Tăng giá trị sản phẩm

Theo bà Trần Tuyết Lan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, liên kết và phát triển thủ công mỹ nghệ (Craft Link), thương mại công bằng là một chuỗi khép kín từ nhà sản xuất, phân phối đến tay người tiêu dùng với các tiêu chuẩn rất chặt chẽ. Sản phẩm được sản xuất theo nguyên tắc thân thiện môi trường, phát triển bền vững và đảm bảo không có sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng giữa nhà sản xuất và người lao động.

Để bán được hàng cho các tổ chức thương mại công bằng trên thế giới, xuất khẩu tới những thị trường khó tính đòi hỏi các sản phẩm được sản xuất ra phải đáp ứng 10 tiêu chí. Trong đó, bảo vệ môi trường, an toàn cho người lao động... được đánh giá là những tiêu chí quan trọng nhất. Craft Link đang hỗ trợ cho 70 nhóm ở khắp Việt Nam, với hơn 6 nghìn người được hưởng lợi, trong đó có nhiều nhóm dân tộc thiểu số, nhóm khuyết tật ở vùng sâu vùng xa.

Ông Đỗ Văn Thà (thôn Phương La, xã Thanh Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) - một trong những đối tượng hưởng lợi  cho biết: Thực hiện thương mại công bằng, các sản phẩm như khăn mặt, hàng tơ tằm của nhóm đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Đức, Úc, Italia... Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, EU về tận làng nghề xem xét việc tuân thủ các tiêu chí về thương mại công bằng mới quyết định đặt hàng. “Khi sản phẩm đã có chứng nhận thương mại công bằng, khả năng ký kết hợp đồng thành công rất cao”, ông Thà nói.

Theo Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, các nhà nhập khẩu EU rất quan tâm đến hàng thủ công mỹ nghệ có chứng nhận thương mại công bằng trên thế giới. Việc đạt được chứng nhận này sẽ mở thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ Việt Nam trong việc thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như EU. Người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao nếu mặt hàng đó có nguồn gốc rõ ràng, không có tác động tiêu cực đến xã hội và môi trường.

Cần nhiều hơn những quan tâm

Tuy nhiên, việc đáp ứng các tiêu chí và được chứng nhận thương mại công bằng là rất khó. Nói về điều này, ông Đỗ Văn Thà cho biết: Trong 10 tiêu chí, khó đáp ứng nhất là tiêu chí về môi trường bởi trong quá trình dệt nhuộm, nước thải, bông bay...rất khó xử lý.

Đại diện Craft Link cũng chia sẻ, trở ngại lớn nhất hiện nay là điều kiện làm việc của các nhóm sản xuất, nhất là các nhóm ở vùng sâu, vùng xa còn chưa được như mong muốn. Sẽ còn phải đầu tư nhiều cho xưởng, công cụ sản xuất để giúp người lao động làm ra sản phẩm nhanh nhất mà vẫn an toàn cho môi trường.

Cùng đó, thương mại công bằng mặc dù đang mang lại lợi ích xã hội lớn lao, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này hầu hết phi lợi nhuận nhưng không được hưởng những ưu đãi tương xứng. Luật Doanh nghiệp đã có thêm nội dung về doanh nghiệp định hướng xã hội tuy nhiên ưu đãi chưa rõ ràng, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ về thuế. Chưa có cơ chế kiểm soát hiệu quả khi một số tổ chức, doanh nghiệp lợi dụng, hoạt động không hiệu quả gây ảnh hướng tới uy tín, hình ảnh của thương mại công bằng.

Do vậy, “Nhà nước cần có ưu  tiên về thuế cho các nhóm sản xuất, hợp tác xã dân tộc thiểu số. Truyền thông rộng rãi về thương mại công bằng giúp Cratf Link cũng như các doanh nghiêp khác thuận lợi hơn trong triển khai các dự án hỗ trợ”, bà Lan mong muốn.

Nguồn: Việt Nga/Báo Công Thương điện tử