Mặc dù Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN, nhưng giá trị trao đổi thương mại Việt Nam và Canada hiện mới chỉ chiếm khoảng 0,7% trong tổng kim ngạch thương mại nước này.
Khi năm 2020 đầy thách thức và bất ổn sắp khép lại, cũng là lúc đánh dấu thời điểm hai năm thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Phóng viên TTXVN mới đây đã có cuộc trao đổi với cựu Thủ hiến Quebec, ông Jean Charest về mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Canada, trong bối cảnh hai nước đang chứng kiến xu hướng đi lên trong trao đổi thương mại hai chiều, bất chấp đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến mọi khía cạnh của nền kinh tế.
Ông Jean Charest chia sẻ: “Câu hỏi đặt ra là Canada và Việt Nam đã tận dụng được hết lợi thế của CPTPP hay chưa; liệu chúng ta đã nhìn ra tất cả các cơ hội. Câu trả lời theo tôi rõ ràng là "chưa."
CPTPP và mối quan hệ giữa Việt Nam và Canada đang ở mức thấp hơn so với tiềm năng. Chúng ta đã thấy một dấu ấn đó là thương mại gia tăng và đây là điều rất đáng khích lệ. Cán cân thương mại đang có lợi cho Việt Nam. Chúng ta đã nhận ra cơ hội trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, trong hoạt động chế tạo, nhưng có những lĩnh vực mới cần đầu tư. Tôi đang nghĩ đến cơ sở hạ tầng nơi các quỹ hưu trí của Canada là những nhà đầu tư chủ lực trên thế giới. Nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng rất lớn ở Việt Nam và trên toàn khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).”
Ông Jean Charest khuyến nghị: “Cơ sở hạ tầng là một lĩnh vực mà chúng ta có thể làm việc cùng nhau. Các lĩnh vực khác bao gồm chăm sóc y tế, giáo dục y khoa,..”
Tại các siêu thị ở Canada, không quá khó để có thể tìm thấy các sản phẩm "made-in-Vietnam."
Với kim ngạch nhập khẩu hàng hóa lên tới khoảng 500 tỷ USD mỗi năm, Canada được đánh giá là một thị trường đầy hấp dẫn. Nhưng sức hấp dẫn này cũng đồng nghĩa với sự cạnh tranh khốc liệt đối với các doanh nghiệp.
Mặc dù Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN, nhưng giá trị trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Canada hiện mới chỉ chiếm khoảng 0,7% trong tổng kim ngạch thương mại của quốc gia Bắc Mỹ này.
Có thể thấy, dư địa còn rất lớn để Việt Nam và Canada mở rộng hợp tác thương mại, nhất là khi giao dịch hàng hóa giữa hai nước mang tính bổ sung cho nhau hơn là cạnh tranh với nhau.
Ông Jean Charest nhấn mạnh một số thay đổi lớn tại cả hai nước trong năm 2020 là Canada thực thi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) phiên bản mới. Điều này có nghĩa là các công ty Việt Nam đầu tư vào Canada sẽ được tiếp cận với cả Mỹ và Mexico.
Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam hồi trung tuần tháng 11 vừa qua đã tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). RCEP quy tụ 15 quốc gia, chiếm 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới, với quy mô GDP của khối đạt 26.000 tỷ USD.
Ông Jean Charest nói: “Đối với các doanh nghiệp Canada, điều này thực sự mang lại một góc nhìn mới trong việc đầu tư vào Việt Nam.”
Là một quốc gia thuộc Thái Bình Dương, Canada ngày càng coi trọng mối quan hệ không ngừng lớn mạnh với Việt Nam. Được biết đến là một “trung tâm” FTA ở châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam sẽ là cầu nối để đưa hàng hóa và dịch vụ của Canada tiếp cận với thị trường 660 triệu người tiêu dùng của ASEAN.
Ông Jean Charest khẳng định: “Việt Nam là một đất nước đặc biệt mà Canada có mối quan hệ rất thân thiết. Hiện Việt Nam hơn bao giờ hết nên được coi là điểm đến đầu tư cho các công ty Canada muốn tiếp cận với khu vực châu Á rộng lớn hơn”./.