Nhiều mặt hàng chiếm ưu thế tại thị trường
Ông Đỗ Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, khu vực châu Á – châu Phi luôn là thị trường quan trọng của Việt Nam, chiếm hơn 67% tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong đó, xuất khẩu đạt 182 tỷ USD, chiếm 52% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý 1/2024, xuất nhập khẩu với khu vực Á- Phi ước đạt 117 tỷ USD (chiếm 67% tổng giá trị xuất nhập khẩu với thế giới), tăng gần 13% so cũng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sang khu vực Á Phi ước đạt 46 tỷ USD (chiếm 49%), tăng 11,8%. Điểm đáng chú ý là kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh tất cả những đối tác thương mại lớn như: Trung Quốc (9,8%), Hồng Kông (40,5%), Đài Loan (20,9%), Hàn Quốc (10,4%), Nhật Bản (7,1%), Indonesia (28,8%), Singapore (17,8%)...
Hàng hóa xuất nhập khẩu với khu vực Á - Phi ngày càng được đa dạng. Bên cạnh các thị trường truyền thống như ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... các thị trường mới, thị trường ngách như: khu vực châu Phi tăng 18%; khu vực Trung Đông tăng 2%... cũng được đẩy mạnh khai thác và khai thác tốt, có mức tăng trưởng xuất nhập khẩu tốt trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro không xác định.
Đáng chú ý, nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam giữ vị thế “chắc chân” tại các thị trường trọng điểm. Đơn cử như trái vải thiều của Bắc Giang, năm 2023 trong tổng số 111.000 tấn vải thiều xuất khẩu, Bắc Giang xuất khẩu phần lớn sang thị trường châu Á – châu Phi (thị trường Trung Quốc chiếm tới 99%, còn lại xuất khẩu sang các nước là Úc, UAE, Đông Nam Á và một số thị trường khác như Mỹ, Đài Loan, EU...).
Hay với trái xoài và nhãn của tỉnh Sơn La, tại khu vực thị trường Á- Phi, mặc dù các nước có trồng và một số nước thậm chí có diện tích trồng lớn (như Trung Quốc) nhưng vẫn có nhu cầu nhập khẩu lớn các loại trái cây này, để phục vụ tiêu dùng hoặc xuất khẩu sang thị trường khác... do xoài, nhãn của Sơn La có ưu thế về giá cả, mùa vụ, hương vị, mẫu mã... Tương tự, cây chè cũng là sản phẩm có thế mạnh của trung du miền núi phía Bắc, quý 1/2024 đạt 43,4 triệu USD, tăng 23,1%; sang thị trường Á Phi đạt 28,1 triệu USD, tăng 2% với cùng kỳ năm 2023.
Vi phạm tiêu chuẩn vẫn còn phổ biến
Mặc dù thời gian qua xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Á-Phi khởi sắc nhưng theo ông Đỗ Quốc Hưng dư địa mở rộng thị trường còn rất lớn, đồng thời những khó khăn, hạn chế của doanh nghiệp không phải không có. Khó khăn của doanh nghiệp hiện này là còn thiếu thông tin về nhu cầu thị trường, tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường; thiếu hỗ trợ kết nối doanh nghiệp, nhà nhập khẩu nước ngoài; chưa thâm nhập được vào chuỗi phân phối, cũng như chưa tận dụng được kênh thương mại điện tử xuyên biên giới; sản xuất chế biến chưa đảm bảo dẫn tới việc vi phạm các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn nhập khẩu thị trường còn rất phổ biến.
“Khi tiếp xúc với rất nhiều nhà nhập khẩu chè của Pakistan, trả lời câu hỏi về sản lượng nhập khẩu chè từ Việt Nam chưa cao vì hầu hết các lô hàng đều phát hiện thuốc trừ sâu. Đây là vấn nạn rất lớn. Hay tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, mỗi năm thống kê có hơn 100 vụ nông sản trái cây bị trả về do vi phạm những tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về bao gói, nhãn mác của các thị trường nhập khẩu còn phổ biến”, ông Đỗ Quốc Hưng thông tin.
Để tiếp tục khai thác tốt nhu cầu thị trường, chiếm lĩnh vị trí xuất khẩu tương xứng hơn so với tiềm năng, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi cho rằng, các địa phương cần xây dựng danh sách doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, trái cây trên địa bàn đủ năng lực xuất khẩu gửi về Bộ Công Thương (Vụ Thị trường châu Á – châu Phi) để thuận lợi trong công tác kết nối với nhà nhập khẩu. Đồng thời, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thương hiệu đặc trưng cho các sản phẩm có thế mạnh.
Đối với thị trường truyền thống Trung Quốc, cần nghiên cứu khả năng phối hợp với bộ, ngành chức năng, hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có uy tín của tỉnh tổ chức định kỳ hàng năm hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường tiềm năng lớn còn nhiều dư địa cho các sản phẩm có thế mạnh.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh xu hướng sử dụng các sản phẩm chế biến sâu trên thế giới và khu vực thị trường Á - Phi ngày một tăng các doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư chuyển đổi hoặc thu hút đầu tư vào chế biến sâu, một mặt nâng cao giá trị xuất khẩu, một mặt bắt kịp xu thế của thị trường. Đồng thời, chú trọng khai thác các hình thức thương mại khác nhau như thương mại điện tử….
Bên cạnh đó, công tác tổ chức sản xuất (như quy hoạch vùng trồng, chủ động về giống và phân bón…), nâng cao chất lượng sản phẩm (mã vùng trồng, cơ sở đóng gói…), cũng như hợp tác để cải tiến công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến… đóng vai trò quan trọng để nâng cao chuối giá trị sản phẩm nhằm giữa vững thị phần xuất khẩu tại các thị trường truyền thống như ASEAN, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Australia New Zealand… Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống logistics và hệ thống cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu để đảm bảo thông quan hàng hóa nông sản thuận lợi qua biên giới...