Vùng Kyoto – nơi chiếm khoảng 25% sản lượng tencha của cả nước (loại lá trà được sấy khô và nghiền thành matcha) – đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt sóng nhiệt vào mùa hè năm ngoái, thời điểm được ghi nhận là năm nóng nhất trong lịch sử Nhật Bản. Hậu quả là vụ thu hoạch vào tháng 4 và 5 năm nay cho năng suất kém.
Nông dân Masahiro Yoshida, người đã làm nghề trồng trà qua sáu thế hệ, cho biết năm nay ông chỉ thu hoạch được 1,5 tấn tencha, giảm 25% so với mức trung bình 2 tấn. “Mùa hè năm ngoái quá nóng khiến cây trà bị tổn thương, nên chúng tôi không hái được nhiều lá,” ông chia sẻ với Reuters tại cửa hàng ở thành phố Uji, phía nam Kyoto.
Trong khi đó, nhu cầu matcha trên toàn cầu đang bùng nổ, chủ yếu đến từ giới trẻ thuộc thế hệ Millennials và Gen Z - những người ưu tiên lối sống lành mạnh. Matcha được ưa chuộng không chỉ vì giàu chất chống oxy hóa, mà còn vì chứa nhiều caffeine hơn các loại trà xanh thông thường. Các quán cà phê hiện đại trên thế giới liên tục đưa matcha vào thực đơn với nhiều biến tấu như latte, sinh tố và món tráng miệng.
Sức hút mạnh mẽ trên mạng xã hội vào mùa thu năm ngoái đã khiến nhu cầu tăng vọt, buộc một số nhà phân phối như Tealife (Singapore) phải giới hạn lượng mua. Nhà sáng lập Yuki Ishii cho biết nhu cầu từ khách hàng đã tăng gấp 10 lần chỉ trong năm ngoái và hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. “Chúng tôi hầu như luôn trong tình trạng hết hàng,” ông nói.
Theo Hiệp hội Sản xuất Trà Nhật Bản, tổng sản lượng tencha năm 2024 đạt 5.336 tấn, gần gấp 2,7 lần so với một thập kỷ trước nhờ nhiều nông dân chuyển sang trồng loại cây này. Tuy nhiên, hiệp hội cho biết sản lượng matcha năm nay dự kiến sẽ giảm.
“Rất nhiều người kỳ vọng vào một mùa thu hoạch bội thu để giải quyết tình trạng thiếu hụt, nhưng xem ra điều đó khó xảy ra,” ông Marc Falzon, người thu mua trà từ các nông dân Uji cho công ty xay trà Ooika tại New Jersey, cho biết. Ông cũng cảnh báo rằng ngay cả khi các nông dân đang mở rộng diện tích trồng matcha, thì các ruộng trà mới cũng cần đến 5 năm để bắt đầu thu hoạch, vì vậy tình trạng khan hiếm sẽ còn kéo dài.
Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản cho thấy xuất khẩu trà xanh của nước này, bao gồm matcha, đã tăng 25% về giá trị trong năm 2024, đạt 36,4 tỷ yen (252 triệu USD), chủ yếu nhờ nhu cầu gia tăng với các loại trà dạng bột. Về khối lượng, xuất khẩu tăng 16%.
Giá tencha cũng đã lập kỷ lục mới, với mức 8.235 yen/kg trong phiên đấu giá tại Kyoto hồi tháng 5 – tăng 170% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt xa kỷ lục cũ năm 2016 là 4.862 yen/kg, theo Hiệp hội Trà Nhật Bản Toàn cầu.