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường nội địa cho sản phẩm nông sản.
Trung bình mỗi năm chương trình hỗ trợ cho các đơn vị chủ trì, các địa phương, hiệp hội, ngành hàng, tổ chức khoảng 15 hội chợ vùng cho các sản phẩm nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP của địa phương; tăng cường kết nối giao thương cho các ngành hàng, kết hợp với đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm.
“Thông qua các chương trình cũng hỗ trợ và khuyến khích, vận động địa phương tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại có tính liên kết vùng để tạo hiệu ứng lan tỏa tốt hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng có rất nhiều hoạt động hỗ trợ các địa phương, ngành hàng như xây dựng cơ sở dữ liệu về sản phẩm, thế mạnh của địa phương, các hoạt động tuyên truyền quảng bá, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm hàng hoá Việt Nam”- bà Mai nhấn mạnh.
Về giải pháp, trong thời gian tới, bà Mai cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp đồng hành cùng các Bộ, ngành như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; nhà sản xuất, nhà phân phối tiếp tục xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản có tính mùa vụ của địa phương tại thị trường nội địa.
Có thể có 4 giải pháp như sau:
Thứ nhất, về hoạt động xúc tiến thương mại, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, quy mô lớn ở cả 3 miền, các hội chợ vùng miền để tạo điều kiện cho các nhà cung ứng, nhà sản xuất của địa phương; các nhà sản xuất, doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận, gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, phát triển hệ thống phân phối. Qua đó, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng đa dạng, tăng cao hơn và đảm bảo nguồn cung cho các doanh nghiệp đầu vào, thúc đẩy giữa các địa phương có thể tiêu thụ, hợp tác kinh doanh cùng nhau.
Thứ hai, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình của Bộ Công Thương ở cấp độ quốc gia. Ở cấp độ địa phương sẽ có những chương trình khuyến mại tập trung quốc gia để kích cầu tiêu dùng trong nước. Qua đó, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm hàng Việt, mang thương hiệu Việt vào chuỗi cung ứng giá trị lớn.
Thứ ba, chúng tôi sẽ tiếp tục đào tạo, hướng dẫn các chủ thể trong nền kinh tế nông nghiệp tham gia đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên nền tảng số, phát triển thương mại đa kênh theo phương thức mới.
“Cuối cùng, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hàng Việt Nam đến với cộng đồng người tiêu dùng. Song song với việc đổi mới, ngoài việc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng nâng cao nhận thức, đánh giá tốt hơn thị trường trong nước cũng như đầu tư thích đáng cho việc phát triển sản phẩm đáp ứng về nhu cầu tiêu dùng của người dân; đẩy mạnh hình thức thương mại mới. Đặc biệt, nhà sản xuất phải thay đổi, minh bạch thông tin, cải thiện chất lượng sản phẩm”- bà Mai nhấn mạnh.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương